Dù nằm đó hơn 2.000 năm, sau khi mất vào ngày 10 tháng 9 năm 210 trước Công nguyên (CN), ngôi mộ được cho là nắm giữ mọi câu trả lời về những bí mật chưa có lời đáp của lịch sử, nhưng cho đến nay vẫn chưa có người hiện đại nào từng quan sát được bên trong nơi này và điều đó không chỉ phụ thuộc vào chính quyền mà còn là về mặt khoa học.
Vẫn chưa chạm đến ngôi mộ trung tâm
Khi chết, Tần Thủy Hoàng được chôn trong một lăng mộ phức tạp nhất từng được xây dựng ở Trung Quốc. Nằm ở phía bắc núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây, nó là một khối kiến trúc chìm dưới đất đầy phức tạp, chứa mọi thứ hoàng đế cần cho “cuộc sống” sau khi chết. Vào năm 1974, một số nông dân đang đào giếng gần Tây An đã ngạc nhiên khi tìm thấy một trong những phát hiện chấn động nhất trong lịch sử khảo cổ.
Sau tượng binh sĩ bằng đất với kích thước như người thật đầu tiên, họ khám phá ra một đội quân với hàng ngàn tượng khác, với mỗi tượng mang đặc điểm riêng, từ quần áo, tóc tai và nét mặt. Trong gần 4 thập niên, các nhà khảo cổ học làm việc liên tục tại nơi này.
|
Hàng ngàn vạn tượng binh lính bằng đất nung yểm trong khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng. |
Cho đến nay, họ tìm được khoảng 2.000 tượng binh sĩ, nhưng giới chuyên gia ước tính phải có hơn 8.000 tượng tổng cộng. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa chạm đến ngôi mộ trung tâm, nơi có cung điện chứa xác Tần Thủy Hoàng.
“Quả đồi lớn, nơi vị hoàng đế được chôn - chưa có ai từng chạm đến được”, NBC News dẫn lời chuyên gia khảo cổ Kristin Romey, cố vấn cho cuộc triển lãm chiến binh đất sét ở thành phố New York. Theo ông, một phần do người Trung Quốc kính trọng tiền nhân, nhưng lý do lớn hơn là chưa có công nghệ nào trên thế giới hiện có thể xâm nhập và khám phá nơi này.
Độ sâu của lăng mộ là bao nhiêu?
Khảo sát gần đây chỉ ra, lăng mộ ngầm của Tần Thủy Hoàng dài 260m từ Đông qua Tây và rộng 160m từ Bắc sang Nam. Tổng diện tích là 41.600 m2, kích thước của nó tương đương với 5 sân bóng đá quốc tế. Theo cuốn sách “Nghi lễ Cựu Hán”, điểm tận cùng của lăng mộ này không thể đo đếm được.
Trong “Sử ký Tư Mã Thiên” có nói Tần Thủy Hoàng điều 700.000 người đến núi Lệ đào lăng mộ “xuyên ba tuyền” (sâu ba con sông), đổ đồng xuống, đem vật báu đồ lạ của trăm quan cung quán đến chất đầy ở đó.
Với lăng mộ khổng lồ có độ sâu như vậy, người Tần đã giải quyết vấn đề tắc nghẽn và xâm nhập nước ngầm như thế nào? Trong lịch sử, khu vực Quảng Châu từng hứng chịu một trận động đất lớn trên 8 độ richter nhưng ngôi mộ của vị Hoàng đế đầu tiên không bị phá hủy, bên trong cũng không bị ngập nước. Vì sao có thể bảo tồn nguyên vẹn đến như vậy?
Các chuyên gia từng sử dụng cộng hưởng từ hạt nhân để thực hiện chụp “CT” toàn diện lăng Tần Thủy Hoàng, và phát hiện có phản ứng nhiệt quanh một phần địa cung. Điều này cho thấy có thiết bị cách đây 2000 năm đến nay vẫn hoạt động, vậy thì đó là gì?
Bí ẩn nỏ thời Tần
Trong nhiều năm, không có bằng chứng cho việc lăng mộ của Tần Thủy Hoàng từng bị đào xới. Người ta cho rằng tuyến phòng thủ đầu tiên trong lăng mộ là dùng cát tạo thành một “biển cát” ở xung quanh, khiến những kẻ trộm mộ không thể xâm nhập bằng cách đào hố.
Dù đã vượt qua phòng tuyến thứ nhất, kẻ trộm mộ cũng không chắc mình có thể sống sót không khi tiến sâu vào bên trong. Ghi chép cổ đại cho biết có rất nhiều cửa, các lối đi, đều ẩn giấu những chiếc nỏ. Một khi chạm vào, nỏ sẽ tự động bắn hạ kẻ xâm nhập, ngoài ra còn có những cạm bẫy khác.
|
Tương truyền, có cả dòng sông thủy ngân trong khu lăng mộ Tần hoàng đế nên không ai dám khai quật. |
Bên trong hố của độ quân đất nung, các nhà khảo cổ từng khai quật được một cái nỏ cực mạnh. Tầm bắn 831,6 mét, sức căng hơn 738 pounds (khoảng 334 kg), chỉ dựa vào lực cánh tay người thì không thể kéo ra. Nếu trang bị mũi tên bắn theo chùm hoặc từng cái liên tiếp thì có thể tự bảo vệ mà không cần người vận hành. Đây là vũ khí chống trộm tự động sớm nhất trong lịch sử. Cả 2000 năm trước, nhà Tần sao có thể sáng tạo loại vũ khí tối tân như vậy?
