Mang thai khi tuổi đã “xế chiều”…
Chúng tôi tìm đến khu phố Trần Quốc Toản (Hà Nội), nơi vợ chồng bà Đinh Thị Hường (56 tuổi) và ông Nguyễn Bình Minh (66 tuổi) đang sống cùng hai bé gái sinh đôi dễ thương.
Chúng tôi gặp gia đình bà Hường, khi hai vợ chồng đang chơi cùng các con ở khu vui chơi dành cho trẻ nhỏ. Hai cô con gái sinh đôi gần 3 tuổi reo hò khắp phòng, vợ chồng bà Hường hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt đã đầy nếp nhăn và mái tóc lấm tấm bạc.
Trong lúc vui đùa, có những lúc hai đứa trẻ nhỏ thi nhau lao về phía ông Minh nũng nịu đòi bế. Ông choàng tay, ôm hai cô con gái vào lòng rồi hít hà lên mái tóc của chúng. Tiếng bi bô, cưng nựng của cha con họ rộn ràng khiến không chỉ tôi mà nhiều người có mặt ở đó cũng cảm nhận được niềm vui, sự hạnh phúc của gia đình họ.
Vừa dỗ dành chơi với hai con, ông Minh ngượng ngùng nói: “Người ta nhìn cảnh này cứ hay trêu là ông chăm cháu, mà ở tuổi tôi thì như vậy cũng là phải nên tôi chỉ cười trừ. Ở độ tuổi này mới sinh con cũng khá vất vả, nhưng ngược lại, vợ chồng tôi sung sướng đến tột cùng và thấy nó là cả một kỳ tích”.
Khẽ mỉm cười khi nghe chia sẻ của chồng, bà Hường cũng tâm sự, cuộc sống của ông bà khi mới có hai đứa trẻ đảo lộn rất nhiều. Khổ nhất là những lúc giải thích cho mọi người, vì nhiều người không tin khi thấy ông bà có con ở tuổi này.
“Mỗi lúc đẩy xe đưa hai con đi chơi, người quen thì không sao chứ người lạ, ai cũng hỏi: “Cháu nội hay cháu ngoại” hay “bà làm osin cho nhà ai thế, bà đi trông con à”, nói dối thì không phải, nên nhiều khi tôi phải trả lời tránh đi vì không muốn mọi người tò mò hay chú ý”, bà Hường kể.
Được biết, bà Hường kết hôn với ông Minh cách đây đã 10 năm. Khi đó bà đang là phó chủ nhiệm khoa Nội thận - Tiết niệu (Bệnh viện Hà Đông, Hà Nội), còn ông Minh là kỹ sư ôtô vừa nghỉ hưu.
Theo lời bà Hường chia sẻ, những năm tuổi trẻ bà cũng có nhiều mối đến hỏi nhưng người ưng thì mẹ lại không ưng hoặc ngược lại. Bận bịu công việc, ngày tháng cũng qua nhanh, đã có lúc bà đã nghĩ sẽ ở vậy chăm mẹ già. Nhân duyên chợt đến vào năm 2006, khi bà được làm mối với ông Minh, lúc đó bà đã 46 tuổi. Hai bên gia đình hết sức vun vào, ủng hộ nên bà Hường cũng xuôi, lập gia đình khi đã đứng tuổi.
Bà Hường tâm sự: “Khi đó, tôi mủi lòng trước hoàn cảnh người đàn ông có vợ đi xuất khẩu lao động rồi lấy luôn chồng nước ngoài. Suốt mấy chục năm ông ở vậy, gà trống nuôi con trưởng thành, lập gia đình. Người đàn ông như vậy rất hiếm. Hơn nữa, nhìn khuôn mặt ông hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ nên tôi cũng cảm mến ngay lần đầu gặp mặt”.
Cũng theo lời bà Hường, mặc dù ông bà cưới nhau khi cả hai đã vượt xa độ tuổi tứ tuần nhưng hai vợ chồng vẫn nuôi dưỡng giấc mơ về những đứa trẻ. Nhìn hai con gái vui vẻ nô đùa, bà Hường mỉm cười mãn nguyện bởi đó là kết quả mà hai vợ chồng bà đã vất vả suốt gần 10 năm chạy chữa các nơi để có được “mụn con”.
“Lấy nhau được vài năm nhưng tôi vẫn không có thai nên hai vợ chồng đưa nhau đi khám. Khi đó, tôi phát hiện có nhân xơ to 5,6cm trong tử cung và phải điều trị ngay”, bà Hường chia sẻ.
Khi đã điều trị xong, vợ chồng bà Hường lại tiếp tục hành trình đi khám vô sinh. “Nhiều lúc cũng thấy tủi thân lắm khi mỗi lần đi khám mọi người lại bảo ở tuổi này còn sinh con làm gì nữa. Có người còn lắc đầu với thái độ dửng dưng khiến vợ chồng tôi không khỏi chạnh lòng”, bà Hường kể lại.
Sau nhiều năm chữa chạy khắp các nơi, ở tuổi 53, bà Hường phát hiện mình có những dấu hiệu tiền mãn kinh. Là bác sĩ nên bà càng hiểu rõ việc có con không thể chậm trễ được nữa.
