Bí quyết để tuổi già không nhàm chán của đôi vợ chồng U70

(PLO) -Mặc dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng gần chục năm qua, ông  Đinh Xuân Toàn  tự nguyện làm "vệ sĩ" cho vợ mình là bà Lê Thị Xuân (Đào Tấn, Hà Nội)  rong ruổi trên chiếc xe đạp đi khắp mọi miền Tổ quốc. Vợ chồng ông đã có những chuyến đi lên đến hơn 20.000km. 
Với chiếc xe đạp vợ chồng ông bà song hành cùng nhau bên nhiều chuyến xuyên Việt.
Với chiếc xe đạp vợ chồng ông bà song hành cùng nhau bên nhiều chuyến xuyên Việt.

Tình già mê "xê dịch" bằng xe đạp

Ít ai ngờ rằng, giữa lòng Hà Nội xô bồ, trong căn nhà nhỏ lại có một câu chuyện tình lãng mạn, thắm thiết của đôi vợ chồng già, là niềm ao ước của bao người trong tình yêu lứa đôi. Chúng tôi tìm đến nhà ông Toàn (75 tuổi), bà Xuân (68 tuổi) đúng lúc cả hai đang chăm chút cho vườn rau xanh mướt mát trên sân thượng của ngôi nhà bốn tầng. Nhìn cách ông bà lao động đủ thấy tuổi già của họ có ý nghĩa đến nhường nào.

Ở cái tuổi “ngấp nghé” về già, ông Toàn và bà Xuân vẫn còn ham mê xê dịch. Hỏi về chuyện sắp già mà vẫn ham đi, ham học hỏi như đám thanh niên, ông Toàn không nhận mình già, không chấp nhận tuổi tác, và trong thâm tâm ông lúc nào cũng tâm niệm một điều: “Đừng bao giờ nghĩ mình già nua, nó sẽ chỉ khiến chúng ta nghĩ đến sự yếu ớt và trì trệ. Chúng ta phải để tâm hồn trẻ trung và tâm trí minh mẫn bằng việc di chuyển”.

 Năm 2004, bà Xuân tình cờ biết đến Câu lạc bộ người cao tuổi đạp xe xuyên Việt, bà đã đăng ký tham gia. Sinh hoạt và tập luyện đến năm 2005 thì bà được tham gia chuyến đạp xe xuyên Việt đầu tiên.

Chuyến đi đầu có nhiều bỡ ngỡ, ban đầu bà Xuân không biết vì sao mình còn trẻ, khỏe nhất đoàn mà luôn bị thụt lùi phía sau. Nhiều ngày để ý bà phát hiện ra chiếc xe đạp vành nhỏ là nguyên nhân khiến bà luôn đi chậm nhất đoàn. Nếu xe bà đạp hai vòng thì xe các thành viên khác chỉ cần một vòng, đỡ mất sức, lại đi nhanh hơn.

"Phát hiện thấy vậy, ngay lập tức tôi gọi về cho chồng nhờ tìm mua loại xe Nhật bãi, vành to. Đến khi đoàn từ Lạng Sơn về Sơn Tây (Hà Nội) để vào miền Nam thì ông nhà tôi gửi xe lên. Từ khi có cái xe vành to, tôi cứ đi băng băng, nhàn lắm", bà Xuân chia sẻ.

Không còn một địa danh nào trên bản đồ Việt Nam mà ông bà chưa từng đặt chân tới.
Không còn một địa danh nào trên bản đồ Việt Nam mà ông bà chưa từng đặt chân tới.

Mãi cho đến năm 2009, khi chính thức nghỉ hưu, ông Toàn bắt đầu chia sẻ niềm say mê đạp xe xuyên Việt cùng với vợ. Từ đó đến nay, chuyến đi nào của hội cũng có sự xuất hiện của cả hai ông bà. Ví dụ như, chuyến đi vòng quanh đất nước trong 115 ngày năm 2010 hay chuyến đi Điện Biên Phủ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên (2014),...

