Bị bắt về làm... thầy bùa
Từ thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), tôi ngồi sau xe của một đệ tử đã từng thọ giáo thầy Ba Xuyên suốt 7 năm trời về ấp Tân Hưng (xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất) để được tận mắt nhìn thấy vị thầy bùa nổi tiếng là cao tay này.
Suốt cả quãng đường đi, người đệ tử không ngớt lời ca tụng sư phụ mình như một vị thánh: “Thầy Ba cao tay lắm, người ta đến với ông từ khắp mọi nơi. Gần thì ở Cần Thơ, Cà Mau xa thì đến cả các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Đồng Nai... Người đến cũng có đủ mọi thành phần: cán bộ, dân làm ăn, buôn bán và thậm chí là cả một vài thầy bùa chẳng may bị trúng “thư ếm” nên phải đến cầu cạnh nhờ ông giải cho”.
Cũng theo người đệ tử, thầy Ba có nhà riêng nhưng phần lớn thời gian thầy lại ở trong am thờ (người dân quen gọi là Miếu Thần Nông) ở cuối con đường đổ bê tông khúc Kênh 3. Đó là một chiếc am được xây dựng khá kiên cố, tọa lạc dưới những tán cây rậm rạp khiến cho không khí càng có u tịch, huyền bí. Ở phía hai đầu hồi, có hai ngôi miếu ông Tà cũng được xây dựng bằng gạch chắc chắn.
Sự tích cái am của thầy Ba cũng là một điều ly kỳ, thời trước chỉ là một cái am nhỏsơ sài bằng gỗ lá. Thế rồi cách đây ít năm, có Việt kiều tự nhận là được hưởng lộc từ cái am này nên đãbỏ tiền ra trùng tu, xây cất lại.
Mặc dù tôi đã được người đệ tử giới thiệu kỹ càng thế nhưng khi gặp người khách lạ mặt thầy Ba vẫn có phần e ngại. Ông cẩn trọng rút ra từ trong ví ra chiếc thẻ hội viên Hội Đông y Việt Nam và giới thiệu rằng mình được “công nhận”, chứ không phải hạng lang băm bậy bạ.
Ông Ba bộc bạch, vốn là dân tham gia kháng chiến, sau ngày giải phóng đã từng có thời gian làm công an ở xã Sóc Sơn (nay là Thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất). Trong khi cả ông nội cha ông đều là những thầy pháp có tiếng. Thế nhưng vào thời đó cả nước nổi lên phong trào bài trừ mê tín dị đoan, ông lại là công an nên cũng đã ra sức phản đối cha ông mình khi làm những chuyện tâm linh.
Một số ký hiệu bùa chú đã được in thành sách. |
Đến năm 33 tuổi, đang yên đang lành, bỗng dưng ông “phát điên”, không ăn, không ngủ, nói năng lảm nhảm, đi lang thang như người mất hồn. Có lúc ông trèo lên cây rồi quặp hai chân, buông đầu xuống như con khỉ vậy. “Có lẽ vì có cơ duyên làm nghề này, nên hồi đó dù tôi đang làm công an, nhưng nhiều lúc như bị “Ông Tổ” nghề hành cho đau ốm bệnh tật suốt nên phải xin nghỉ, rồi về theo nghiệp cha làm thầy chữa bệnh”, ông Ba cho hay.
Thấy ông Ba Xuyên bị “tổ nhập”, mẹ ông đã dắt con đến tìm đến thầy Hai Hà, một thầy bùa có tiếng ở Kiên Giang để học phép thuật bùa chú. Thầy Ba kể: “Phải là người có căn duyên và chịu khó khổ luyện mới có thể thành công. Lúc đầu phải học viết từng chữ, đọc từng câu chú. Sau đó luyện dần lên từ 20, 30, 100 câu chú một ngày”. Sau khi học với thầy Hai Hà, ông Ba Xuyên còn tới tu luyện ở nhiều nơi ở vùng núi Cấm, Thất Sơn (tỉnh An Giang). Sau ba năm khổ luyện ông mới được phép xuất sư ra giúp đời.
