Tại ngôi làng Vadanemmeli nơi bộc tộc Irula sinh sống, nằm ở ngoại ô thành phố Chennai, miền Nam Ấn Độ, kỹ năng “tay không bắt rắn” độc đáo được truyền từ đời này sang đời khác.
Nguồn gốc về mối liên hệ giữa cộng đồng người Irula và loài rắn cho đến nay vẫn là bí ẩn. Theo những câu chuyện thần thoại của bộc tộc, loài rắn tượng trưng cho linh hồn của thần trinh nữ Kanniamma. Chính nữ thần đã ban phát cho họ tuyệt kỹ này. Do vậy, trong nhiều nghi thức cảm tạ tâm linh, thầy tu của bộ tộc sẽ lên đồng và rít như một con rắn nhằm bày tỏ sự tôn thờ đối với nữ thần.
“Người rắn”
Trong lúc đang cắt tỉa cây, bất thình lình anh Rajendran phát hiện ra một con rắn hổ mang cực độc. Đối với người khác khi nhìn thấy cảnh tượng này, điều đầu tiên phản ứng lại đó là bỏ chạy vì sợ hãi. Nhưng chỉ với thanh sắt dài, Rajendran lại bình tĩnh, khéo léo tóm lấy con rắn trong tích tắc và bỏ vào nồi đất.
“Nhiều người sợ rắn. Nhưng hãy nhớ rằng con rắn chỉ quan tâm đến sự sống còn. Nếu chúng ta bị kích động và bỏ chạy, con rắn sẽ nhận thấy mối đe dọa và tấn công. Nếu chúng ta bình tĩnh đứng yên, con rắn sẽ bò đi và không làm hại gì đến ai”, anh Rajendran chia sẻ.
Anh Rajendran là thành viên của bộ lạc Irula, một trong những cộng đồng bản địa lâu đời nhất Ấn Độ, sống dọc theo bờ biển phía đông bắc của bang Tamil Nadu. Những người như Rajendran nổi tiếng khắp miền Nam Ấn Độ với biệt danh “người rắn” với những kiến thức cổ xưa và sâu rộng về loài bò sát này.
Để có được kỹ năng sắt bắt thành thạo và những hiểu biết sâu sắc về loài rắn, anh Rajendran phải trải qua một quá trình dài. Từ thời thơ ấu Rajendran đã quan sát, cảm nhận và học hỏi kinh nghiệm từ người lớn trong làng. Người Irula bắt rắn trong im lặng, tiếng động cũng không phát ra ngay cả khi một nhóm nhiều người đi cùng nhau. Theo bản năng, lần theo những dấu hiệu mờ nhạt trên mặt đất, họ tìm ra hang con rắn ẩn náu.
Kỹ năng bắt rắn của bộ lạc đóng góp một phần quan trọng cho nền y học của quốc gia này. Người Irula không chỉ bắt rắn giỏi, họ còn là chuyên gia bào chế thuốc chống nọc độc rắn.
Hiện có tổng cộng 6 công ty trên cả nước sản xuất khoảng 1,5 triệu lọ mỗi năm. Hầu hết nguồn gốc của loại thuốc này chủ yếu do người Irula bào chế. Loại thuốc đặc biệt này được sản xuất và phân phối tới tất cả bệnh viện trên khắp đất nước.
Ấn Độ là “nhà” của của 244 loài rắn, trong đó 4 loại độc nhất gồm hổ mang chúa, rắn cạp nong, rắn lục hoa cân và rắn độc Russell sinh sống ở mọi nơi trên khắp đất nước. Do vậy, Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỷ lệ người tử vong do bị rắn cắn cao nhất thế giới. Theo số liệu năm 2011, số ca tử vong hàng năm do bị rắn cắn ở Ấn Độ là khoảng 46.000 trường hợp. Rắn rất dễ bò vào nhà và gây nguy hiểm cho họ khi ngủ, nhưng không ít người vẫn chủ quan.
Phương pháp chữa trị duy nhất là thuốc kháng nọc độc. Anh Rajendran cũng là một trong những người bào chế thuốc và làm việc cho Hiệp hội Hợp tác xã Công nghiệp săn bắt rắn Irula ở Vadanemmeli, được thành lập từ năm 1987 nhằm nghiên cứu và tìm ra phương pháp điều trị rắn cắn bằng loại thuốc được bào chế từ chính chất lỏng trong cơ thể rắn.
|
Tại khu chiết nọc rắn, những tấm bảng đen ghi chi tiết các loài rắn đang nhốt. Trong những hố cát người ta đặt nhiều nồi đất. Mỗi nồi thường sẽ được đổ cát ngập một nửa, trước khi cho hai con rắn vào. Miệng nồi sẽ được đậy cẩn thận bằng vải bông xốp để rắn vẫn có đủ không khí nhưng không thể trườn ra. Đó là một biện pháp phòng ngừa cần thiết cho sự an toàn của rắn và con người, khi số lượng rắn độc trong khu vực này quá lớn.
