Bí ẩn bức tượng sáp giống như thật lớn nhất Việt Nam trong chùa Quán Sứ

(PLVN) - Bức tượng sáp làm theo nguyên mẫu của Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khiến nhiều người khi được chiêm ngưỡng vô cùng bất ngờ và thán phục. Bởi từng sợi tóc, từng vết đồi mồi, làn da, ánh mắt... đều giống như người thật đến ngỡ ngàng.
Bức tượng với những sợi tóc, vết đồi mồi, nếp nhăn... giống người thật khiến nhiều Phật tử ngỡ ngàng.
Bức tượng với những sợi tóc, vết đồi mồi, nếp nhăn... giống người thật khiến nhiều Phật tử ngỡ ngàng.

Bức tượng có tóc thật

Gian Quan âm chùa Quán Sứ (Hà Nội) đang trưng bày pho tượng Hoà thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với kích cỡ như người thật. Tượng được đưa về chùa dịp lễ Tiểu tường - một năm ngày hoà thượng viên tịch. 

Bức tượng là thành quả của các tăng, ni, phật tử Thái Lan hiến tặng. Họ từng có tâm nguyện này từ năm 2008 nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc tại Hà Nội. Năm đó đoàn Phật giáo Thái Lan đã đến thăm chùa Quán Sứ và gặp Hoà thượng Thích Thanh Tứ.

Tuy nhiên, để có được một bức tượng sáp chân thực, giống y người thật từ làn da, mái tóc đến từng sợi gân tay, nếp nhăn... thì cần đến sự chú tâm của Thượng tọa Thích Thanh Tuấn – Ủy viên thường trực HĐTS – Phó Chánh văn phòng Trung ương GHPGVN, người đệ tử xuất sắc của Hòa thượng Thích Thanh Tứ. Chính Thượng tọa Thích Thanh Tuấn đã nhiều lần trực tiếp sang Thái Lan trong vòng một năm để tham gia vào quá trình hoàn thiện bức tượng. 

“Tôi đã phải đến nhiều cơ sở làm tượng nổi tiếng ở Thái Lan để đặt làm tượng về ngài. Khi đến cơ sở đầu tiên, họ đã đắp cốt đất nhưng không đạt, tôi lại phải tìm đến các cơ sở khác. Phải đến cơ sở thứ ba họ mới thực hiện được theo nguyện vọng tôi đưa ra. Pho tượng được phục dựng theo tỉ lệ 1:1”, Thượng tọa Thích Thanh Tuấn cho biết. 

Quá trình làm tượng phải trải qua nhiều quy trình phức tạp và đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao. Các nghệ nhân Thái Lan dựa vào những bức ảnh có kích thước bằng với Hòa Thượng Thích Thanh Tứ lúc còn sinh thời để đắp cốt đất. Khi có cốt đất ưng ý thì sau đó mới phủ một lớp nhựa composite bóng lên trên. Bước cuối cùng là họ đắp sáp hóa học, chờ trong khoảng 12 giờ sáp sẽ khô lại, bỏ cốt đất đi. Sau đó, các nghệ nhân bắt đầu chỉnh sửa các chi tiết cho tượng. 

Bức tượng sáp giống như người thật của Hòa thượng Thích Thanh Tứ tại chùa Quán Sứ.
Bức tượng sáp giống như người thật của Hòa thượng Thích Thanh Tứ tại chùa Quán Sứ.  

Đặc biệt, những sợi tóc trên pho tượng đều là tóc thật của Hòa thượng Thích Thanh Tứ khi còn sống. Để có được điều này, khi Hòa thượng còn sống chính tay Thượng tọa Thích Thanh Tuấn đã cắt và cất giữ làm kỷ niệm. Trong quá trình làm, những người thợ ở Thái Lan đã phải lấy kim để gắn từng sợi tóc, để bức tượng giống người thật nhất. Chính nhờ việc đó mà mỗi khi đứng trước bức tượng nhiều Phật tử đều có cảm giác như Đại Trưởng lão đang hiện hữu ngay trước mắt. 

Sau khi bức tượng được hoàn thành, để đưa được về Việt Nam đoàn rước đã phải di chuyển ô tô qua Lào về cuuẳ khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) do không vận chuyển được bằng đường hàng không. Theo lời kể của Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, khi qua cửa khẩu ở Lào, nhân viên hải quan nhìn thấy một vị Hòa thượng ngồi tụng kinh trên xe, bắt đoàn dừng xe lại với lý do: “Tại sao có 5 người mà chỉ có 4 hộ chiếu”. Sau khi hỏi chuyện, nhân viên hải quan mới sửng sốt khi biết vị Hòa thượng ngồi trên xe chỉ là một bức tượng sáp.

Lý giải về việc đặt làm bức tượng Hòa thượng Thích Thanh Tứ bằng sáp, Đại đức Thích Thanh Tuấn cho biết: “Tượng sáp có độ chân thật, chính xác nhiều hơn so với việc làm tượng bằng đồng hoặc đá. Chính vì vậy Đại đức quyết định làm tượng bằng sáp để tưởng nhớ đến người”. 

Vị sư hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc

Hòa thượng Thích Thanh Tứ, thế danh là Trần Văn Long, sinh năm 1927 tại thôn Miêu Nha, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Ông là con thứ ba của cụ ông Trần Văn Đáo và cụ bà Nguyễn Thị Trỏ. 

