Bí mật địa đạo Văn La

(PLVN) - Một địa đạo độc nhất vô nhị ở tỉnh Quảng Bình nằm dưới chân núi Hoàn Vũ (thôn Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh) được người dân đào từ năm 1966 để tránh bom Mỹ. Chiến tranh kết thúc, địa đạo Văn La vẫn ôm trong lòng những bí mật về cách đào hầm khiến nhiều người ngỡ ngàng dưới lớp đất cằn có khá nhiều bom đạn.
Bia di tích vinh danh: “Đây là công trình địa đạo đầu tiên và duy nhất ở Quảng Bình”. Ảnh Internet.
Bia di tích vinh danh: “Đây là công trình địa đạo đầu tiên và duy nhất ở Quảng Bình”. Ảnh Internet.

Kỹ thuật đào đá

Địa đạo Văn La còn có tên gọi khác là địa đạo Hoàn Vũ, khu địa đạo dài chừng 500 mét nằm dưới chân đồi Hoàn Vũ có địa thế hiểm trở, lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra biển, nơi đây được lại được “tàng hình” bởi cây rừng um tùm khiến cho địch khó lòng phát hiện được quân ta khi ẩn nấp trong rừng.

Theo những tư liệu lịch sử mà chúng tôi có được thì địa đạo Văn La được đào từ năm 1966, lúc này, không quân Mỹ mở những đợt cường kích vô cùng ác liệt nhằm cắt đứt đường tiếp tế từ Bắc vào Nam, làm nhuệ khí quân ta suy sụp.

Theo ông Hoàng Minh Luyên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lương Ninh thì ngày nào máy bay địch cũng bắn phá. Chúng đánh bất kể ngày hoặc đêm, không theo quy luật nào. Khi đó, hễ nghe thấy tiếng máy bay gầm rú thì kiểu gì chúng cũng lượn qua Văn La thả bom để truy quét quân ta, sau đó chúng đánh phà Quán Hàu và một số nơi trọng yếu nằm trên Quốc lộ 1A, đánh xong, chúng trở lại Văn La đánh tiếp một lượt nữa rồi mới chịu rút về.

Lối vào địa đạo Văn La (ảnh internet).
 Lối vào địa đạo Văn La (ảnh internet). 

Trước tình thế đó, lãnh đạo xã Lương Ninh 2 cũng dân địa phương đã tổ chức đào địa đào vào núi Hoàn Vũ làm chỗ cho người dân và bộ đội tránh bom. Đặc biệt, địa thế ở đây rất thuận lợi cho việc “công” và “thủ”, từ hầm có thể dễ dàng tiến ra phía đường Quốc lộ 1 nhằm đánh chặn máy bay chiến đấu của địch, nhưng khi bị tấn công dồn dập thì có thể rút vào hầm trú ẩn an toàn.

Tuy nhiên, núi Hoàn Vũ lại có cấu tạo bằng đá phấn, đá sỏi và đá bàn, trong khi lược lượng địa phương không có bất kỳ một loại phương tiện hiện đại nào như máy khoan để đào hầm. Điều này khiến cho nhiều người coi việc đào hầm là chuyện không tưởng.

Mệ Hoàng Thị Thèn (73 tuổi), một trong hai nữ dân quân cuối cùng trực tiếp đào hầm còn sống kể lại: “Khi đào phải đá phấn thì chúng tôi lấy nước tát vào làm đá ngấm nước rồi đục dần, nếu gặp đá xanh thì phải dùng đục sắt lựa từng kẽ đá sau đó đánh bung từng tảng. Sau một năm, hàng chục công nhân ra sức đào hầm mới khoét được vào lòng đất chưa đầy 100m.

 

Hồi đó chỉ huy chúng tôi là ông Thịu, ông ấy đã hy sinh khi chống giặc, chính ông ấy là người đã nghĩ ra cách tát nước vào đá phấn và đục dần. Việc đào được hầm vào trong núi Hoàn Vũ là việc làm không tưởng. Sau này, lãnh đạo địa phương còn tròn mắt cảm phục lòng quyết tâm của chúng tôi”.

