Bi kịch của một gia đình ở phố cổ Hà Nội

(PLO) - Cụ Nguyễn Thị Hợp (SN 1932) bị liệt nửa người mọi sinh hoạt chỉ vỏn vẹn trên chiếc giường. Nằm ngay ở dưới đất, người con trai Nguyễn Cao Minh (59 tuổi) cũng bị liệt, hằng ngày ở nhà trông nom cụ. Thế nhưng, hai người con gái của cụ từ khi đi lấy chồng không đoái hoài tới sức khỏe, không về trông nom chăm sóc mà chỉ cho người mang tiền đến nhà biếu.  
Người mẹ già bi thương đó là cụ Nguyễn Thị Hợp (SN 1932) ở Hàng Mã, Hà Nội. Người dân sống ở cùng dãy nhà cho biết, hai mẹ con cụ Hợp đều bị liệt. Gia đình cụ Hợp sống ở cuối cầu thang đi lên, nhà của cụ ở là đi thuê của nhà nước. Trước đây khi các cô con gái đi lấy chồng trở về thăm gia đình có lần đến mọi người xảy ra xích mích một lúc rồi về. 
Khi chúng tôi bước vào trong căn nhà của cụ Hợp, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Trong căn nhà rộng chừng 15m2 có gác sép ở trên. Nằm ở một góc nhà, cụ Nguyễn Thị Hợp mái tóc bạc trắng, khuôn mặt phờ phạc nằm gọn lỏn trên chiếc ghế dài. Nằm được một lúc, cụ không còn khả năng kiểm soát hành vi. Cụ Hợp vệ sinh ngay tại chỗ, quần áo ướt nhẻm, mùi bốc lên… Giờ cụ không còn minh mẫn, thấy tôi tiến lại gần cụ, mùi xú uế bốc lên không thể nào chịu được. Cụ thều thào bảo “lâu rồi không đến quên nhau rồi”. Dường như trong kí ức bà vẫn nhớ đến người con gái, lầm tưởng chúng tôi là người con của bà đến thăm. Khóe mắt bà cay cay, trong tâm can của mình ùa về kí ức của thời ở cùng với người con gái. Thi thoảng cụ còn đếm từng ô chiếu một khiến tôi thật xót xa. Lâu lâu cụ lại suýt soa kêu đói và rét. 
Cụ Nguyễn Thị Hợp bị liệt không ai chăm sóc. 
Khi thấy mẹ nằm trên giường tiểu tiện ra luôn quần, bị ướt. Người con trai bị liệt, bác Nguyễn Cao Minh nằm ở ngay dưới đất nghĩ thương mẹ nhưng không thể nào làm gì được. Bác liền gọi người con gái của mình xuống thay quần cho bà. Thế nhưng cháu mới chỉ học lớp 3, dường như cháu còn quá nhỏ. Mặc dù, lục tung các ngăn tủ không thấy quần áo bà ở đâu để thay cho cụ. Cụ Nguyễn Thị Hợp sinh được ba người con, một trai, hai gái. Người con gái đã đi lập gia đình. Tuy nhiên, người con trai là Nguyễn Cao Minh (59 tuổi) bị liệt một bên người, hiện đang sống cùng với bà. Chồng cụ Hợp là ông Nguyễn Cao Sâm đã mất, là trung đội phó bộ đội chủ lực. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp. 
Nằm ngay dưới nền nhà, bác Nguyễn Cao Minh (59 tuổi), con cụ Hợp cũng bị bệnh giống cụ bị liệt nửa người. Lúc nào bên tay trái của chú Minh cũng co ro, bàn tay chú lúc nào cũng quặt sang một bên. Bác Minh cho biết, trước đó người con gái của cụ Hợp, cô Thanh H. cũng đón bà sang ở cùng gia đình nhà cô ở bên Gia Lâm để tiện bề chăm sóc. Tuy nhiên, khi đón bà sang bên đấy, cô H. lại sắp xếp cho cụ ở một phòng riêng. Cụ Hợp bị bệnh tật không thể tự mình sinh hoạt được, trong khi đó lại không ai chăm sóc cho bà. Bệnh tật cộng tuổi già khiến cho cụ trở nên hưu quạnh. Cho nên cụ Hợp lại càng trở nên buồn rầu nên đã nằng nặc đòi về nhà ở cùng với tôi. 
