Chiếc xuồng khi đặt tấm cà-rèm lên trên làm nóc thì có thể được dùng làm nhà di động trên sông cho những cặp vợ chồng chuyên nghề câu, lưới, lọp, lờ… Hoặc khi chiếc xuồng đã sử dụng lâu năm, cây-ván bị mục, người ta kéo lên bờ đổ vào một mớ đất để trồng hành, ớt, rau màu, hoa kiểng… Từ đó cho thấy công dụng của chiếc xuồng thật đa dạng và phong phú!
Mùa nước nổi năm nay, có dịp trở lại làng nghề đóng xuồng ở Rạch Bà Đài (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), chúng tôi đã chứng kiến cảnh mua bán, sản xuất xuồng ế ẩm của một làng nghề có bề dày truyền thống đã tồn tại gần thế kỷ qua. Đây là nghề tự phát, theo kiểu “cha truyền con nối” nên nghề đóng xuồng ở đây đã phải trải qua nhiều thăng trầm, trong khi chất lượng của những chiếc xuồng “made in Rạch Bà Đài” rất khó nói!
Nghề đóng xuồng đòi hỏi tay nghề cao, có bí quyết kỹ thuật riêng với thiên tư, sự khéo léo để tạo nên những chiếc xuồng vừa đẹp, vừa chắc chắn từ khung xương, lườn xuồng - ghe phải cân bằng tuyệt đối...
Một người thợ ở ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu đã có trên 30 năm trong nghề, tâm sự: “Nghề đóng xuồng mấy mươi năm nay của gia đình tôi vẫn không khá nổi, vì không có vốn phải đi vay nóng, tiền lời chia đôi cho các chủ nợ, cho nên còn đóng xuồng là còn tiền chi tiêu, ngưng đóng xuồng là coi như trắng tay. Gia đình tôi được xét vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nên có lưng vốn mua gỗ đóng xuồng, không phải vay nóng như những năm trước”.
Mùa đóng xuồng cao điểm nhất là từ đầu tháng 4 âm lịch đến khoảng rằm tháng 5 trở đi là bán chạy, không kịp giao cho thương lái. Mỗi chuyến giao trung bình từ 50 - 70 chiếc. Có chuyến, thương lái lấy trên 100 chiếc xuồng các loại để đem đi tiêu thụ khắp nơi.
Khoảng cuối tháng 8 âm lịch, nhịp độ đóng xuồng chậm lại. Nhưng gặp năm lũ lớn, nhu cầu đóng xuồng tăng cao để giao cho các hội, đoàn thể, cơ quan, tổ chức từ thiện... đặt đóng để cứu trợ cho người nghèo, không phương tiện sinh sống, không công ăn việc làm nên việc đóng xuồng kéo dài cho đến tháng 10, làm cả ngày lẫn đêm, xuồng sản xuất ra không kịp giao cho khách hàng đến tận cơ sở đặt mua.
Ông Đặng Văn Kính, chủ cơ sở đóng xuồng ở Rạch Bà Đài bày tỏ: “Tôi năm nay đã hơn 60 tuổi rồi và đã hành nghề đóng xuồng-ghe gần nửa thế kỷ qua nên đã từng chứng kiến bao cảnh thăng trầm của làng nghề này. Bây giờ, đã có nhiều loại ghe-xuồng được sản xuất bằng nhựa composit nhưng người dân miệt sông nước Nam bộ vẫn ưa chuộng loại ghe-xuồng truyền thống bằng gỗ hơn. Bởi, loại xuồng gỗ vừa rẻ, vừa dễ sử dụng và khó bị lật chìm khi bị sự cố hơn xuồng nhựa”.
Tại xã Long Hậu hiện có cả trăm hộ hành nghề đóng xuồng. Trong đó, chỉ có khoảng 1/3 tổng số hộ trên mới có điều kiện duy trì nghề đóng xuồng quanh năm. Những hộ còn lại chỉ tập trung làm theo mùa, bởi do thiếu vốn mua gỗ... Vào mùa lũ, đông đảo cơ sở đóng xuồng bắt tay vào việc sản xuất rất nhộn nhịp nên đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi ở địa phương và các vùng lân cận.
