Trưởng dòng họ Nguyễn Ngọc ở xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, Hưng Yên nhiều đời đều làm một việc không giống ai, đó là nuôi dưỡng và chữa bệnh cho những người tâm thần. Càng khó tin hơn khi hàng chục người điên đeo xích khóa lê thê, ngồi ngay ngắn đọc kinh Phật chẳng khác nào người có tâm tính bình thường.
Những lời đồn thổi
Lời truyền tai về đền Thó (huyện Văn Lâm), nơi lưu trú của hàng trăm người bị tâm thần khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và hiếu kỳ.
Nghe nói, hàng chục người điên “thâm niên”, đến mức không còn phương cách gì để chữa trị đã được gia đình gửi tới ngôi đền này. Nhiều gia đình đã đưa con vào Nam ra Bắc, cũng bái lễ tạ “trừ tà, đuổi ma” đến khánh kiệt tài sản. Có người còn cầm cố cả sổ đỏ đưa con đi chữa chạy tứ phương mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm nay đều về nương nhờ ở đây.
Càng đặc biệt hơn khi ngôi đền nhỏ bé này vừa chữa bệnh không mất tiền, không phải uống bất cứ loại thuốc nhưng bệnh tình của những người tâm thần vẫn thuyên giảm rõ rệt ?.
Tìm về thôn Tảo C, xã Lương Tài, hỏi đền Thó thì ai cũng biết. Nhiều người còn tưởng chúng tôi đang muốn đưa người nhà xuống đền chữa bệnh. Bởi trước nay, họ mặc định những khách thập phương đến đây, chắc chắn là tìm nơi chữa bệnh cho người tâm thần.
Cô Hoa, người trong thôn nhanh miệng: “Chúng tôi từng chứng kiến có bệnh nhân lột hết quần áo, gào thét điên cuồng khi được người thân “áp giải” đến đền Thó. Lại có người bệnh gương mặt trắng bệch, ánh mắt đỏ ngầu, miệng lẩm bẩm đòi giết cả nhà, giết những ai dám đến gần. Vậy mà ngôi đền Thó lại là nơi cưu mang mấy chục bệnh nhân như vậy”.
Còn theo lời ông Hòa, người sống sát cạnh đền Thó, thì ngay từ lúc còn nhỏ, ông đã phát hoảng khi hàng ngày chứng kiến không biết bao nhiêu người điên ra vào đền. Họ ăn ở trong đền và được cho ra ngoài lao động như người bình thường. Lạ một nỗi, những người điên ấy đều hết sức nghe lời thủ nhang (người coi đền - PV), họ chăm chỉ làm việc, không hề quấy phá người dân trong làng.
Những vị cao niên trong làng cho biết, do chưa hiểu tường tận nên người dân nơi đây có những đồn đoán thiếu căn cứ về ngôi đền này. Theo truyền miệng, đền Thó tồn tại đã hàng trăm năm, từ thời Bắc thuộc. Dòng họ được giao nhiệm vụ thủ đền hàng ngày đều tiến hành những nghi lễ khá bí mật. Những nghi lễ này chỉ được truyền cho người trong họ nên càng khiến người dân nơi đây tò mò.
Khi chúng tôi nhờ chỉ đường, đám trẻ nhỏ đang túm tụm chơi đùa trước cổng làng sẵn sàng bỏ dở cuộc chơi rối rít xin làm “chân” dẫn đường. Tuy nhiên, đám trẻ chỉ đưa tôi đến cổng đền, ra hiệu chỉ tay vào bên trong rồi ù té chạy ra chiều có thứ gì đó bên trong đáng sợ lắm.
|
Bữa cơm của những bệnh nhân tâm thần trong đền. |
Những bệnh nhân đặc biệt
Trái với những gì người viết tưởng tượng, nơi đây sẽ ồn ào, náo động bởi tiếng gào thét, chửi bới, từ cảnh vật đến con người nơi đây đều bình yên đến lạ. Nếu không biết trước ngôi đền này nuôi người điên, có lẽ chúng tôi đã tưởng mình vào nhầm chỗ.
Tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Ngọc Tự, vị thủ nhang đang giữ quyền trưởng họ Nguyễn Ngọc, cũng là người suốt 30 năm qua mở cửa đền cứu giúp nhiều người bệnh về đền Thó nương nhờ.
Chia sẻ về công việc của gia đình, ông Tự không ngại ngần cho biết: “Nhiều đời nay, dòng họ tôi chỉ làm phúc giúp người. Tuy nhiên, chữa bệnh giúp người tâm thần cũng phải hội tụ nhiều yếu tố, cả khoa học cũng như tâm linh. Ở đây, chúng tôi không cho bệnh nhân dùng thuốc nhưng họ khỏi bệnh rất nhiều, thế mới là điều đặc biệt”.
Bản thân ông Tự và các cụ cao niên trong dòng họ cũng không lý giải được vì sao đền Thó lại chỉ đón tiếp người điên. Ngay cả bản thân ông Tự cũng không rõ ngôi đền có từ bao giờ, chỉ biết rằng: “Ông tôi truyền lại ngôi đền cho bố tôi. Từ lúc biết nhận thức, tôi đã thấy mình lớn lên trong môi trường toàn người điên, giờ việc chữa bệnh cho người điên lại tới lượt tôi kế nghiệp”.
