Dịch vụ thi thuê đang “nở rộ”, với quảng cáo lan truyền từ giảng đường đại học đến facebook, hay các diễn đàn mạng. Những người nhận đi thi thuê cho sinh viên xem đây như một “nghề tạm thời” để kiếm tiền trang trải cuộc sống khi chưa có việc làm. Còn những sinh viên tìm đến dịch vụ thi thuê này thì xem đây là kế sách tạm thời để có “giấy thông hành” đúng hạn. Bởi có chứng chỉ môn này mới lấy được tấm bằng tốt nghiệp đại học.
1 triệu đồng một chứng chỉ B1
Trong vai một sinh viên năm cuối đang có nhu cầu cần người thi thuê tiếng Anh để lấy chứng chỉ B1 trong kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh diễn ra tại Trường Đại học Ngoại ngữ sắp tới, tôi “dạo” một vòng trên các trang mạng xã hội. Cuối cùng, tôi chọn liên lạc với Nguyễn Văn C.
Tôi chủ động giới thiệu về bản thân, tuổi, ngành học và trình bày muốn được C. thi hộ trong kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh diễn ra vào đầu tháng 5 sắp tới. Chỉ sau một vài phút nói chuyện, trao đổi qua điện thoại cùng vài dòng tin nhắn tôi nhanh chóng nhận được hướng dẫn, đặt lịch hẹn vào hôm sau. “Mình sẽ gặp nhau vào chiều mai để nói rõ hơn về công việc, thời gian thi cũng như tên tuổi của bạn. Lịch thi của bạn thế nào để mình sắp xếp thời gian?” – C. nói.
Điểm hẹn của chúng tôi là trước trạm trung chuyển xe bus Cầu Giấy. Gặp C. tôi cũng hơi bất ngờ vì đây là một anh chàng điển trai, trẻ trung, phong độ. C. sinh năm 1989, quê ở Hải Phòng. C. nói về lý do đi thi thuê là để kiếm thêm ít tiền. “Mình có trình độ nhưng qua tìm hiểu một số việc làm chỉ kiếm được đồng lương ít ỏi nên hiện đang nhận dạy tiếng Anh theo giờ cho một số trung tâm. Tuy nhiên, do mình chưa có học vị như các ông Tiến sĩ, Giáo sư nên đi dạy ở các trung tâm tiếng Anh họ chỉ trả cho mình 200 – 300 ngàn/ buổi”.
Sau buổi gặp mặt, C. thúc giục tôi gửi lịch thi cụ thể, cùng tên tuổi để chuẩn bị trước, phòng khi giáo viên hỏi. Nguyễn Văn C. tự quảng cáo: “Mình vừa đi thi B1 cho một sinh viên ở Đại học Bách Khoa Hà Nội về tới đây. Trình tiếng Anh ở Trường ĐH Ngoại ngữ không phải là quá khó với mình. Mình đi thi thuê tiếng Anh nhiều rồi, chủ yếu cho các bạn ở Trường FPT, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Điện lực, Viện Đại học mở Hà Nội hay Đại học Kinh tế Quốc dân. Mình thấy ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là khó nhất” .
Khi được hỏi về thù lao cho mỗi lần thi thuê tiếng Anh cho sinh viên, C nói: “Các bạn ấy trả mình hơn kém một triệu đồng mỗi lần thi, tùy vào trình độ chứng chỉ mà các bạn cần mình giúp. Như trình B1 ở trường bạn thì mình lấy một triệu/ lần”.
Thấy tôi tỏ vẻ nghi ngờ về năng lực của C., anh ta liền trấn an: “Bạn yên tâm đi, mình thi cho một số trường hợp B1 ở Trường Đại học Quốc gia rồi. Hôm trước mình vào thi nói cho một bạn ở Viện Đại học Mở Hà Nội. Vào phòng thi mình nói dõng dạc, phát âm tốt nên giáo viên đã đề nghị mình dừng lại trong sự ngạc nhiên khi chưa hết thời gian”- C.nói. Để đảm bảo “uy tín” của mình, C. không lấy bất kỳ khoản tiền nào trước. Khi hoàn thành buổi thi C. mới nhận toàn bộ số tiền như đã giao ước.
