Bí ẩn cây đa và cây bồ kết “hợp nhất” ôm miếu cổ bảo vệ các vị thần

(PLO) -Trên con đường bê tông dẫn vào thôn Xuân Phú (Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) sừng sững một cây đa, một cây bồ kết cổ thụ cùng xoắn vào nhau, cành lá bám chắc, đan xen như một thể thống nhất. Dưới chân gốc cây này là ngôi miếu cổ - địa điểm mà người dân cho rằng, đó là nơi “trú ngụ” của những vị thần…
Cụ ông Nguyễn Công Ngân, vị bô lão duy nhất còn sống nắm rõ về lai lịch cặp cây
Cụ ông Nguyễn Công Ngân, vị bô lão duy nhất còn sống nắm rõ về lai lịch cặp cây

Huyền thoại cây đa “hợp nhất” 

Cách QL1A chỉ khoảng chừng 1km, cụm cây đa- kết (cây bồ kết-PV) nằm trên địa phận xã Xuân Phú từ lâu đã trở thành đề tài của nhiều người dân lẫn khách thập phương. Thái độ của họ mỗi khi nhắc đến là ngạc nhiên, thành kính và xen lẫn nỗi sợ hãi mơ hồ. 

 Khác với những cây cổ thụ sum suê thường thấy, cây đa-kết mọc giữa cánh đồng lúa sừng sững, tuy chỉ cao chừng hơn 30m nhưng gốc cây đồ sộ, đường kính thân lớn tới mức hàng chục người ôm không xuể.

Theo cụ Nguyễn Công Ngân, bô lão duy nhất trong làng nay gần 100 tuổi kể: tục xưa, hai cây đa – kết trồng cạnh nhau là để phân chia ranh giới giữa các làng, hoặc lấy mốc để phân rõ địa bàn hoạt động, sản xuất. Còn vì sao hai cây đa, cây kết giờ lại có thể “hợp nhất” thành khối cây cổ thụ như vậy thì chưa ai lý giải được. 

Cũng chẳng hiểu do thổ nhưỡng hay do khí trời nơi vùng đất thiêng mà cây đa, cây kết nơi đây có sức sống vô cùng mãnh liệt. Riêng bản thân ông Ngân được nghe, về sau, cây kết lẫn cây đa “nguyên thủy” chết đi, thay vào đó là sự phát triển lớn mạnh của “con cháu” chúng.

Tuy nhiên, phần gốc đa và gốc kết tổ vẫn nằm gọn phía trong, được bao quanh bởi những sự phát triển của một “thế hệ mới”. Cụm cây không gọi là “chọc trời” nhưng chu vi tán cây lên tới gần 200 mét. Và chính sự đồ sộ ấy mà cặp cây trở thành bức tượng đài thiên nhiên, cùng nhau che bóng mát cho dân làng. 

Còn về ngôi miếu, mà thực tế là có đến 2 ngôi miếu quay đầu về hai hướng khác nhau, người dân địa phương cho rằng đó là nơi trú ngụ của các vị thần. Như lời bô lão Ngân thuật lại, vốn trước kia ở 2 đầu của cặp cây (thuộc 2 làng khác nhau) có 2 ngôi đền thờ tự các vị thần linh.

Năm tháng trôi qua, rồi binh biến loạn lạc khiến miếu cũ bị xuống cấp, hư hại… người dân mới tạm xây nên 2 ngôi miếu để thờ tự, đặt nhờ dưới gốc cây. 

Rồi thấy sự “hợp nhất” kỳ thú của cặp cây đa- kết nên người dân quyết định giữ nguyên ngôi miếu, coi như đó là “giang sơn” của những vị thần mà cặp cây làm nhiệm vụ bảo vệ. Từ đây, những lời đồn thổi về sự linh thiêng, ứng nghiệm của 2 ngôi miếu cùng cặp cây cổ thụ cứ thế mà lan xa với nhiều câu chuyện đầy màu sắc liêu trai, bí ẩn…

Những câu chuyện huyền hoặc

Trên con đường bê tông dẫn về làng Xuân Phú, không khó để bắt gặp những vị khách thập phương kéo đến đây khấn vái, cầu xin phúc lộc và điều lành. Quanh gốc cây đặt chi chít những chiếc khóm, tự, bát nhang, hương đèn…. Liên quan đến gốc cây cổ thụ hiện còn lưu truyền không ít câu chuyện huyễn hoặc, kỳ dị khác.

