Lời kể của những người làm chứng
Trà Vinh là vùng đất của những ngôi chùa Phật giáo Nam Tông cổ kính lẫn trong những tàng cây cổ thụ. Đã có thời người ta rất ngại đến vùng này, nếu chẳng may có đến thì cơm không dám ăn, nước không dám uống. Bởi lẽ không may mà ngồi ăn bát bún nước lèo thì khi về người cứ xanh mai mái, chiều đến sợ nước không dám tắm, đi khám lẫn điều trị kiểu gì cũng không khỏi.
Rồi cả tháng, có khi là hai tháng trời sau, được “mách nước” người bị bệnh mới biết lên chùa cầu cứu sư thầy nhờ chữa bệnh, làm phép. Kỳ lạ thay sau khi làm phép xong người bị yếm bùa sẽ xổ ra nguyên cả miếng thịt ăn chưa tiêu(?).
“Đó là do các ông thầy có thói quen thử thuốc chứ không phải do thù hằn hay hiềm khích gì, họ chỉ cần búng móng tay bỏ một chút vào tô thức ăn hay nồi nước lèo là người ăn phải sẽ dính thuốc. Người nhẹ thì bệnh lai rai, người nặng thậm chí có thể mất mạng”, nhà thơ Hồng Băng (Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh), một người sinh ra và lớn lên ở “xứ sở của bùa ngải” lại đã từng nhiều năm đi tu trong chùa Nam Tông Khmer lý giải. Ông khẳng định chắc nịch: “Bùa ngải là có thật. Chỉ có điều khoa học chưa nghiên cứu và chưa lý giải được”.
Nhà thơ Hồng Băng kể, sinh thời cha của ông, thầy Ba Minh cũng là một thầy thuốc có tiếng ở Trà Vinh, ông có hai điều tuyệt đối tuân thủ: Một là chỉ chữa bệnh vào giờ nhất định. Hai là chữa bệnh hoàn toàn miễn phí không lấy một cắc bạc tiền công.
Thầy Ba Minh đặc biệt có tiếng trong việc chữa bệnh “giời leo” mà trong y văn hiện giờ gọi là bệnh zona. Điều gây ngạc nhiên là phương pháp chữa trị của ông lại vô cùng đơn giản. Trong khi con bệnh đang khổ sở vật vã thì ông cứ ngồi lặng thinh, bỏm bẻm nhai trầu rồi canh lúc có ánh sáng mặt trời, ông mới kêu người bệnh ra đứng giữa trời nắng và cứ thế phun bã trầu tứ tung lên vùng da bị bệnh.
Thầy bùa “cải tử hồi sinh” cho những người đã “gần đất, xa trời” (Ảnh minh họa). |
“Phun tối đa 3 lần thì khổ chủ dứt bệnh. Nhưng chỉ có thế thì chưa chắc đã khỏi bệnh mà bí quyết nằm ở chỗ vừa phun trầu vừa phải đọc thầm 1 câu chú”, ông Băng tiết lộ. Câu “bùa chú” đó đại khái như thế này: “Cha mày tên tố/ Mẹ mày tên xô/ Mặt nhật mọc mày tồn tại/ Mặt nhật lặn mày biến mất và biến mất mãi mãi”. Nghe qua đó chỉ là những câu vô nghĩa thậm chí nực cười nhưng ông Băng đảm bảo, nếu không đọc người bệnh sẽ không khỏi bệnh.
Bằng chứng là chính ông khi được cha truyền nghề đã làm “thí nghiệm” để kiểm chứng. “Lần đó có 5 người mắc bệnh đến chữa. Ba người được ba tôi chữa thì bệnh khỏi. Còn 2 người do tôi chữa nhưng đã cố tình không đọc câu đó thì quả thật bệnh không khỏi. Bản thân tôi cũng không thể lý giải được chuyện này như thế nào”, ông Băng thuật lại.
Chuyện nữa, có ông thầy bùa người Kinh có tên là Năm Vận, quê ở Sóc Trăng nhưng đến cư ngụ ở xã Phước Hưng (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). “Lần đó, tôi thấy ông ta dùng một lưỡi dao sắc bén. Sắc đến nỗi rờ nhẹ là đứt tay. Vậy mà, ông ta dùng dao đó chém bụp bụp lên người lại không hề hấn gì. Đúng là nếu không thấy mình không tin và cũng không tưởng tượng ra chuyện ly kỳ như vậy được”, ông Băng kể.
Ngồi trò chuyện bên bàn cà phê, nhà báo Thành Long, người đã nhiều năm gắn bó với đất và người Trà Vinh cũng kể lại một câu chuyện khá rùng rợn. Chuyện rằng, có một ông thầy bùa cùng đám đệ tử đến nhà kia xin củi. Trong nhà có củi nhưng người này nhất định không cho, ông thầy tức mình mới hỏi mượn cái búa. Rồi cứ thế ông ta dùng búa chém vào đùi. Cứ chém một nhát lại bay ra một thanh củi. Đến lúc ông thầy trả búa ra về thì người chủ nhà mới té ngửa, hoảng sợ khi thấy cột nhà nham nhở những vết chém.
