20% nạn nhân bị bạo lực gia đình (BLGĐ) tìm đến Ngôi nhà Bình yên mỗi năm thuộc nhóm trí thức. Trong số đó có P.T.T (SN 1980, ở Nam Định là tiến sĩ, giảng viên đại học); P.K.H (SN 1977, ở Nam Định là giáo viên); N.T.D (SN 1966, ở Hà Nội, là kế toán) mà câu chuyện của họ khiến người nghe kinh hoàng và đau xót.
Chồng bảo mua chanh mà mua quất: Ăn đòn
Chị P.T.T (giảng viên Đại học, ở Nam Định) kể: “Chồng tôi có nhu cầu tình dục cao. Tôi luôn phải đáp ứng, nếu không anh sẽ nghi ngờ. Có hôm tôi mệt quá và từ chối thì anh lại kiểm tra điện thoại của tôi rồi tra hỏi: “Hay cô ngủ với thằng nào rồi nên cô không muốn tôi”.
Có khi tôi trốn sang nằm với con để tránh thì bị anh ấy lôi tôi dậy, bị nhổ vào mặt trước mặt các con: “Mẹ mày là con khốn nạn”. Tôi luôn cảm thấy nhục nhã và đau đớn như bị hiếp dâm. Mỗi lần đánh tôi, chồng tôi thường khóa trái cửa trong phòng để đánh. Những lúc vợ chồng tình cảm, tôi tâm sự: “Mình là dân trí thức mà anh lại đánh em như vậy à. Em là giảng viên đại học mà bị chồng sỉ nhục như vậy thì còn ra gì”.
Anh nói: “Em cứ làm theo anh thì chẳng vấn đề gì”. Chồng tôi là người không chấp nhận được vợ làm trái ý mình dù là điều nhỏ nhất. Ví dụ anh bảo tôi đi mua chanh mà tôi lại mua quất thì anh ấy cho rằng tôi khinh bỉ chồng, lập tức bị chửi hoặc bị ăn đòn luôn... ”.
Cũng là câu chuyện ở Nam Định, chị P.K.H (giáo viên) kể: “Năm 2008 tôi phát hiện ra chồng có bồ. Tôi nói thì bị đánh và từ năm 2012 trở đi anh bắt đầu đánh vợ dù không vì lý do gì. Đi làm về muộn, gõ cửa mà vợ không nghe thấy vì đang nghe điện thoại, khi mở cửa anh đấm thẳng vào mặt khiến hai mắt tôi lồi ra, rồi ném đồ đạc, chửi bới...
Anh quen việc tôi phải chào hỏi lễ phép, phải phục vụ cẩn thận. Có lần anh đi làm về muộn 4 tiếng, tôi chào “anh ạ” và không bưng mâm cơm lên mời anh ăn ngọt ngào, anh liền chửi và hất tung mâm cơm”
Không đánh vợ bằng nắm đấm, chồng của chị N.T.D (kế toán) có kiểu hành hạ vợ cũng đau không kém. “Nếu chồng ở nhà mà phải nộp tiền điện, hay phải bỏ tiền ra mua gạo là anh ấy kiếm cớ chửi vợ. Tết năm 2008, chồng đưa vợ 300.000 đồng sắm tết và đó là lần duy nhất, sau này không bao giờ đưa nữa.
Lần con trai út 3 tuổi phải đi mổ sa trực tràng, chồng vào viện thăm con một lần, chỉ nói duy nhất một câu: “Mày để con tao đau thế này à” rồi đi về luôn và cũng không đưa một đồng nào. Năm 2011 tổ chức đám cưới cho con trai cả, chồng đưa vợ 15 triệu và nói: “Tao cho vay 15 triệu, mày lo xong cho con trả lại tao tiền”. Đến giờ vẫn luôn đòi vợ, con số tiền đó” – chị N.T.D kể.
Thay vì im lặng chịu đựng, nạn nhân cần lên tiếng
“Có một điều lầm tưởng rất lớn trong công tác phòng chống BLGĐ lâu nay, đó là chỉ chú trọng đến những vùng nông thôn nghèo mà bỏ quên giới trí thức. Thực tế thì phụ nữ trí thức cũng bị bạo lực gia đình, thậm chí họ là đối tượng khó thoát khỏi bạo lực và phải chịu nhiều hình thức bạo lực gia đình rất tinh vi, nên số lượng nạn nhân tăng lên hàng năm” - Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (Csaga).
Vụ BLGĐ với phụ nữ trí thức mới đây nhất có thể kể đến vụ án giết vợ rồi phi tang xác xảy ra tại tỉnh Cao Bằng. Chị H (30 tuổi, cán bộ một sở ở tỉnh Cao Bằng) đã bị chồng là Triệu Văn Hải (42 tuổi, là bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng) sát hại.
Trước đó, chị H thường xuyên bị chồng bạo hành, nhưng không dám nói cho ai. Sự im lặng nhẫn nhịn bạo lực của phụ nữ trí thức sẽ khiến cho bạo lực ngày càng leo thang, thậm chí khiến cho nạn nhân có thể bị mất mạng. Đa phần những người phụ nữ khi tìm đến sự giúp đỡ của các tổ chức đều đã từng bị đe dọa giết hoặc có ý định tìm đến cái chết để giải thoát.
Phân tích vấn đề này, bà Lê Thị Phương Thúy - Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ phát triển, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nhận định, nữ trí thức rất hiểu về bạo lực và giá trị của mình, nhưng họ lại âm thầm lo sợ, không dám công khai mình là nạn nhân của bạo lực vì sợ bị mất hình ảnh trong mắt người khác.
“Họ cho rằng mình cũng là được học rộng, hiểu sâu, cũng đi làm, kiếm tiền như ai, tại sao người khác không bị thế, mình lại bị thế. Thứ hai là họ xấu hổ với những người xung quanh, luôn lo sợ mất uy tín nếu câu chuyện này lộ ra. Họ cũng thương bố mẹ, không muốn để bố mẹ biết rằng con mình cũng giỏi giang mà phải chịu đày đọa như thế. Họ nhận thức rất rõ quyền của mình, nhưng cho rằng những thứ khác quan trọng hơn nên không dám nói ra, không tìm đến sự trợ giúp” - bà Phương Thúy cho biết.
Bên cạnh đó, do các đối tượng gây bạo lực có những thủ đoạn che giấu bạo lực, thậm chí diễn cảnh hạnh phúc để che mắt mọi người, nên những người phụ nữ trí thức bị BLGĐ sợ những lời họ nói ra sẽ không có ai tin.
Có người chồng đánh vợ xong vẫn xách cặp lồng đi mua cháo cho vợ như hình mẫu “ông chồng tốt”. Ngoài ra, các hành vi bạo lực như bạo lực tinh thần, tình dục, cưỡng ép kinh tế… lại khó phát hiện và xử lý vì không để lại “tang chứng, vật chứng” trên cơ thể nạn nhân.
Theo công bố của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, hiện có 10% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực tình dục. Đặc biệt, hiện nay, trong các gia đình trí thức, hình thức bạo lực tình dục ngày càng trở nên phổ biến, tinh vi hơn. Vì thế “thay vì im lặng chịu đựng, nạn nhân bạo lực cần lên tiếng, kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng để tự bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình” - bà Phương Thúy kêu gọi.