Nghe kể, trong cuộc chiến chống Pháp, rồi đến chống Mỹ, cũng như bao làng quê khác ở Quảng Nam, nơi đây cũng bị bom đạn cày xới biến thành vùng đất trắng. Nhưng điều kỳ lạ là chưa có một quả bom hay quả đạn pháo nào hạ gục được nó.

“Đã không dưới 3 lần tui chứng kiến cảnh đạn pháo phạt ngang làm nhánh lớn của cây đổ xuống. Nhưng sau đó những chồi non mọc lên tươi tốt sum suê hơn” – cụ Ngân cho biết. 

Cũng theo cụ Ngân, những năm chiến tranh ác liệt, chính cây đa là nơi lực lượng du kích địa phương làm đài quan sát cảnh giới quân Mỹ đi càn hay trú ngụ mà không bị phát hiện.

Về sau, những chuyện ly kỳ khác về cây đa được truyền đi nhiều hơn, đến nỗi, người dân nơi đây nói rằng đó là giang sơn riêng của những vị thần rất thiêng. Hễ dân làng hay người đi qua mà tỏ ra bất kính, hoặc khi tế lễ có điều sơ suất là thần giáng họa ốm đau, nặng có thể chết. 

Có câu chuyện đồn đại rằng, cách đây mười mấy năm, có con khỉ hoang từ trên cành đa nhảy xuống sân đình, liền bị một anh thanh niên trong thôn đuổi con chạy. Tối về, bỗng dưng người thanh niên đổ bệnh, nửa đêm cứ ra gốc cây đa mà chắp tay vái lạy.

Hay như người phụ nữ tên Thu ở Quế Xuân 1, vào chập choạng tối người này đi ngang qua cây, không biết ấm ức hay vô tình buộc miệng chửi đổng một câu vu vơ, từ đó về sau bà trở nên điên điên dại dại, cứ nhè mưa gió lại mò ra ngồi cả đêm dưới gốc cây. 

Đến nay, nhờ người nhà thường xuyên đem hương đèn ra cúng nên bệnh bà Thu cũng thuyên giảm dần. Đặc biệt hơn cả là câu chuyện chặt hạ cặp cây. Nghe kể, trong một lần tiến hành phát quang cây cổ thụ, người ta điều xe tải đến đưa gỗ chở đi.

Lạ ở chỗ xe vừa chuyển bánh thì một cơn mưa giông bất ngờ kéo đến, đường bê tông thẳng thắp nhưng không hiểu vì sao xe cứ bị ngả nhào khiến người bị thương tích, xe hư hỏng nặng, còn gỗ thì vương vãi. 

Dưới trời mưa tầm tã hôm đó, cả toán thợ sợ hãi, lê lết “bỏ của chạy lấy người” và ai nấy đều cho rằng, họ bị thần cây trừng phạt vì sự tự tiện chặt hạ mà không xin phép ngài.

Đến nay, không biết thực hư về sự linh thiêng của cặp cây đến đâu nhưng thực sự nó đã ăn sâu trong tâm trí của người dân nơi đây. Giờ không ai dám xâm phạm cây dù chỉ ngắt chiếc lá. Có lần người dân đào đường làm cống nước sát với cây đa-kết, khi gặp rễ cây cũng phải tránh hoặc cho rễ vắt qua chứ không dám chặt đứt.

 “Bao nhiêu năm tháng nó mới có thể được như vậy. Biết bao nhiêu đời người của làng vẫn lấy bóng mát của nó làm nơi tiếp nguồn sống cho những ngày hè. Rồi những năm chiến tranh, bóng cây cổ thụ không chỉ vây quân thù mà còn là nơi chở che cho người dân nương náu đạn bom.

Chính quyền nên vinh danh cụm cây đa-kết này nhằm nâng cao ý thức tôn trọng lịch sử tín ngưỡng, tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng” – Một cao niên bày tỏ nguyện vọng.

Còn theo đại diện lãnh đạo xã Quế Xuân 1, trong năm 2009, có người trong làng định rủ bà con chặt đem bán, tuy nhiên chính quyền xã đã kịp thời can ngăn. Lý do, cây đa này không những có giá trị về môi trường, mà nó còn là chứng tích lịch sử của làng, xã.

Riêng những câu chuyện ly kỳ về cây đa-kết mà người dân kể lại thực hư thế nào thì chưa được kiểm chứng. Căn nguyên có thể xuất phát từ sự trùng hợp ngẫu nhiên khiến người dân mường tượng, thêu dệt nên… 

Đọc thêm