Số phận đặc biệt của những “Hoạn quan”
Theo sử sách, mỗi triều vua thời Nguyễn có trung bình khoảng 200 thái giám phục vụ trong triều đình. Những người làm thái giám được tuyển mộ là người “ái nam ái nữ” bẩm sinh (được gọi là “giám sinh”). Khi “giám sinh” được tuyển vào hoàng cung, sẽ được vua ban thưởng bổng lộc. Thời nhà Nguyễn, các “giám sinh” được gọi là “ông bộ”, rất được trọng vọng.
Có điều, “giám sinh” rất ít nên hoàng triều phải tuyển thêm thái giám. Đó là những người con trai khỏe mạnh, thậm chí đẹp trai, giới tính bình thường tự nguyện tịnh thân để vào cung hầu hạ. Thường là những gia đình nghèo khổ cam tâm cho con trai mình cắt bỏ sinh thực khí làm thái giám để gia đình được "đổi đời".
Việc tịnh thân không chỉ khiến họ vô cùng đau đớn về thể xác mà còn dẫn đến sự biến đổi bất thường về tâm, sinh lý. Mang tiếng là quan thái giám được vua tin tưởng, ban cho bổng lộc nhưng thực tế cuộc đời họ rất bi kịch, cô đơn. Các thái giám sẽ sống suốt đời trong cung, khi về già họ sẽ nằm chờ chết tại tòa nhà phía Bắc Hoàng thành, gọi là “Cung giám viện” chứ không được chết ở trong cung.
|
Vẻ cổ kính, linh thiêng của chùa Từ Hiếu |
Theo tìm hiểu, thái giám có từ thời Tây Chu ở Trung Quốc. Trước khi đưa vào hoàng cung để hầu hạ các bậc vua chúa, các thái giám phải bị loại bỏ phần sinh thực khí của đàn ông để nhà vua yên tâm giao cho phục vụ các phi tần cung nữ. Công việc của các thái giám là hầu hạ vua, hoàng hậu và các cung tần mỹ nữ. Một vài thái giám khác được điều sang phục dịch cho các cung phi góa bụa của các đời vua trước. Thái giám còn là người tuyển lựa và ghi chép tên của các cung phi được vua “sủng ái hằng đêm”, sau đó báo với quốc sử quán để theo dõi dòng tộc hoàng gia về sau.
|
Hồ bán nguyệt nhìn từ mái vòm chùa Từ Hiếu |
Các thái giám sau khi bị loại bỏ sinh thực khí, sẽ bảo quản “bảo vật” của mình cẩn thận vì mất thì sẽ bị chém đầu. Bởi vì mỗi lần thăng quan tiến chức họ phải đem trình “bảo vật” của mình cho một nhóm người có địa vị trong triều đình để kiểm tra. Tương truyền đến khi họ mất, bảo bối đó sẽ được đem chôn cùng để được toàn thây.
Vì sao chùa Từ Hiếu có tên gọi khác là chùa Thái giám?
Chùa Từ Hiếu vốn là một am tự để tu tại gia có tên là “Thảo Am đường” do hoà thượng Thích Nhất Định lập ra để phụng dưỡng mẹ già. Sau đó vào khoảng năm 1848 “Thảo Am đường” được trùng tu và mở rộng nhờ sự giúp đỡ của một thái giám có tên là Châu Phước Năng.
Tận mắt chứng kiến cảnh sau khi về già, các thái giám bị đuổi ra khỏi cung, không nơi ở, không người thân, không quê hương các thái giám chỉ biết sống qua ngày và chờ chết tại “Cung giám viện”, Châu Phước Năng rất thương xót. Trước thực tế các thái giám chết không có nơi nào để chôn cất, không nơi thờ tự, không ai hương khói, thái giám Châu Phước Năng đã kêu gọi các hoạn quan trong triều đình quyên góp và ủng hộ để mở rộng “Thảo Am đường” nhằm có nơi yên nghỉ sau này.
|
Tấm bia ghi công lao của các thái giám |
Việc này được vua Tự Đức và thái hậu Từ Dũ chấp nhận đồng thời cũng quyên góp để mở rộng “Thảo Am đường”. Cái tên Từ Hiếu được vua Tự Đức ban tặng có nghĩa là “hiếu thuận”, do có sự giúp đỡ và đóng góp của các thái giám nên ngôi chùa này còn có tên gọi khác là chùa thái giám.
Mặc dù đóng góp phần lớn của cải và công sức để xây dựng chùa nhưng sau khi chết các thái giám lại được chôn trên một ngọn đồi nhỏ nằm tách biệt khỏi khuôn viên của chùa Từ Hiếu.
Toàn bộ khu nghĩa trang của thái giám rộng khoảng 1.000m2, ở ngay chính giữa có tấm bia đá khắc ghi công lao đóng góp của các thái giám. Khu lăng mộ này được chia làm thành 3 bậc tương ứng với vai trò và sự đóng góp khác nhau của các quan thái giám. Bậc trên cùng là của thái giám Châu Phước Năng, người đóng góp nhiều nhất cho chùa vì vậy ngôi mộ này cũng to hơn những ngôi mộ nằm cạnh bên. Toàn bộ khu lăng mộ có 25 ngôi mộ, trong đó có 2 ngôi mộ gió (mộ không có thi hài).
Trong tổng số 25 ngôi mộ thì có 21 ngôi mộ có thể đọc được chữ trên bia, đặc biệt là ngôi mộ số 22 chữ trên bia còn khá rõ. Trên bia của ngôi mộ này ghi: Hoàng triều cung giám viện, quảng vụ Nguyễn Hầu, quên ở thôn Nhi, Hà Nội, mất tháng giêng năm Khải Định thứ V.
|
Một góc nghĩa trang thái giám hắt hiu trong nắng chiều |
Ở chính giữa của cổng là một tấm bia đá nằm trong một hóc nhỏ ghi lại cuộc đời của các thái giám mà khi đọc lên người đời không khỏi chua xót: “Khi còn sống chúng tôi nương nhờ cửa Phật, mà khi chết thì biết nương nhờ vào đâu? Nhân thấy rằng phía tây thành có một miếng đất nên lấy gạch xây thành để có nơi thờ cúng về sau, gần với Phật mới là nơi thờ tự lâu dài, bằng hữu ốm đau có nơi chữa bệnh, ai nằm xuống có nơi để mà tống táng...”.
Thời vàng son của nhà Nguyễn đã qua đi, giờ đây khi đến với đất Huế, khách du lịch chỉ đến lăng tẩm, điền đài cung điện, nhiều người vẫn nhớ rõ các gia thoại ly kỳ về “9 chúa 13 vua triều Nguyễn”. Tuy nhiên, nhắc đến thái giám và phận đời của họ lại không nhiều người biết đến.
Nếu có dịp đến chùa Từ Hiếu, bạn đừng quên rẽ qua dãy nhà Hậu hay còn có tên gọi khác là Quảng Hiếu Đường. Đây chính là nơi thờ Đức Thánh Quan, hương linh phật tử tại gia và các vị thái giám – những người có công xây dựng chùa,.. Ngoài ra, ở đây còn có án thờ Tả quân Đô thống Lê Văn Duyệt cùng con ngựa gỗ và thanh đại đao của ông cùng nhiều vị thần khác.