Lần khác, trong một tiểu đội lính của mấy anh người Khmer có một anh người miền Bắc. Nghe chuyện bùa ngải, anh này nhất quyết không tin cho rằng đó là chuyện bịa đặt nhảm nhí của mấy đứa con nít. Không vội phản bác, chiều đến một người trong nhóm mới rủ anh này đi tắm sông.
Rồi không biết làm thế nào mà anh lính kia cứ ngụp lên ngụp xuống mãi không làm cách nào lên bờ được. “Đến lúc môi anh ta tím ngắt, mấy người sợ có chuyện không hay nên mới bảo người kia “hóa giải” để anh ta lên”, nhà báo Thành Long kể.
Trải nghiệm giật mình
Càng gặp nhiều người, chúng tôi lại càng càng được nghe nhiều câu chuyện đầy huyền hoặc về thế giới bùa thiêng ngải lú. Mà người nào khi kể cũng khẳng định chuyện đó có thật 100%. Để bảo lãnh cho những câu chuyện rùng rợn ấy có người còn thề độc.
Một lần khác, trong lúc ngồi nói chuyện với anh Đàm Xuân Thức (nguyên Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra Công an huyện Hòn Đất - tỉnh Kiên Giang). Ông Thức không chỉ khẳng định chuyện bùa chú là có thật mà anh còn dẫn ra một câu chuyện do chính bản thân mình chứng kiến.
Chuyện là vào khoảng những năm 1990, vùng biên giới Tây Nam tiếp giáp giữa Việt Nam với Campuchia nổi lên một tên cướp do Cao Văn Viên cầm đầu. Trong một lần, Viên vào vai một thầy bùa tiếp cận nhà Phó Chủ tịch huyện Hòn Đất, rồi không hiểu thôi miên hay dùng thủ thật nào mà hắn ung dung “cuỗm” đi 39 triệu với 12 cây vàng.
Quá trình mở rộng chuyên án, đấu tranh với những chuyện mê tín dị đoan, cơ quan công an đã tiến hành triệu tập hàng loạt các “thầy bùa Lỗ Ban” (sẽ giải thích kỹ hơn ở các kỳ sau), “thầy bùa nước lạnh” (vẽ bùa trên nước-PV) khắp vùng Hòn Đất. Đích thân ông Thức đã triệu tập và lấy lời khai ít nhất 7 ông thầy bùa.
Lần đó, anh cùng cán bộ viện kiểm sát, công an xã đến gặp thầy bùa Tư Ngà (ngụ xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang). Ông Tư Ngà vốn là một thầy bùa có tiếng ở Kiên Giang, năm nay đã ngoài 90 tuổi.
Trước nguy cơ bị bỏ tù như chơi vì “mê tín dị đoan”, ông Tư Ngà mới ra điều kiện: “Nếu tôi chứng minh cho các anh thấy chuyện bùa chú là có thật thì các anh không được bắt tôi nữa”. Cũng tò mò muốn biết thực hư lời đồn đại, các cán bộ liền gật đầu đồng ý. Để đề phòng bị thuốc mê, mấy người còn cẩn thận không uống dù chỉ 1 ngụm nước.
Lúc này, ông Tư Ngà mới thủng thẳng hỏi, các anh muốn tôi cho biến mất cái gì ở đây tôi sẽ cho biến mất cái đó. Nhìn quanh nhà một hồi, anh Thức chỉ vào con gà trống đang nhốt trong chiếc lồng ở trước cửa. Lúc đó trước sự chứng kiến của mọi người, ông Tư Ngà mới thong thả dùng chân nhang họa một lá bùa dán lên cửa, gọi tên các thần linh, âm binh gia tướng, rồi tiếp đó gọi tên Đàm Xuân Thức. “Tức thì, lúc đó tôi thấy đầu tê nhức rồi không tài nào nhìn thấy con gà trong lồng nữa”, ông Thức kể lại.
Khi đó mặc dù đã dụi mắt nhiều lần, nhưng ông Thức vẫn chỉ thấy chiếc lồng trống không. Trong khi đó, những người xung quanh đều khẳng định con gà vẫn ở trong lồng. “Một lát sau đó, ông Tư Ngà đọc tên lần thứ 2 thì tôi giật mình choàng tỉnh như người khỏi cơn mê ngủ”, ông Thức kể tiếp. Nhờ có màn trình diễn “phép thuật” thành công mà dạo đó ông Tư Ngà may mắn không bị đi cải tạo. Chúng tôi ngồi nghe chuyện mà càng lúc càng thấy tò mò trước những câu chuyện đầy màu sắc tâm linh.
Một cán bộ công an của công an tỉnh Trà Vinh (xin được giấu tên) cũng kể một câu chuyện tương tự. Khi ông này đang theo học lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên môn sâu, một lần ông ta cùng mấy người và một tiến sĩ tâm lý đi xe về vùng Thất Sơn (tỉnh An Giang) để tìm gặp một thầy bùa.
“Trong vai những sinh viên đi tìm hiểu, chúng tôi mới đề nghị ông thầy cho coi thử thuật thôi miên. Không ngần ngại, ông ta nhờ một người trong nhóm ra sau nhà mang vào một thau nước. Mọi người đều nhìn thấy thau nước sờ sờ ở đó nhưng không hiểu sao anh này cứ đi ra đi vào, tìm hoài mà không thấy”, vị công an kể lại.
(Đón đọc kỳ tới: Lời nguyền độc địa của thầy Chà Và)