Bệnh nhân tử vong, BV Đa khoa tỉnh Hải Dương từ chối trách nhiệm

(PLO) - Sau khi được các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa  tỉnh Hải Dương mổ viêm ruột thừa, bà Vũ Thị Nhàn (47 tuổi, trú tại thôn Hải Hộ, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) lịm dần rồi bị tử vong vài ngày sau đó. Người nhà nghi ngờ bà Nhàn tử vong do phía bệnh viện tắc trách. 
Chuyển viện quá muộn?
Ông Phạm Vũ Khắc (anh bà Nhàn) cho biết: “Đêm 23/12/2015, em tôi bị đau bụng và buồn nôn. Sáng hôm sau, vì  cơn đau chưa dứt nên em tôi được con trai đưa đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hải Dương để khám. Tại đây, bác sỹ chẩn đoán em tôi bị viêm ruột thừa và chỉ định phải mổ ngay. Tuy nhiên, mổ xong tình hình sức khỏe em tôi xấu đi. Bà ấy lịm dần, bác sỹ phải tiến hành cấp cứu rất lâu”.
Đến sáng 26/12, thấy tình trạng của bà Nhàn trầm trọng hơn, gia đình xin chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị. “Tại đây, dù được bác sỹ cấp cứu tích cực nhưng sang đến ngày 27/12 thì em tôi tử vong. Các bác sỹ bảo rằng, em tôi được chuyển lên quá muộn”- ông Khắc ngậm ngùi nói.
Ông Phạm Văn Lễ (Trưởng thôn Hải Hộ đồng thời là em họ bà Nhàn) cho biết, bà Nhàn vốn khỏe mạnh, ít ốm đau bệnh tật. Lần này, do bị cơn đau bụng hành hạ nên bà mới tới bệnh viện để thăm khám. “Trước đó,  bà Nhàn có gọi điện về thông báo cho chúng tôi biết bác sỹ chẩn đoán bà bị viêm ruột thừa và phải tiến hành mổ ngay. Khi bà mổ, ngoài con trai còn có hai người em dâu của bà chăm sóc. Đến nay, chúng tôi vẫn băn khoăn không hiểu trong quá trình mổ, các bác sỹ có thiếu sót gì không mà sức khỏe của bà Nhàn lại có diễn biến xấu như vậy?”, ông Lễ bày tỏ sự băn khoăn.
Ông Lễ thông tin sự việc
 Ông Lễ thông tin sự việc
Theo lời ông Lễ, sau khi bà Nhàn tử vong, trên đường đưa thi thể bà về quê, người nhà có cử người vào BVĐK tỉnh Hải Dương để thông báo tình hình. “Dù không tử vong ở BVĐK tỉnh Hải Dương nhưng bác sỹ ở đây là những người trực tiếp mổ.  Khi mổ xong sức khỏe bệnh nhân ngày một xấu đi nên phải xem xét nguyên nhân và trách nhiệm của các bác sỹ ở đây”, ông Lễ bày tỏ.
Mặc dù được gia đình thông báo nhưng đến cuối giờ chiều ngày hôm sau (28/12), khi người nhà bà Nhàn đeo khăn tang lên thông báo một lần nữa, phía BVĐK Hải Dương mới cử đại diện xuống thăm hỏi và nói chuyện với gia đình. Tại đây, trước những thắc mắc, băn khoăn của người nhà xoay quanh cái chết của bà Nhàn, đại điện bệnh viện không thừa nhận có liên quan tới cái chết của bà. 
“Điều này khiến chúng tôi thấy bức xúc. Sau khi lo tang lễ cho bà Nhàn xong, sáng 30/12, đại diện gia đình đã lên làm việc với lãnh đạo BVĐK tỉnh Hải Dương. Ngoài những lời thăm hỏi, động viên, họ hẹn chúng tôi sang buổi chiều sẽ có câu trả lời thỏa đáng với gia đình. Nhưng đến giờ, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ họ. Vì thế, gia đình mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ vụ việc”, ông Lễ đề nghị.
Bệnh viện phủ nhận trách nhiệm
Trước phản ánh trên, phóng viên Báo PLVN đã liên hệ với đại diện BVĐK tỉnh Hải Dương để trao đổi và được bà Bùi Thị Thu Huyền - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cung cấp một bản báo cáo về các nội dung như: Thời gian vào viện của bà Nhàn; quá trình thăm khám, chẩn đoán bệnh và tổ chức mổ cho bệnh nhân, các loại thuốc sử dụng…  Khi bệnh nhân có diễn biến xấu, bệnh viện tiến hành cấp cứu theo phác đồ điều trị. Khi bệnh nhân chuyển viện và bị tử vong, bệnh viện đã tổ chức họp hội đồng chuyên môn kiểm thảo quá trình chăm sóc, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân, phân tích tìm hiểu nguyên nhân gây ngừng tim của bệnh nhân và nghĩ nhiều đến sốc phản vệ do Neostigmin, chưa có cơ sở nghĩ đến bệnh lý tim mạch hay các nguyên nhân khác gây sốc.
Còn về những thắc mắc, trăn trở của gia đình bà Nhàn về nguyên nhân gây nên cái chết cho người thân, ông Phạm Văn Huấn, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hải Dương cho biết, trong quá trình mổ cho bà Nhàn, tình hình của bệnh nhân ổn định. Bác sỹ mổ đúng quy trình, mổ an toàn, không có sai sót. Mổ cho bệnh nhân xong, bác sỹ tiêm thuốc giãn cơ và thấy sức khỏe bệnh nhân xấu đi. Sau khi hội chẩn toàn viện, chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân bị sốc phản vệ do Neostigmin. Bệnh viện đã huy động các khoa như tim mạch, hồi sức… hỗ trợ chuyên môn, xử lý cấp cứu và bệnh nhân có tiến triển khả quan hơn.
Trước thông tin của gia đình về việc bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên quá muộn nên không còn cơ hội cứu chữa, ông Huấn nói, trường hợp của bà Nhàn chỉ là mổ ruột thừa rất bình thường, mổ xong đã ra phòng hồi sức nhưng do bị sốc phản vệ nên mới dẫn đến sức khỏe xấu đi. Ở đây không thể khẳng định là muộn hay không muộn, bởi không phải là không cứu được.
Tuy nhiên, việc cứu chữa ra sao để bệnh nhân khả quan hơn thì ông Huấn lại không nói rõ (!?). 
Khi phóng viên đề nghị cho biết về tình trạng của bà Nhàn được chuyển viện ra sao thì ông Huấn lại trả lời khá mâu thuẫn, lúc thì bảo bệnh nhân vẫn bình thường, có dấu hiệu nhận biết, lúc thì bảo bệnh nhân trong tình trạng bệnh nặng, phải thở máy và dùng thuốc vận mạch. 
Ngay sau đó, ông Huấn đã vội vàng đề nghị được kết thúc buổi làm việc vì “bận đột xuất” trước sự ngỡ ngàng của phóng viên. Và như vậy thì trách nhiệm của BVĐK tỉnh Hải Dương trong việc để bệnh nhân chết sau khi mổ ruột thừa vẫn chưa được làm rõ. 
Việc xác định nguyên nhân cái chết của bà Nhàn và trách nhiệm của các bác sỹ trong vụ việc này cần sự vào cuộc của cơ quan cấp trên là Sở Y tế Hải Dương và Bộ Y tế?

Đọc thêm