Để có đủ sức khỏe tham gia những chuyến đi như vậy, mỗi sáng ông bà đều đạp xe vòng quanh Hồ Tây. Quãng đường mà có người đi bằng xe máy còn cảm thấy dài nhưng được ông Toàn miêu tả là "có mỗi 26km ấy mà".

Bà Xuân hào hứng kể về những chuyến đi suốt nhiều năm qua: “Không thể nhớ nổi là tôi đã tham gia bao nhiêu chuyến đi xuyên Việt, đã có quá nhiều nơi in dấu chân của hai vợ chồng tôi rồi. Hầu như chuyến đi nào của chúng tôi cũng dài, ít thì một tháng, dài hơn thì hai, ba tháng.

Nguyên tắc của đoàn là đạp xe “nghiêm túc”, nghĩa là không có chuyện di chuyển bằng phương tiện khác trong suốt chuyến đi, trừ trường hợp ai đó bị ốm nặng, không thể đạp xe nổi nữa, đoàn sẽ để người đó về nhà. Nhưng cả chục năm nay, tôi chưa thấy trường hợp nào như thế cả.

Trung bình mỗi ngày chúng tôi đạp khoảng 70 – 80km, có lần “hăng” nhất là đi một mạch 186 km mới nghỉ chặng. Tới các địa phương, chúng tôi cũng có chút quà tặng một số gia đình chính sách, trẻ em mồ côi.”

Đi để “hộ tống” vợ và hâm nóng tình yêu

Hỏi ông Toàn đạp xe có phải là sở thích của ông hay không mà sau khi nghỉ hưu, ông cũng theo vợ đạp xe rong ruổi khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, ông trả lời: "Thực sự thì tôi cũng không biết mình có đam mê đó hay không. Nhưng lý do trước tiên phải kể đến là vì lo cho sức khỏe và những tình huống rủi ro bất ngờ có thể xảy ra với bà ấy trên đường đi”.

 Với lý do đó khi nghỉ công tác ông Toàn cũng gia nhập Câu lạc bộ Người cao tuổi đạp xe xuyên Việt nhưng không phải với tư cách là thành viên mà chỉ là người "hộ tống" cho vợ. Trong mỗi chuyến hành trình, ông Toàn luôn đi sau xe vợ, đẩy xe giúp bà lúc lên dốc, bóp chân tay cho vợ mỗi chặng dừng chân. Ông bà kể, đến những chặng nghỉ có điều kiện ngủ phòng riêng, đoàn đều bố trí “ưu tiên” cho  vợ chồng ở cùng phòng, vì ông bà là đôi vợ chồng duy nhất cùng tham gia hội đạp xe. 

Đưa ánh mắt trìu mến nhìn chồng, bà Xuân bảo: “Từ hồi có ông Toàn đi cùng, mọi người trong đoàn cứ trêu, nhưng tôi bảo, đấy là ông ấy “giảm tải” cho các cụ, đi đường xa xôi, nhỡ xảy ra chuyện gì với tôi đã có ông ấy lo, không thì phải “ăn vạ” các cụ à? Đùa vậy thôi, chứ ngần ấy năm, tôi đi cả trăm chuyến mà đoàn tôi chưa bao giờ gặp một trận mưa, chuyến nào đi về cũng tròn trĩnh cả”.

Có một điều lạ, dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vợ chồng ông bà vẫn xưng hô với nhau như hồi còn trẻ. Ông, bà gọi nhau anh em rất ngọt ngào khiến người ngoài nghe phải ngưỡng mộ. Khi bà Xuân kể lại những kỷ niệm trong mỗi chuyến đi, ông Toàn nhìn vợ nói với giọng đầy yêu thương: "Sao em không kể cho cháu nghe cái lần em bị lạc ở Tiền Giang rồi gọi điện về khóc với anh, làm anh và các con lo phát hoảng đi".