Khắt khe “ngũ giới” luật
Thầy bùa Ba Xuyên cho biết: “Tổ Lỗ Ban là người thời Xuân Thu (Trung Quốc) là ông tổ của nghề mộc và xây dựng, cũng là tổ của nhiều loại bùa chú. Người học bùa chú là nhằm mục đích để trừ tà, cầu an, giúp cho nhân tâm, gia đình yên ổn an vui, mua may bán đắt, cầu tài, an thai, trừ ác mộng, hộ thân, sinh con tốt lành.
Ngoài ra một số loại bùa chú còn giúp trị bệnh như chữa nghiện thuốc, chữa hóc xương... Bùa chú chỉ truyền cho những người có đức và sau khi được truyền người đó phải làm lễ tuyên thệ với tôn sư, với thần thánh”.
Ngoài ra người đệ tử còn phải thề nguyền giữ đúng những giới răn rất nghiêm ngặt. “Ngũ giới” đó là: Không can thiệp vào chính trị gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia; Không phản thầy, phản đồng đệ sư môn; Không được dùng bùa để ếm hại, phá hoại hạnh phúc người khác; Không được lợi dụng bùa chú để lừa gạt, ăn tiền bá tánh...
Chính vì những giới luật khắt khe này mà những người tầm thường, thiếu đạo đức không theo nổi, thậm chí khi được truyền dạy còn có thể gây tai họa cho chính mình. “Vì lẽ “Nhân” xấu sẽ sinh “Quả” xấu. Bởi thế các vị đạo sư, pháp sư đúng đắn, hiểu rõ đạo lý “Nhân - Quả” thì không bao giờ dám dùng bùa chú để hại người”, thầy Ba chia sẻ.
Không chỉ thầy Ba Xuyên, các thầy bùa khác mà chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện đều khẳng định: Việc sử dụng bùa chú để ám hại người khác là vô cùng thất đức. Những người thầy nào tâm bất chính sử dụng bùa phép để ếm hại người khác thì trong tương lai không xa nhất định sẽ gánh chịu những hậu quả vì điều mình tạo tác.
Thầy Bảy và những cuốn sách về huyền thuật. |
Điều đáng buồn là trong thực tế hiện nay vẫn có những thầy bùa làm điều này. “Có thể vì họ hám của, vì tự ái cá nhân muốn khẳng định mình hoặc mới chỉ học lỏm được ít phép thuật, chưa thấu đạo lý đã tự xưng “thầy”, rồi chữa trị vô tội vạ gây ra những hậu quả khôn lường”, thầy Ba Xuyên chia sẻ.
Một nguyên nhân khác là do con người lúc nào cũng có lòng tham, sự đố kỵ, ghen ghét nên người ta hay tìm đến các thầy bùa, thầy pháp để nhờ vả. Có đến cả ngàn lẻ một lý do để người ta có thể “thư ếm”, hại nhau. Từ cạnh tranh làm ăn, tranh giành chức tước, chiếm đoạn tài sản hay vợ con người khác, thậm chí chỉ vì ghét nhau lời ăn tiếng nói người ta cũng đi kiếm thày để “thư ếm” hại nhau.
Phép thuật “thư ếm” cũng có muôn hình vạn trạng. Có loại dùng lá bùa vẽ trên vải vàng, chữ đỏ thư vào trong bụng người khác, khiến cho họ mệt mỏi, đau đớn, làm ăn thất bại, gia đình xào xáo. Có loại thư bằng đinh sắt. Có loại thư bằng tóc rối. Một loại khác thì dùng những con bọ xít, bọ hung thư vào bụng người ta, lúc lấy ra khỏi thân thể chúng hãy còn ngo ngoe sống. Một loại khác ác độc hơn là dùng những mũi kim thư vào người. Những mũi kim nhỏ xíu này theo đường máu chạy khắp cơ thể nên lấy được ra rất là vất vả, nếu có đi siêu âm cũng khó lòng phát hiện ra.
Chính vì thế nên phương pháp gỡ bùa, giải bùa cũng rất là quyền biến. “Mỗi chữ bùa có một câu thần chú riêng. Tùy mỗi trường hợp mà sử dụng phương pháp gỡ phù hợp. Lại phải chọn ngày giờ nhất định chứ không phải ngày nào cũng làm được.