Năm lên 3 tuổi, Hòa thượng mồ côi mẹ và được cha nuôi dưỡng. Với tấm lòng hướng về Phật pháp, hàng ngày cha con lên chùa làng để làm công quả tích phúc tạo duyên, nhờ đó mà Hòa thượng đã sớm có duyên với Phật pháp. Năm lên 6 tuổi, ông được Ni Trưởng Thích Đàm Ân trụ trì chùa Nho Lâm, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên nhận về nuôi và cho đi học tại các trường trong vùng.

Năm lên 12 tuổi, Ni Trưởng Thích Đàm Ân cho đến thụ giáo Hòa thượng Thích Thanh Hồ, trụ trì chùa Đống Long (xã Hùng An, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Với đạo hạnh và trí tuệ thông minh sẵn có, Hòa thượng đã được thụ giới Sadi (10 giới trong đạo Phật – pv) năm 1939. Tới năm 1947, Hòa thượng được thụ Đại giới Tỷ khiêu tại chùa Đống Long do Tổ đình chùa Pháp Quang (thôn Thọ Ngãi, xã Tân Minh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ nay là thành phố Hà Nội tổ chức). 

Các chi tiết như bàn chân, ngón tay đều được làm tỉ mỉ, hiện rõ nét cả những đường gân.
Các chi tiết như bàn chân, ngón tay đều được làm tỉ mỉ, hiện rõ nét cả những đường gân.  

Sống trong cảnh thực dân phong kiến đô hộ, nhân dân lầm than đau khổ, Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã sớm nhận thức rằng: nước mất thì đạo cũng bị hủy hoại, nhân dân tín đồ Phật tử cũng không có cuộc sống an lạc, Phật Pháp không được xiển dương. Chính vì vậy, Ông đã liễu nghĩa được mối quan hệ mật thiết không thể tách rời Đạo - Đời và đây chính là tiền đề quan trọng đối với con đường tu hành phụng sự đất nước và giác ngộ quần sinh mà bản thân đã lựa chọn.

Thấm nhuần tư tưởng: "Phật pháp bất ly thế gian giác" với truyền thống yêu nước "Hộ quốc an dân" của Phật giáo Việt Nam suốt 2000 năm hiện diện và đồng hành với dân tộc, Hòa thượng đã sớm giác ngộ Cách mạng, tích cực tham gia hoạt động bí mật trong lòng địch, ủng hộ các phong trào Cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Việt Minh. 

Người Nhật xâm nhập Đông Dương, cùng với sự đô hộ của thực dân Pháp đã gây ra hậu quả thảm khốc với Nạn đói năm Ất Dậu (1944–1945). Dù là một nhà tu hành, ưu tư trước tình cảnh khốn khổ của dân chúng, Hòa thượng dần thiên về ảnh hưởng của Việt Minh với viễn cảnh đấu tranh dân tộc để cứu khổ. 

Tháng 3/1945, Sư tham gia tổ chức kế hoạch phá kho thóc người Nhật đặt tại chùa Đống Long để cứu đói. Trong Cách mạng tháng 8, Hòa thượng cũng tham gia vận động dân chúng trong vùng tham gia giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Việt Minh.

Năm 1946, Sư tham gia Ban chấp hành Phật giáo Cứu quốc Hưng Yên. Sau khi quân Pháp tái chiếm Đông Dương, Hòa thượng vẫn ở lại công khai trong vùng kiểm soát của người Pháp. 

Trong suốt thời gian Kháng chiến chống Pháp, Hòa thượng Thích Thanh Tứ vẫn bí mật hoạt động cho Việt Minh. Từ tháng 1/1950 đến tháng 9/1951, Hòa thượng tham gia lực lượng vũ trang tỉnh đội Hưng Yên, thường xuyên vận động dân chúng, thúc đẩy tăng ni, Phật tử tích cực tham gia các phong trào lao động sản xuất ủng hộ kháng chiến. Với những hoạt động tích cực đó, thực dân Pháp đã đưa tên Hòa thượng Thích Thanh Tứ vào danh sách những người "đặc biệt quan tâm". 

Tháng 10/1951, Hòa thượng bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam và tra tấn, giải qua nhiều trại giam, nhà tù. Tuy nhiên, do thiếu bằng chứng cũng như áp lực của dân chúng và tín đồ, tháng 4/1953, chính quyền Pháp buộc phải trả tự do cho ông cùng hơn 100 người khác. Sau khi ra tù, Hòa thượng lại tiếp tục tham gia hoạt động cho Việt Minh cho đến khi người Pháp rút khỏi Việt Nam.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ được xem là có nhiều đóng góp đối với Hội Phật giáo Cứu quốc trong Kháng chiến chống Pháp, cũng như đối với việc phục hồi các hoạt động Phật sự của Phật giáo miền Bắc sau năm 1954, vận động thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ông cũng là thành viên tích cực vận động dân chúng, tín đồ tham gia hoạt động xã hội, phục hồi kinh tế, ủng hộ chủ trương của chính phủ.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ còn có nhiều đóng góp vào việc giữ gìn và tôn tạo nhiều di tích lịch sử văn hóa Phật giáo tại Việt Nam, giữ gìn truyền thống và bản sắc dân tộc, hạn chế hủ tục. Với cương vị Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam. Ông có nhiều công lao trong việc đào tạo nhiều thế hệ tăng sĩ Việt Nam. 

Nhà nước Việt Nam đã trao tặng cho Hòa thượng Thích Thanh Tứ nhiều danh hiệu cao quý cho Sư như: Huân chương Hồ Chí Minh (12/10/ 2011); Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều danh hiệu khác.

Đọc thêm