Trước cụ Hợp nằm ở dưới đất ngay cạnh chỗ tôi nằm, căn phòng mỗi khi mưa lại bị dột, bởi căn nhà này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Gần đây đã được tu sửa lại trông mới sạch sẽ như vậy. Bác Cao Minh trải lòng, khi cụ Hợp lâm bệnh nặng do không thể kiểm soát được bản thân nên khi vệ sinh xong là cụ lại bôi hết lên tường, bẩn không chịu được. Tôi thì tay bị liệt một bên nên cũng không làm gì được. Chỉ đợi vợ tôi về mới có thể tắm giặt cho cụ. Nghĩ cũng buồn tủi vô cùng.  
Hoàn cảnh gia đình cũng túng thiếu, vợ tôi đi chợ bán hàng từ sáng sớm đến tối mới về cũng chỉ trang trải chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày. Tôi bị liệt nửa người nhiều khi không có tiền mua thuốc, trước có người thương tình đã mang cho mấy thang thuốc lá uống vào cũng thấy đỡ được phần nào. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào vợ, cộng thêm khoản tiền lương của mẹ tôi. Nhiều lúc cũng vay mượn tạm rồi làm trả dần. 
Gia đình tôi sinh được 2 người con gái, cháu lớn 24 tuổi, còn một cháu đang học lớp 3. Tất cả có 5 khẩu sống chung căn nhà có hơn chục m2 cũng bí bách khó chịu, lại còn bị bệnh tật thế này. Cụ bị bệnh, vệ sinh tại chỗ mùi bốc lên không thể ngửi nổi, cũng đành chịu chứ biết làm sao. Trước đây, tôi là thợ cắt tóc, nhưng bị huyết áp cao nên bị liệt. Tuy nhiên, bác Minh bức xúc việc khi hai cô con gái đi lấy chồng, từ khi mẹ bị liệt không có ai đến chăm sóc. Đặc biệt cô Nguyễn Thị Thanh H. lấy chồng về Nguyễn Hữu Huân (Hà Nội) hơn một năm không về thăm bà, thi thoảng bảo người đến cho tiền. Còn cô Nguyễn Thanh M. đi lấy chồng ở Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cũng thi thoảng mới về nhà. 
Người con Nguyễn Thanh H. hơn 1 năm chưa về nhà thăm mẹ, chỉ cho người mang tiền sang để mẹ sinh hoạt.  
Khi chúng tôi đến nhà người con gái của cụ Hợp, cô Nguyễn Thanh H. (Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội) cho biết, hơn một năm nay tôi không về nhà mẹ đẻ. Hằng tháng, tôi cũng cho người giúp việc cầm một triệu đồng mang cho mẹ tôi để sinh hoạt, bởi số tiền đó không to. Suốt ngày gọi tôi sang chăm sóc, nhưng tôi phải làm thì mới có tiền để cung cấp cho chứ. Trước đó, tôi cũng đón bà sang nhà ở Gia Lâm để ở cùng với gia đình tôi nhưng bà ở đó không được bao lâu lại đòi về. Bà bảo rằng, đón cả con trai sang (anh tôi – PV) nhưng anh có gia đình, có vợ chăm sóc, tôi làm sao có thể nuôi cả anh trai được. 
Còn người con gái út, cô Nguyễn Thị Thanh M. (ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho biết, khi nào cô dỗi thì cô sang thăm. Mẹ cô có lương hưu, tôi chỉ giúp được một phần. Tháng nào có nhiều thì cô cho nhiều, không thì cho ít. Anh thì đã có vợ con chăm sóc. Khi chúng tôi nhắc đến cụ Hợp vệ sinh ngay trên giường, quần áo ướt nhép, mùi xú uế bốc lên không có ai lau chùi, tắm giặt. Cô M. cho biết, chỉ có mùa hè mới tắm cho bà, bởi mùa đông rét lại không có nhà tắm. Tôi gần 60 tuổi, làm sao có thể bế bà cụ đi tắm được. Mùa hè thuê ô sin để họ chăm sóc bà. Mỗi người con gái chịu tiền một tháng để thuê. Còn không, thuê những người lao động chân tay đến tắm cho bà chứ làm sao mà có thể tắm được.

Đọc thêm