Vì vậy, vợ chồng bà quyết định tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để chữa trị. Ở đây, các bác sĩ rất nhiệt tình nên ông bà càng có thêm động lực để cố gắng. May mắn hơn khi quá trình thụ tinh trong ống nghiệm diễn ra suôn sẻ và bà đã có thai.
“Tôi vỡ òa vì sung sướng, cảm giác nghèn nghẹn nơi cổ họng vì hạnh phúc không nói nên lời. Chồng thì xúc động cứ nắm tay bóp mạnh mãi không thả, ánh mắt hân hoan ngân ngấn như muốn khóc. Quả thực 7 năm lấy và chung sống với nhau, chưa khi nào tôi thấy chồng biểu hiện cảm xúc mạnh mẽ đến vậy”, bà Hường hạnh phúc nhớ lại.
Ngồi bên cạnh vợ, ông Minh nói xen vào: “Thú thực, khi nghe bác sĩ nói vợ đậu thai đôi, tôi đã muốn òa khóc như một đứa trẻ. Cả ngày hôm đó, tôi đứng ngồi không yên. Đó có lẽ là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Còn vợ tôi, khỏi phải nói, bà ấy cứ cười nói suốt”.
|
Ông Minh chơi cùng hai con gái. |
Dạy con tự lập ngay từ khi còn nhỏ
“Thương vợ mang thai đúng vào thời điểm được giao trọng trách phát triển khoa Nội thận - Tiết niệu. Vừa đảm nhiệm việc quản lý, vừa lo chuyên môn nên bà ấy vô cùng bận bịu, không hề được nghỉ ngơi hay tẩm bổ như người khác. Tuy vậy, bà ăn uống rất điều độ và khoa học”, ông Minh cho biết.
Niềm vui của đôi vợ chồng già ngày một nhân lên cùng những tin tốt đẹp của thai kỳ. Đến tháng 11/2013, bà Hường đã sinh hai bé gái, bé lớn được đặt tên Tố Nga (nặng 3kg), bé nhỏ tên Kim Ngân (nặng 2,5kg).
Tuy là bác sĩ nhưng lần đầu sinh con nên bà Hường không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Bản thân bà còn mắc phải sai lầm mà đến giờ, bà vẫn day dứt mãi. “Sinh các con được hơn chục ngày, tôi thấy mình vẫn bị nhiễm khuẩn tiết niệu nên dùng thêm kháng sinh. Sau đó, lượng sữa ít dần, thành thử hai con chỉ bú được đến tháng thứ 6 thì hết sữa. Nghĩ lại, tôi cứ tự trách mình mãi”, người mẹ kể.
Còn ông Minh chia sẻ thêm, dù từng làm bố rồi nhưng lần này ông vẫn thấy mới mẻ như lần đầu: “Mỗi lúc con khóc đêm hay ọ oẹ là tim tôi run bần bật, đầu căng như dây đàn. Có hôm hai con “bắt nạt” tôi, vì sinh đôi nên hai con rất giống nhau, cứ gọi chị là em lại đòi theo và ngược lại, khiến tôi luống cuống không biết phải làm như nào. Trộm vía, bình thường hai đứa ăn khá ngoan, chứ nhiều hôm con ốm, chỉ mình tôi ở nhà đánh vật với hai con cũng khá vất”.
Hiện tại, ông Minh mở một cửa hàng sửa xe, kiếm thêm thu nhập chi tiêu hằng ngày. Bà Hường tuy đã nghỉ hưu nhưng thỉnh thoảng vẫn đi làm thêm tại các bệnh viện, phòng khám. Bà dự định sẽ đi học thêm để mở một phòng khám tư.
Nhiều người cho rằng, việc ông bà Hường sinh con sẽ là một thiệt thòi cho các cháu nhưng bà Hường thẳng thắn cho biết: “Đó là điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến khi bắt đầu hành trình tìm con. Chúng tôi đã già, chẳng biết sẽ sống được bao lâu.
Tuy nhiên, chúng tôi coi con cái đến với mình là cái duyên, là món quà trời ban. Hiện hai vợ chồng tôi đều xác định sẽ nuôi dạy hai con tự lập từ nhỏ. Giờ cứ tính trời thương cho tôi sống đến 70 tuổi, thì các con cũng đã 17,18 tuổi, vậy cũng đủ để hai con khôn lớn và tự chăm lo cho mình khi không còn bố mẹ bên cạnh”.
Ở tuổi của bà Hường và ông Minh mới chăm con mọn nên cũng có nhiều khó khăn, nhất là lúc sinh con bà chưa nghỉ hưu. Khi vợ đi làm thì mọi việc quấy bột, pha sữa, thay bỉm cho con đều dồn hết lên người đàn ông đã ngoài 60 tuổi. Hết giờ làm, bà Hường cũng hối hả về nhà.
“Tuy vất vả nhưng nhìn thấy các con lớn lên từng ngày, xinh xắn và nhanh nhẹn, nghe thấy tiếng cười đùa của chúng mỗi ngày là mọi mệt mỏi của vợ chồng tôi đều như tan biến cả”, ông Minh mỉm cười chia sẻ.