Một câu hỏi quan trọng là: Những chiếc nỏ được bố trí ở đâu? Làm thế nào để dò rõ được những cạm bẫy nguy hiểm trong lăng mộ? Nếu thật sự khám phá toàn bộ lăng bộ, thì nhưng vũ khí phòng xâm nhập liệu còn đang hoạt động?
Dòng sông thủy ngân
“Sử ký” ghi chép lăng mộ có “Thượng cổ thiên văn, hạ cổ địa lý”. Một cách giải thích là đỉnh của lăng mộ đối ứng với các vì tinh tú thiên văn vào thời điểm đó. Nhân công dùng những viên đá quý và dạ minh châu để xây trời trăng sao, còn dưới mặt đất là con sông thủy ngân ngầm. “Thiên văn” và “Địa lý” của người xưa khác với con đường phát triển của khoa học hiện đại ngày nay.
Người xưa tôn kính Thần Phật, thường sử dụng chiêm tinh để dự đoán nhân thế biến đổi, cát hung họa phúc. Bậc đế vương quan sát thiên tượng, coi đó là ý Trời để trị quốc. Ngay cả dân chúng thông thường cũng thông qua thiên tượng mà tự đoán vận mệnh của chính mình. Nghiên cứu cho thấy hàm lượng thủy ngân trong vùng lân cận lăng mộ Tần Thủy Hoàng cao gấp 8 lần so với các khu vực khác, càng xuống sâu, hàm lượng càng cao.
Điều kỳ lạ hơn nữa là bản đồ phân bố thủy ngân trong Lăng mộ giống hình ảnh bản đồ nhà Tần sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc. Giải thích theo ghi chép của Tư Mã Thiên, lăng mộ Tần Thủy Hoàng lấy thủy ngân đổ vào làm các dòng sông giang hà, biển lớn, dùng một loại cơ giới thúc đẩy thủy ngân lưu động (quán thâu), lại dùng chính dòng thủy ngân để khiến bộ cơ giới này hoạt động, có thể đạt tới thủy ngân lưu động không ngừng.
Dưới lòng đất sâu, con sông thủy ngân tuần hoàn lưu động bao quanh quan tài của hoàng đế. Bí ẩn ngoạn mục của nó là không thể tưởng tượng được. Theo suy đoán của khoa học, hàm lượng thủy ngân trong cung điện có thể lên tới hơn 100 tấn. Nó không chỉ tạo ra giang hồ hà hải mà còn sinh ra lượng khí độc lớn suốt 2000 năm qua, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của kẻ trộm.
Khí thủy ngân khuếch tán trong lăng mộ cũng giữ cho thi thể và táng vật nguyên vẹn trong một thời gian dài. Vậy, một lượng thủy ngân khổng lồ như vậy đến từ đâu? Nếu như vậy, dù tránh được các bẫy nỏ thì cũng không thoát khỏi bị khí độc tấn công. Tuy nhiên tất cả những điều này đều chỉ là suy đoán và dựa trên ghi chép trong sử sách. Tình huống thực tế có thể thay đổi khi các nhà khoa học có phát hiện mới.
Lăng mộ ngày đêm sáng ngời
“Tam Tần Ký” có viết “Trong cung điện của Hoàng đế đầu tiên, các hạt dạ minh châu được sử dụng như mặt trăng, mặt trời; ngày đêm sáng ngời”. Ngoài ra trong địa cung còn có 1 hàng dài đèn chong. Trong “Sử ký” có viết: “Lấy mỡ nhân ngư làm đèn cầy, ánh sáng đèn bất diệt.”
“Dị vật chí” chép: “Nhân ngư như hình người, dài hơn một thước, không ăn được. Da nó cứng hơn cá mập, dùng cưa gỗ cây mới vào được. Trên gáy có lỗ nhỏ, khí từ trong đó phát ra. Trong mộ Thủy Hoàng nhà Tần lấy mỡ nhân ngư làm đuốc là mỡ cá này”. Khoa học hiện đại tin rằng để đốt cháy cần có oxy, nhưng đèn chong trong địa cung có thể không bao giờ tắt, theo cách nghĩ của người hiện đại đây là chuyện không thể.
“Thiệp dị ký” có ghi chép lại, Tần Thủy Hoàng từng triệu kiến dị nhân Uyên Cừ, năng lượng của họ rất tiên tiến, chỉ cần 1 hạt giống như hạt kê cũng có thể thắp sáng cả một gian phòng. Dị nhân Uyên Cừ, có thể gọi là người ngoài hành tinh trong lý thuyết của người hiện đại, có thể họ đã đưa đến cho nước Tần những kỹ thuật tiên tiến.