“Chúng tôi không giữ quá nhiều rắn cùng một lúc. Theo giấy phép chúng tôi chỉ được giữ khoảng 800 con rắn trong vòng 21 ngày và chỉ được rút nọc 4 lần. Sau đó, rắn sẽ được thả về với tự nhiên. Trên bụng mỗi con rắn chúng tôi đều đánh dấu nhằm tránh tình trạng bắt liên tục một con. Vết đánh dấu sẽ mất sau khi chúng thay da và lúc ấy con rắn đủ điều kiện để được bắt lại”, Rajendran cho biết.
Từ một nồi bằng đất, Rajendran bắt ra một con rắn hổ bướm Russell's Pit Viper - một trong “Tứ đại độc xà của Ấn Độ”, và đặt nó lên trên nền đất. Những họa tiết hình tròn đẹp mắt trên da con vật cho thấy nọc của nó rất độc. Sau đó, Rajendran giữ chặt đầu, bóp miệng con rắn, rồi ấn phần răng nanh vào lớp da bọc trên miệng một chiếc bình thủy tinh nhỏ để từng giọt nọc độc rắn chảy xuống.
Lượng nọc không gây tử vong từ 4 loài rắn độc tương tự như Russell's Pit Viper sẽ được tiêm vào những con ngựa để làm loảng. Chất độc trải qua quá trình phản ứng miễn dịch, sinh ra kháng thể. Những kháng thể này có thể được lấy từ máu của ngựa, từ đó bào chế ra thuốc chống nọc độc dùng cho con người.
Áp lực thời đại
Mặc dù không ăn thịt rắn vì tôn kính nữ thần, nhưng suốt thế kỷ 20, người Irula sống nhờ săn bắn rắn để lấy da và bán với mức giá bèo bọt từ 10 đến 50 rupee (3.000 - 16.000 đồng) trước khi được các thương nhân xử lý và xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ phục vụ ngành công nghiệp thời trang.
Tuy nhiên, vào năm 1972, chính phủ cho ra đời Đạo luật bảo vệ động vật hoang dã ở Ấn Độ đã cấm săn bắn một số động vật, trong đó có rắn, người Irula phải trải qua một giai đoạn khốn đốn, thậm chí chết đói. Bởi săn da rắn là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình.
|
Thuốc chống nọc độc do người Irula bào chế. |
Dựa vào thiên nhiên để sống, nhưng người Irula lại bị chính quyền địa phương coi là những kẻ săn trộm. Những cộng đồng xung quanh cũng khinh thường họ và mang thành kiến về tập tục bắt rắn.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Hiệp hội Hợp tác xã Công nghiệp săn bắt rắn Irula ra đời. Chỉ một số ít dân làng được làm trong hợp tác xã, nhưng tổ chức này đã giúp cho người Irula sử dụng kỹ năng truyền thống một cách hợp pháp.
Mặc dù không bị nhiều định kiến như trước, nhưng người Irula vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực. Họ lo ngại quá trình đô thị hóa lan nhanh về phía làng Vadanemmeli, các khu resort nghỉ dưỡng mọc lên sẽ xâm lấn, tàn phá khu vực rừng núi hoang dã. Điều này đồng nghĩa với việc, vào một ngày đẹp trời nào đó, bộc lạc “người rắn” sẽ biến mất, vì không còn rắn để săn bắt.
Tổ chức Y tế Thế giới đang khuyến cáo rằng, thuốc kháng nọc độc phải được chiết xuất từ rắn nuôi nhốt. Việc này có khả năng giảm thiểu nhu cầu chiết nọc từ rắn hoang dã - khiến kỹ năng săn bắt rắn của người Irula dần mai một.
Những người như anh Rajendran có thể là thế hệ người Irula cuối cùng thực sự hiểu về loài rắn. Giờ đây hầu hết các bậc cha mẹ Irula muốn con cái tiếp cận với cuộc sống hiện đại. Tỷ lệ trẻ em tới trường ngày càng tăng và nhiều đứa trẻ không cùng cha mẹ vào rừng xem và học cách bắt rắn. “Nhiều đứa trẻ thậm chí còn sợ rắn”, anh Rajendran chia sẻ.
Không rõ tương lai sẽ ra sao, người Irula hiện tại vẫn luôn bày tỏ lòng biết ơn của mình với loài rắn. “Loài rắn đã giúp chúng tôi tồi tại vào những thời điểm khó khăn nhất. Hy vọng kỹ năng săn bắt rắn luôn được lưu truyền và mong lớp thế hệ tiếp theo sẽ vẫn kế thừa những giá trị thiêng liêng thuộc về Irula”, một người trong bộc lạc Irula cho hay.