Chúng tôi đã phải lưu lại đền Thó một thời gian khá lâu để tận mắt quan sát cách chữa bệnh kỳ lạ của ông Tự, bởi thực tế thời gian gần đây có nhiều người lợi dụng các vấn đề tâm linh, tự cho mình là “người giời”, là “công chúa Hằng Nga” để chữa bệnh cho người khác nhằm trục lợi.
Tại đây, chúng tôi đã được chứng kiến vô số bất ngờ. Điều đặc biệt là từ trong nhà đến ngoài sân, ngay cả trên giường ngủ của những người điên đều ngăn nắp, gọn gàng. Càng lạ hơn, khi tiếp xúc với những người tâm thần tại đây, nếu không được ông Tự giới thiệu trước, chúng tôi cũng khó lòng phân biệt được họ là người bệnh.
Hôm chúng tôi tới đền Thó, ở trong bếp, mấy người phụ nữ đang làm cơm rất nhộn nhịp. Thấy chúng tôi thắc mắc, ông Tự cho hay: “Những người được phân công làm bếp là bệnh nhân “say” nhẹ (ý nói bệnh tâm thần nhẹ - PV) hoặc đang phục hồi tốt. Nếu người điên nặng làm bếp thì chết cả nhà như chơi. Nhiều người mới đến đây lần đầu còn tưởng người nhà chúng tôi đến chơi bởi biểu hiện của họ hoàn toàn như người bình thường”.
Khi câu chuyện của chúng tôi đang dở chừng, thì từ phía sau nhà hàng chục người nhộn nhịp đi ra sân trước, thì ra đã đến giờ các bệnh nhân về ăn cơm. Thì ra, trong ngôi đền nhỏ này, dù là người tâm thần nhưng họ đều được phân công việc rõ ràng theo tình trạng bệnh.
“Có nhóm nấu ăn, nhóm rửa bát, đây đều là những người bệnh nhẹ, hoặc bệnh đã thuyên giảm nhiều. Còn nhóm người bệnh nặng hơn sẽ đi làm hoặc chỉ tập thể dục rèn luyện sức khỏe ở sân sau nhà, có sự giám sát của người quản lý”, ông Tự cho biết.
Điều tài tình là hàng chục người bệnh tâm thần từ nặng tới nhẹ, nghe lời ông chủ đền răm rắp, một câu thầy xưng con, nói chuyện đều thưa, dạ và xin phép rất ngoan ngoãn. Mọi sinh hoạt, lao động và nghỉ ngơi của bệnh nhân đều được tuân thủ theo một thời gian biểu rõ ràng. Cách thức dạy cũng như chăm sóc những người tâm thần nơi đây giống như lớp học đối với những đứa trẻ đang học mẫu giáo.
Theo quan sát của phóng viên, mấy chục bệnh nhân tâm thần tự biết đi ăn, ngồi vào bàn ghế ngay ngắn. Họ vừa ăn vừa rủ rỉ tâm sự. Có người chòi đũa tranh phần ăn của bạn nhưng ông Tự lập tức nhắc nhở ngay. Ăn xong họ ngoan ngoãn đứng dậy cất dọn, rửa bát, xách nước rửa sân.
“Công việc hàng ngày đều là như thế, ăn xong họ đi ngủ trưa. Ai về phòng người đó, dù không ngủ cũng phải lên giường nằm yên”, ông Tự cho biết thêm. Theo ông Tự: “Đối với những người tâm thần này, họ không khác gì một tờ giấy trắng. Mình phải dạy, rèn họ vào khuôn khổ như với những đứa trẻ chỉ có điều đây là những đứa trẻ trưởng thành mà thôi”.
Cũng theo ông Tự, bệnh nhân tâm thần mới đầu thường chán ăn, tìm cách đổ trộm cơm, vì vậy vợ chồng ông thường khá vất vả khi tìm cách cho họ ăn no. Có bệnh nhân phải “nịnh” như những đứa trẻ thì họ mới chịu ăn, đối với bệnh nhân bệnh nặng, nhiều khi vợ chồng ông phải tự tay bón cơm cho họ.
Ông Tự cũng chia sẻ thêm: “Kinh nghiệm các cụ truyền lại, điều quan trọng nhất để trị bệnh tâm thần là phải đảm bảo miếng ăn, giấc ngủ cho người bệnh. Họ phải được ăn uống đầy đủ và được ngủ ngon, ngủ sâu để ổn định về mặt thể chất”.
Theo ông Tự, hầu hết các bệnh nhân tâm thần thường hay nói nhảm, nói lung tung, nói những chuyện thánh thần, ma quỷ và họ nói cả ngày không chán. Họ càng nói nhảm thì chứng tỏ bệnh tâm thần càng phát nặng. Khi họ không nói, lắng nghe thì não bộ mới hoạt động, mới phát triển tư duy nên ông Tự cấm họ nói nhảm, nói leo, nói xen vào câu chuyện của người khác.
Trong lúc trò chuyện với ông, thi thoảng có người xen vào, ông đều quát lớn. Quả thực, nếu cái uy của “thầy” Tự không được phát huy thì ngôi nhà với 40 bệnh nhân tâm thần, nói năng luôn miệng sẽ “náo nhiệt” như một cái chợ.
(còn nữa)