Bị lìa tình cả ngàn năm chỉ vì làng kết nghĩa anh em

(PLO) - Bên con sông Như Nguyệt thơ mộng với những bãi bồi phù sa thẳng tắp, trai gái hai làng Xuân Biều và Cẩm Hoàng (xã Xuân Cẩm, Hiệp Hòa, Bắc Giang) từ xưa nổi tiếng là trai tài, gái sắc nhưng họ không được tự do yêu nhau, không thể thành vợ, thành chồng bởi tục cấm yêu từ nghìn năm nay…
Cổng làng Xuân Biều
Cổng làng Xuân Biều
Nếu có lỡ yêu nhau sâu nặng thì những mối tình ấy cũng trôi theo nước sông Như Nguyệt bởi hủ tục hà khắc nơi đây.
Có con với nhau vẫn phải chia tay
Nằm khép nép giữa cánh đồng lúa bạt ngàn, hai làng Xuân Biều và Cẩm Hoàng cách nhau chừng 2km. Mưu sinh chủ yếu bằng nghề nông và phụ xây dựng nên người dân vẫn còn nghèo xơ xác. Quấn quanh cái nghèo khó ấy là những hủ tục truyền kiếp khiến nhiều đôi trai gái hai làng lỡ yêu nhau phải chia tay, lỡ có con cũng phải rời xa nhau. 
Nếu các cặp đôi dũng cảm đề cập đến chuyện cưới xin thì người hai làng đều lắc đầu khuyên bảo, hoặc đe dọa: “Chúng mày lấy nhau thì chỉ có một là chết, hai là đi nơi khác mà sống, nghìn năm nay ở đây có ai dám lấy nhau đâu, lệ làng thế rồi đừng có mà chống đối”. 
Theo đó, trai gái hai làng luôn bị các bậc tiền bối, bố mẹ, thế hệ đi trước cấm tiệt chuyện yêu đương tình ái. Chính vì lẽ đó, trai gái Xuân Biều và Cẩm Hoàng phải giữ khoảng cách ngay khi còn tấm bé mặc dù học cùng trường, lớn lên cùng nhau, cùng tắm sông hay chăn trâu, cắt cỏ.
Người làng Xuân Biều vẫn truyền tai một bi kịch đẫm nước mắt của đôi trai tài, gái sắc vì lỡ yêu và có con với nhau nhưng vì lệ làng nên buộc phải rời xa nhau. Chị Ngô Thị Liên (44 tuổi, làng Xuân Biều) thời trẻ đi vào Đắk Lắk làm ăn và đã gặp, có tình cảm với anh Thành người Hà Tây cũ. Hai người trẻ gặp nhau nơi đất khách quê người, tình yêu đã giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà và là động lực để họ cố gắng hơn trong cuộc sống. 
Khi chị Liên phát hiện mình có thai, hai người bàn nhau về quê đăng kí kết hôn và tổ chức đám cưới. Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, về quê, họ phát hiện ra sự thực trớ trêu rằng chị Liên là người Xuân Biều, còn anh Thành có ông nội là người Cẩm Hoàng. 
Mặc dù chỉ có gốc gác Cẩm Hoàng nhưng lệ làng hà khắc cùng những lời bàn tán, phản đối của họ hàng đôi bên đã khiến đôi trai gái phải bỏ làng đi biệt xứ. Họ vào Đắk Lắk tiếp tục làm việc và sinh được một bé trai (năm nay đã 16 tuổi). 
Tưởng như những xa cách về mặt địa lý sẽ giúp cho tình yêu của họ bớt phần trở ngại. Nhưng không, họ hàng hai bên đã tìm đến nơi ở của anh chị, vừa khuyên bảo, vừa đe dọa, thậm chí chửi rủa, đe đánh chị Liên nếu không bỏ anh Thành. Trước sức ép quá lớn từ phía họ hàng, người thân rồi dân làng Xuân Biều, anh chị ngậm ngùi dứt tình. 
Chị Liên nuôi con một mình, còn anh Thành trở về Hà Tây làm ăn sinh sống và mất tại đây. Cuộc tình ngổn ngang buồn đau khiến chị Liên chẳng muốn về quê. Nhiều người Xuân Biều cho biết, vài năm chị mới về nhà thăm mẹ già và anh trai một lần.
Cứ ngỡ trong hoàn cảnh con gái bị chia lìa, đau thương thì bà Nguyễn Thị Thưỡi (78 tuổi, mẹ chị Liên) sẽ bỏ suy nghĩ cấm cản tình con nhưng bà vẫn một mực khẳng định: “Yêu thế nào được, phải cấm tiệt chứ, cả làng theo giờ mình đi ngược lại sẽ có lỗi với tổ tiên, với dân làng”. 