Theo mệ Thèn thì sau khi đào được 100m hầm, lãnh đạo địa phương quyết định đào xuyên lòng núi Hoàn Vũ với 3 cửa theo hướng Nam, Đông và một cửa khác dẫn lên đỉnh núi. Trong hầm còn có cả trạm xã dã chiến, khu chỉ huy tiền phương để chống lại máy bay địch, phương pháp đào hầm vẫn như cũ, tức là vừa phun nước vào đá phấn vừa đào, chỉ trong vòng vài tháng huy động lực lượng với khoảng 10 người/ 1 ca đào liên tục mà đã thông được đến khoảng 300m hầm tiếp theo, đảm bảo an toàn cho toàn bộ dân làng Văn La, bộ đội địa phương...

Bí mật hố bom ngàn cân

Gần địa đạo Văn La là bến phà Quán Hàu, đây là tử huyệt nằm trên tuyến đường tiếp tế từ Bắc vào Nam, vì thế Mỹ đêm ngày cho máy bay đến đánh phá. Từ khi địa đạo Văn La được hoàn thành, việc tổ chức chỉ huy đánh chặn máy bay địch, hạn chế thiệt hại về người và tài sản khiến cho Mỹ càng đẩy mạnh cường độ đánh phá, chúng đánh cả ngày lẫn đêm.

Mỗi khi máy bay địch oanh kích, dân thường chạy vào địa đạo Văn La trú ẩn, bộ đội và dân công tổ chức đánh chặn máy may địch, nếu chúng đánh mạnh thì rút vào địa đạo Văn La để bảo toàn lực lượng, chúng rút đi quân ta lại ra sửa chữa đường, cầu cống...

Ông Hoàng Minh Luyên cho biết: “Khi Mỹ phát hiện ra quân, dân ta trú ngụ đông ở địa đạo Văn La, chúng đã biến nơi đây thành một trong những trọng điểm đánh phá nhằm xóa sổ căn cứ quan trọng này, cắt đứt tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam, chúng thả xuống đây đủ các loại bom, từ bom tấn, bom tạ cho đến bom bi... Hiểm họa để lại cho đến tận ngày nay đó là hàng tấn bom bi chưa nổ vẫn còn nằm ẩn dật dưới lòng đất. Có những thời điểm, dân địa phương phải bỏ những quả bom bi vào rổ rồi đổ vào bụi tre, luồng...”.

Bên trong địa đạo nhiều nơi thoáng rộng có thể mắc võng nằm.
Bên trong địa đạo nhiều nơi thoáng rộng có thể mắc võng nằm. 

Ông Luyên lo lắng cho biết: “Đến tận ngày hôm nay hiểm họa đó vẫn còn y nguyên, đó là một hố bom bi với số lượng khoảng 1 tấn được chôn sâu cách mặt đất khoảng 2m nằm lẫn trong khu dân cư. Bom bi ở đây gồm có hai loại, một loại có cánh và loại không có cánh, kích thước to như nắm tay người. Lúc còn làm lãnh đạo xã thấy bom bi còn sót lại nhiều quá tôi đã huy động một số người dân đào một cái hố sâu rồi nhặt bom bi đổ xuống, đích thân tôi cũng nhặt cùng bà con đổ xuống cái hố này”.

Dẫn chúng tôi đến một mô đất cao nằm ngay cạnh cổng vào của đài tưởng niệm liệt sĩ, ông Luyên vạch đám cỏ dại rồi hướng về một gốc cây keo vừa bị bão số 10 bẻ gãy bảo: “Dưới gốc cây keo này chính là hố bom bà chúng tôi đã chôn. Nếu hố bom này phát nổ thì vô cùng nguy hiểm với dân làng”.

Trải qua thời gian, hố bom vẫn ẩn mình dưới lòng đất, nếu không may có người đụng vào thì có thể sẽ phát nổ, lúc đó hậu quả sẽ vô cùng tai hại.

Ông Luyên cho biết: “Trước đây, tôi đã báo cáo lên cấp trên về hố bom nguy hiểm nằm cạnh địa đạo Văn La, sau đó ít lâu cũng có một đội rà phá bom mìn về để dò nhưng không phát hiện được gì. Sau đó, những đoàn dò sắt vụn cũng đến nhưng vẫn không phát hiện ra, có lẽ do hố bom ở sâu quá nên làm cho máy dò khó phát hiện”.

Đọc thêm