Một lá bùa được thầy pháp vẽ ra. |
Mỗi khi làm còn phải thỉnh tổ nghiệp xem có ứng nghiệm không”, thầy Ba cho biết. “Mỗi lần làm phép thường có cả mấy thầy trò tham gia để phối hợp. Bên cạnh việc cho uống bùa, có khi còn dùng cả dao kiếm chặt, dùng dầu lửa phun lên người bệnh. Nhìn thì ghê lắm nhưng người bệnh lại không bị sao cả”, người đệ tử của thầy Ba Xuyên tiếp lời.
Để minh chứng cho khả năng của mình, ông Ba kể một câu chuyện nhuốm màu hoang đường, rằng ở xã bên có chị kia tên Phượng. Đang có nhà cửa, chồng con đề huề thì đột nhiên phát bệnh. Tối ngày xõa tóc đi lang thang lại cứ chui vào những chỗ tối tăm, bụi rậm mà ngồi, hỏi chồng lắc đầu không biết, hỏi con cũng không hay. Thầy Ba kể lại: “Suốt mấy tháng tôi cho uống bùa rồi kết hợp thêm các loại thuốc bổ tim mạch, an thần giờ chị ta đã bình thường nên thỉnh thoảng vẫn còn sang đây cúng tổ”.
Sau nhiều năm hành nghề thầy Ba đúc rút rằng, thế giới bùa ngải có rất nhiều điều huyền nhiệm nhưng nói gì thì nói “bên sống vẫn mạnh hơn bên chết”. Rồi ông dẫn ra câu chuyện khá hài hước: Ngày trước ở Miếu Cây Chôm (TP Rạch Giá) có một cây dương rất lớn.
Khi người ta mở con đường đi ra biển thì cây dương nằm giữa lộ nên phải chặt bỏ. Nhưng cứ ai động tới là bị vật ngã, hộc máu chết tươi. Ông Mười Nhỏ khi đó làm thầy mới nhận lời đốn với giá 20 triệu. Trước khi đi, ông dán 1 lá bùa lên lư hương trong nhà, dặn vợ lỡ ông có cơ sự gì thì lấy lá bùa đốt cho ông uống ngay.
Buổi sáng hôm đó, mấy đệ tử vác búa nhưng rùng mình không dám chặt. Ông Mười mới tiến đến ra tay. Ai ngờ vừa vung búa chém được mấy nhát thì ông bị vật xuống đất hộc máu nên lập tức được đưa đi cấp. Bà vợ trong lúc luống cuống lại quên mất lời dặn của chồng, đến bệnh viện mà không mang theo lá bùa.
Thế là ông này chết. Tiếp đó có một người khác nhận đốn cây với giá 10 triệu. Anh này chả dùng bùa phép gì mà đến thẳng UBND phường xin quyết định chặt cây, đóng dấu đỏ đàng hoàng. Rồi anh ta ung dung đến trước cây đọc quyết định. Thế là cái cây được đốn ngon ơ...
Theo ông Nguyễn Văn Năm (Trưởng ấp Mỹ Hưng) cho biết: “Ngoài việc hốt thuốc Bắc, thuốc Nam chữa bệnh, ông Ba có làm bùa nữa. Đời cha của ông Ba cũng là thầy pháp. Phần lớn những người dân đến đây đều có biểu hiện tưng tửng, khùng khùng như bị ma nhập hay bị vong hành vậy. Không biết ông Ba làm sao đó mà cũng có người hết bệnh”.
Thế nhưng ông Phùng Đăng Lâm (cán bộ xã Mỹ Lâm) lại khẳng định: “Mấy lần ghé chơi tôi thấy ông Ba có hốt thuốc Nam chữa bệnh chứ việc dùng bùa, dùng phép thì tôi chưa thấy bao giờ. Nếu chính quyền xã phát hiện ra ông Ba hành nghề mê tín dị đoan thì chắc chắn sẽ tổ chức ngăn chặn ngay chứ làm gì để chuyện đó xảy ra”.
(Kỳ tới: Khám phá bùa yêu và “Quyền năng huyền bí”)