Xuồng ở Rạch Bà Đài được đóng thành nhiều kiểu dáng như : Xuồng cui, xuồng vỏ gáo, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá... tùy theo thị hiếu sử dụng của người trong và ngoài tỉnh. Bán chạy nhất là xuồng gỗ sao, gỗ sến, với kích cỡ 4,5m - 6,5m giá bán dao động từ 1.700.000đ đến trên 2.000.000đ/chiếc. Còn xuồng lớn, gỗ tốt bán từ 2,5 - 3 triệu đồng/chiếc.
Ngay từ tháng 2, tháng 3 âm lịch, các cơ sở đã chuẩn bị mua cây - gỗ, vật liệu sẵn. Bởi thời điểm này cây rẻ, nước chưa lên, có thể tận dụng phần gốc 0,5 - 0,6m để làm cong, bửng (còn gọi là nội tâm). Nếu nước lên, giá cây đắt, mỗi cây sao bề hoành cỡ 0,7m mua với giá bình quân trên dưới 7 triệu đồng, có thể đóng được 5 chiếc xuồng, bán mỗi chiếc trên dưới 2.000.000đồng, trừ tất cả chi phí, công thợ còn lời từ 150.000 - 200.000đ/chiếc.
Vì vậy, người thợ không có vốn chỉ có nước đi đóng mướn ăn công nhật mà thôi. Trung bình một ngày đêm, người thợ sản xuất được 2 chiếc xuồng, tiền công cả trăm ngàn đồng/chiếc. Ngoài ra, người thợ còn được bao luôn cơm, nước tại chỗ. Vậy, mỗi người thợ có mức thu nhập trên 120.000đồng/ngày. Đúng là nguồn thu nhập khá hấp dẫn.
Năm nay, diễn biến thời tiết khá phức tạp, nước từ thượng nguồn sông Cửu Long về trễ, nước lên chậm và mực nước thấp, nhiều cơ sở đóng xuồng ở Rạch Bà Đài cho biết, do nước lũ năm nay nhỏ nên làng nghề rất ế ẩm. Từ rằm tháng 7 âm lịch đến nay, có ít thương lái đã đến đặt tiền cọc mua chỉ vài chục chiếc xuồng các loại để bán cho các nhà hảo tâm tặng cho những hộ nghèo có phương tiện mưu sinh vào mùa nước nổi.
Ông Hồ Văn Phúc, chủ cơ sở đóng xuồng ở Rạch Bà Đài, ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu chia sẻ về lo ngại cho làng nghề: “Cứ không có lũ và không có chính sách hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương thì làng nghề đóng xuồng nổi tiếng cả trăm năm nay sẽ bị mai một”. Chị Đỗ Kim Huệ tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi có một trại đóng xuồng do thiếu vốn nên đành chuyển sang làm nghề “lái xuồng”. Theo kinh nghiệm, năm nào lũ lớn xuồng -ghe bán chạy, mỗi chiếc có thể lời trên dưới 100.000đ; còn năm nào gặp nước lũ nhỏ xuồng - ghe bán chậm thì khoản lời giảm xuống phân nửa”.
Chiếc xuồng là phương tiện đi lại, chuyên chở hàng hóa rất thông dụng của người dân lao động miền sông nước Nam bộ; đồng thời là phương tiện dùng để đánh bắt thủy sản mùa lũ. Do vậy, việc phát triển và mở rộng làng nghề đóng xuồng ở Rạch Bà Đài là rất cần thiết. Điều đáng mừng là vào cuối năm 2014, làng nghề đóng xuồng Rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Những năm gần đây, Huyện Đoàn Lai Vung đã nhận được nguồn vốn hàng trăm triệu đồng của tỉnh đưa về để phát triển nghề đóng xuồng và trồng nấm rơm ở làng nghề xã Long Hậu. Huyện Đoàn đã xét cho hàng chục thanh niên vay phát triển nghề đóng xuồng và đã phát huy hiệu quả. Nhờ đó đã tạo điều kiện giúp đỡ phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp - nổi bật là thúc đẩy làng nghề đóng xuồng Rạch Bà Đài phát triển, nhằm nâng cao mức thu nhập cho người dân...