Nỗi đau người chồng bị vợ… đánh
Mới đây, tại phiên tòa xét xử bị cáo Đào Ngọc Phượng (SN 1977, quê Đồng Nai), khi được hỏi về nguyên nhân giết vợ, bị cáo ngập ngừng rồi nói: “Tại bị vợ đánh nhiều quá!”. Bị cáo Đào Ngọc Phượng chẳng may mắc chứng bệnh teo cơ từ nhỏ, chân tay teo tóp, đi lại khó khăn. Năm 30 tuổi Phượng kết hôn với chị Nguyễn Thị Bé, có 2 đứa con riêng. Sống với nhau một thời gian, có đứa con chung thì chị Bé bắt đầu đổi tính nết do áp lực lo cơm áo gạo tiền cho gia đình nhỏ với 5 miệng ăn.
Đổ lỗi tại vì lấy phải người chồng tàn tật mà đời mình khổ sở, vất vả như bây giờ, nhiều lần cãi nhau, chị Bé thẳng tay đánh Phượng không thương tiếc. Là người hiền lành, tốt tính, Phượng cảm thông với những vất vả của vợ nên cũng nhẫn nhịn. Nhưng “giọt nước đã tràn ly” khi ngày 12/3 vừa qua, trong lúc lời qua tiếng lại, chị Bé điên tiết tát vào mặt chồng khiến Phượng đau điếng, tối tăm mặt mũi. “Tức nước vỡ bờ”, Phượng rút dao đâm nhiều nhát vào người chị Bé khiến nạn nhân tử vong.
|
Bị cáo Đào Ngọc Phượng tại phiên tòa. |
Đối với anh L.L.S. (SN 1977, ở phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP.HCM) thì đêm 28/4 là một đêm kinh hoàng. Anh S. cho biết: “Lúc đó khoảng 23h, tôi đang làm việc trong nhà, T. vợ tôi đi chơi về gọi mở cửa. Nhưng do ngồi trong phòng máy lạnh đóng kín nên tôi không nghe thấy. Không vào được bằng cửa trước, T. vào nhà bằng cửa sau rồi lớn tiếng chửi bới, lăng mạ tôi. Thấy sự việc quá vô lý, vợ đi chơi về khuya mà còn la lối om sòm ảnh hưởng đến hàng xóm láng giềng và con cái, tôi yêu cầu T. chấm dứt việc chửi bới, xúc phạm tôi, cô ấy không dừng lại mà còn thách thức.
Quá bực mình, tôi tát T. một cái. Không ngờ cô ấy chạy qua nhà bố mẹ ruột gần đó kêu em trai, em gái và bạn trai của em gái mang theo một thanh inox hùa nhau đánh vào đầu, vào người tôi. Họ quật ngã tôi xuống đất, ba người siết chặt và giữ tôi để T. ngồi lên người đấm thẳng vào mặt, mũi, đầu làm đứt hẳn một phần bên trái môi của tôi, máu chảy đầy mặt, mũi”.
Anh S. và chị N.T.T. cưới nhau năm 2003, có ba con chung. Trong quá trình chung sống, do hai bên tính tình không hợp nên đời sống hôn nhân không được như ý, thiếu hạnh phúc, hai bên thường xuyên cãi vã, sỉ nhục nhau.
Ông Nguyễn Thành S. trú (tại Long Biên, Hà Nội) vốn là công nhân nhà máy thủy tinh. Vợ ông S. kinh doanh buôn bán ngoài chợ. Do sức khỏe yếu, ông S. về nghỉ hưu non, ở nhà cơm nước cho vợ và các con. Từ ngày ở nhà, cuộc sống của ông S như địa ngục vì bị vợ chì chiết do không kiếm được tiền. Trong chuyện chăn gối vợ chồng, cũng vì lý do này mà ông S thường xuyên bị vợ cấm vận.
Nhiều lần, ông S ra ngoài tìm việc nhưng sức khỏe không được tốt nên ông chỉ tìm được những công việc lương thấp. Vả lại, ông thương các con nếu bố đi làm thì không có ai nấu ăn cho vì mẹ suốt ngày ngồi chợ, ông lại tiếp tục cảnh làm ô sin ở nhà, chịu sự mắng chửi của vợ cho đến khi bị sang chấn tâm thần phải tìm đến Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ huyện Gia Lâm, Hà Nội để xin tư vấn và hỗ trợ tâm lý.
Kêu cứu cũng chẳng ai tin
Như vậy, đàn ông là nạn nhân của bạo hành gia đình không phải là ít, vậy tại sao trên các phương tiện thông tin đại chúng, vấn nạn này vẫn chưa được quan tâm đúng mức? Các dự án liên quan đến bạo hành gia đình vẫn dành nhiều sự quan tâm đến bạo hành phụ nữ hơn vấn đề bạo hành nam giới, có rất ít đề tài nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Các chuyên gia phải mất rất nhiều năm để khuyến khích nạn nhân nữ đối mặt và giải quyết một cách hữu hiệu nạn bạo hành gia đình, nhưng ngược lại họ hầu như không thực hiện việc gì để khuyến khích người đàn ông trình báo sự ngược đãi mà họ là nạn nhân…
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Lý giải cho thấy, nguyên nhân chính là do ý thức hệ. Suy nghĩ một người đàn ông là nạn nhân của bạo hành gia đình là điều không thể tưởng tượng nổi với xã hội. Ngay cả khi người đàn ông trình báo mình là nạn nhân thì cũng chẳng ai tin. Mọi người thường chạnh lòng xót thương khi nhìn thấy những vết thâm tím trên thân thể người phụ nữ hơn là những vết bầm trên mặt người đàn ông, vì những dấu vết đó làm người ta liên tưởng ngay đến những vụ đàn ông đánh lộn hơn là do vợ gây ra.
Đó chính là những rào cản lớn nhất khiến đàn ông luôn im lặng, dù bị vợ đánh cũng ít khi dám lên tiếng hay tìm kiếm sự giúp đỡ - theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ huyện Gia Lâm. Cũng theo bác sĩ Quyết, bạo hành gia đình đối với đàn ông không chỉ là những vết bầm tím trên cơ thể. Sự đay nghiến, chì chiết, kiểm soát tiền bạc, thời gian, cấm vận tình dục, hành hạ tinh thần, bạo hành thể xác… là những hình thức mà các bà vợ thường sử dụng khi bạo hành chồng.
Lý do để vợ bạo hành chồng cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân hơn. Theo Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam, nếu như nam giới dễ thực hiện hành vi bạo hành vì sự nóng tính thì bạo lực do phụ nữ gây ra thường có nguyên nhân phức tạp hơn. Hành vi bạo hành cơ học của nữ giới đối với nam có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như ngộ nhận về sức mạnh của bản thân, hoặc cũng có thể do không thể giải tỏa được áp lực cuộc sống hàng ngày...