Anh trai chị Liên thương em gái quá nên thật thà: “Thực ra nếu chúng chỉ mới yêu nhau thôi thì cấm cản bắt bỏ tôi cũng đồng ý, nhưng chúng nó đã có con rồi mà bắt chia lìa thì có hà khắc quá không?  Cũng là cái duyên cái số đi làm ăn xa quen nhau chứ không phải biết quê của nhau vẫn cố tình yêu”.
Ghi nhận tại hai làng Xuân Biều và Cẩm Hoàng, từ xưa đến nay chưa một đôi trai gái nào dám bước qua tục lệ, chưa một đôi trai gái nào của hai làng kết hôn với nhau. Phong tục này được chính quyền xã công nhận, được Hội Người cao tuổi, các dòng họ hai làng bảo vệ qua nhiều đời và đến nay nó vẫn ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân địa phương.
Nhà anh trai chị Ngô Thị Liên, người kể lại mối tình buồn đau của chị
 Nhà anh trai chị Ngô Thị Liên,
người kể lại mối tình buồn đau của chị
Phong tục hay hủ tục?
Tương truyền, hơn 1.000 năm trước, người dân hai làng Cẩm Hoàng và Xuân Biều đã hợp sức cùng nhau đánh đuổi giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, sau cuộc chiến thì mỗi làng chỉ còn một người sống sót. Để gợi nhớ tình cảm thiêng liêng hai làng cùng nhau sống chết để giữ nước, hai người này đã kết nghĩa anh em và thề nguyền sẽ giúp đỡ nhau dù trong hoàn cảnh nào. 
Tình cảm giữa hai làng Xuân Biều và Cẩm Hoàng trở nên khăng khít, giúp đỡ nhau làm nông nghiệp, chăn nuôi, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo những lúc khó khăn. Cũng từ đó, tục cấm yêu giữa hai làng hình thành bởi theo người dân nơi đây giải thích: “Đã là anh em thì sao kết hôn được”.
Hàng năm, cứ vào ngày 3/9 và 6/9, người dân Xuân Biều và Cẩm Hoàng lại mở hội linh đình, đón rước nhau ôn lại tình anh em. Sáng 3/9, lễ rước bắt đầu từ đình làng Xuân Biều. Một người lớn tuổi trong làng được chọn ngồi lên kiệu xuôi thuyền về đình làng Cẩm Hoàng. Để đón nhận người anh về làng mình, Cẩm Hoàng sẽ có 20 người ngược sông Cầu đi qua làng Cẩm Xuyên nghênh đón, sau nghi lễ lại ngược sông Cầu về đình làng tổ chức lễ. Lễ ngày 6/9 diễn ra ngược lại.
Ngoài việc tổ chức một lễ hội văn hóa chung để nhắc lại mối kết nghĩa nghìn đời thì hai làng hiện không còn liên hệ nhiều với nhau. Dù vậy, cụ Ngô Đình Kế (90 tuổi, người làng Xuân Biều) vẫn khẳng định: “Từ nghìn đời nay tôi không thấy có đôi nào kết hôn với nhau. Làng có hương ước, Hội Người cao tuổi góp sức để bảo vệ tình anh em này”. 
Một nhà giáo về hưu đại diện cho Hội Người cao tuổi ở làng chung quan điểm: “Đây là mối tình anh em khăng khít, một phong tục từ xưa truyền lại, đến nay vẫn vẹn nguyên nét đẹp. Để tránh những hoàn cảnh đáng tiếc, trẻ ở hai làng từ khi mới biết nói đã được dạy dỗ về tình anh nên sẽ giữ khoảng cách về mặt tình cảm”.
Những người trẻ trong làng lại cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, con người sống và làm việc theo pháp luật, họ muốn được tự do làm điều mình thích, tự do yêu đương chỉ cần không vi phạm pháp luật.
Ông Ngô Trí Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm xác nhận, tình cảm anh em giữa hai làng là một phong tục tồn tại từ nghìn năm và người dân hai làng vẫn giữ được nếp tục đó. Tuy nhiên, ông Thức cũng cho rằng phong tục này có phần lạc hậu so với ngày nay và chính quyền xã Xuân Cẩm đang tích cực nghiên cứu các giải pháp, tuyên truyền cho người dân hai làng hiểu rõ để họ tôn trọng pháp luật, không ngăn cấm chuyện yêu đương của trai gái hai làng. 
“Để xóa bỏ hoàn toàn một phong tục đã ăn sâu vào đời sống tinh thần, vào máu của người dân thực sự khó hơn cả “bắc thang lên trời” nhưng chúng tôi đang nỗ lực khắc phục dần dần” - ông Thức nói.

Đọc thêm