Nói rồi ông Toàn tiếp lời: “Trước đó, mỗi khi bà ấy lên đường là tôi lại lo mất ăn mất ngủ. Nhất là cái lần bà ấy bị lạc rồi gọi điện về khóc nức nở làm tôi hoảng lắm. Hơn nữa, ngày xưa khi còn trẻ thì phải xa nhau biền biệt. Vì thế mà lúc nào tôi cũng thấy áy náy với vợ, lúc nào cũng muốn bù đắp cho bà ấy bớt thiệt thòi". Đến lúc về già tôi muốn bù đắp, muốn được ở bên cạnh để chăm sóc và quan tâm bà ấy".

Bí quyết giữ tình già bền lâu

Với ông Toàn bà Xuân, hạnh phúc không chỉ ở những ngày rong ruổi trên xe đạp mà ở ngay trước hiên nhà. Một ngày, hai ông bà luôn cùng nhau thức dậy, đạp xe một vòng quanh hồ Tây, về nhà chăm vườn rau, ăn sáng rồi tập khí công.

Ngoài đạp xe, thì trồng rau cũng là niềm đam mê của ông bà
Ngoài đạp xe, thì trồng rau cũng là niềm đam mê của ông bà

Buổi chiều, họ đi dạo, đi thăm bạn bè, con cái rồi lại ra chăm chút vườn rau. Mọi khoảng trống trên ban công, sân thượng của ngôi nhà bốn tầng đều được vợ chồng ông tận dụng để trồng rau xanh. Bà Xuân khoe, suốt mấy năm nay, ông bà cùng gia đình ba người con không phải ăn một cọng rau nào ở chợ, kể cả rau gia vị. 

Bà Xuân chuyên việc gieo rau, bắt sâu, còn ông Toàn lo việc tưới nước. Để tiện cho những chuyến xê dịch dài ngày, ông Toàn tự sáng chế ra một hệ thống tưới nước, “nhả” vít cho nước chảy từng giọt xuống các ô trồng, đảm bảo rau củ trong nhà vẫn đủ nước tưới. Lúc nào ông bà cũng vừa làm vừa trò chuyện, đọc báo xem tivi. 

Cuộc sống thường ngày của ông bà diễn ra xung quanh ngôi nhà xưa, từng món đồ cũ vẫn ghi dấu những kỷ niệm của ông bà, thậm chí có kỷ vật bằng tuổi mối tình của hai người. Đó là chiếc chăn đã gắn bó với ông bà suốt 60 năm, tuy đã rách nhưng ghi dấu rất nhiều kỉ niệm: “Ông nhà tôi đạp xe mua tặng tôi chiếc chăn và nói với tôi là đó là chiếc chăn chúng ta sẽ đắp với nhau khi cưới, cho đến bây giờ mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn thấy hạnh phúc”, bà Xuân chia sẻ.

Chia sẻ về bí quyết gìn giữ cuộc hôn nhân hạnh phúc đến đầu bạc răng long, ông bà tâm sự: “Để giữ lửa tình yêu đơn giản chỉ là tôn trọng nhau, luôn đối thoại và ủng hộ đam mê của nhau. Cuộc sống vốn nhiều phức tạp và không phải lúc nào cũng như mình mong muốn, biết dành cho nhau những yêu thương và đặt địa vị vào người khác thì cuộc sống dường như sẽ nhẹ nhàng hơn. Động viên sẻ chia những ngọt bùi trong cuộc sống, dù cho khó khăn thế nào vẫn cố gắng nắm chặt tay nhau để bước qua”. 

Thật khó để tìm được một tình yêu như thế, ở một độ tuổi như thế, hiện tại vợ chồng ông bà vẫn luôn dành cho nhau những nụ cười, ánh mắt trìu mến yêu thương trên khuôn mặt đã in đầy dấu vết thời gian. Đã hơn 50 năm quen nhau và về chung một mái nhà, nhưng chưa bao giờ ông quên những cái nắm tay thật tình cảm, vẫn đều đặn chải tóc cho bà, và rồi họ cùng nhau mỉm cười hạnh phúc. 

Đọc thêm