Làm giả thẻ sinh viên để qua mặt giám thị
Tôi có ý và tò mò hỏi C. về cách để qua mặt giám thị, ban đầu C. thận trọng trả lời: “Cái đó mình không biết. Mình chưa làm việc này bao giờ. Thường thì việc này do bên các bạn đảm nhiệm”.
Tuy nhiên, sau khi tôi hỏi vặn lại bằng cách nào mà C. có thể qua mặt các giám thị ở những trường mà C. đã đi thi hộ, cụ thể là với trường hợp sinh viên ở Viện Đại học Mở Hà Nội mà C. vừa nói, cuối cùng C. nói nửa kín nửa hở: “Mình thấy có người dùng ảnh của người thi hộ ép đè lên ảnh của sinh viên, như thế giám thị khó phát hiện”. Kết thúc cuộc trò chuyện, tôi đưa thẻ sinh viên của mình để nhờ C. làm thẻ theo cách thức vừa nói trên.
5 ngày sau, tôi liên lạc để hỏi C. xem đã làm xong thẻ cho tôi chưa. C. hỏi lại danh tính, nơi học, khoa, ngành cùng tuổi tác để xác nhận lại. “Cậu học khóa bao nhiêu? Khoa gì? Ai làm chủ nhiệm? Phòng công tác giáo dục thể chất và quân sự của trường cậu ở đâu? Ngày kia lấy thẻ sinh viên nhé! Mình đang nhờ người làm”. C. giải thích thêm: “Dạo này báo chí làm gắt quá nên mình phải cẩn trọng, thông cảm và vui lòng trả lời luôn giúp mình nhé”. Đọc xong tin nhắn biết là C. nghi ngờ nên tôi đã nhanh chóng trả lời đầy đủ thông tin cá nhân mà C. cần.
Sau 3 ngày chờ đợi, tôi lại liên lạc để đến xem thẻ sinh viên giả. Sau khi gặp nhau, Nguyễn Văn C. đề nghị tôi cùng đi để lấy thẻ tại một địa điểm cách đó hơn 15km. “Giờ bạn đi gặp một người bạn với mình một lát rồi lấy thẻ sinh viên luôn. Mình nhờ bạn ấy làm thẻ vì trước đây bạn ấy đã từng làm cho mình rồi”. Sau khi dẫn tôi đến một quán nước ở khu vực ngoại thành Hà Nội C. đi ra nói chuyện với một người rồi một lúc sau cầm thẻ sinh viên giả vào cho tôi xem…
Đừng đốt tương lai bằng cái lợi trước mắt
Trong năm học 2012 – 2013 Trường Đại học Ngoại ngữ phát hiện trên 10 trường hợp thi hộ, thi thuê tiếng Anh trong kỳ thi chuẩn đầu ra tiếng Anh của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi bị phát hiện 10 trường hợp này đã bị nhà trường nơi sinh viên đang theo học lập biên bản hủy kết quả thi và đình chỉ một năm học.
Theo Khoản d Điều 40 Chương VII về nghĩa vụ và quyền lợi của sinh viên trong Quy chế sinh viên của trường này áp dụng từ năm 2010 thì: “Sinh viên thi hộ hoặc nhờ người thi hộ bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập một năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai”.
Người đi thi hộ không những vi phạm quy chế mà còn có thể vi phạm pháp luật, nhất là việc làm giả giấy tờ.
Không biết những ai đã và đang đi thi hộ có nắm rõ những quy định này? Nhưng xin đừng vì cái lợi trước mắt, mà đốt đi tương lai của chính mình. Một khi đã có tiền án, tiền sự thì các cánh cửa vào tương lai gần như đóng chặt lại, khi làm lại cuộc đời thì những hối hận kia đã trở nên muộn màng.
“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.” Điều 267 Bộ luật Hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.