Đặc biệt, những năm gần đây, tài sản của vị tỷ phú này liên tục “phình to” nhờ cổ phiếu tăng giá. “Đế chế” thời trang Zara của ông hiện đã có 6.500 cửa hàng tại 88 quốc gia trên thế giới, doanh thu mỗi năm đạt hơn 18 tỷ Euro.
Tuổi thơ khốn khó
Khác với phần lớn các tỷ phú châu Âu khác giàu có nhờ tài sản của gia đình, Amancio Ortega có một tuổi thơ rất khốn khó. Ông là người con thứ 4 sinh ra trong một gia đình có bố làm công nhân đường sắt, còn mẹ làm nội trợ. Năm 8 tuổi, Ortega chuyển đến La Coruna, một thành phố cảng nghèo, trị an lỏng lẻo và những tệ nạn buôn lậu, nơi chứa chất những kẻ du thủ du thực, thời điểm đó người ta gọi cảng này là "vùng đất hỗn loạn".
Trong cuốn hồi ký về cuộc đời mình, vào một buổi chiều năm 1948, mẹ của ông dắt ông đến một tiệm tạp hóa, ông chủ ở đó nói với bà "Này chị, tôi không thể cho chị mua chịu được nữa". Kết quả là bữa tối hôm đó, gia đình ông không có gì để ăn. Tình cảnh quá thiếu thốn khiến ông bỏ học ở tuổi 13 và sau đó đến làm việc tại một cửa hàng bán quần áo ở La Coruna. Công việc hàng ngày là phụ trách vận chuyển các trang phục và vải vóc.
Chính tại nơi này, ông tìm thấy niềm yêu thích của mình đối với các sản phẩm may mặc, và không ngừng học hỏi, sáng tạo ra các mẫu quần áo của riêng mình. Mối lương duyên của ông với người bạn đời Rosalia Mera cũng bắt đầu tại đây. Lúc đầu, với số vốn ít ỏi, Amancio đã mở xưởng may tư nhân nhỏ, nhận may đồ theo đơn đặt hàng và sản xuất quần áo may sẵn. Gia đình ông đã cùng nhau thiết kế sản phẩm, may đồ và tự bán những sản phẩm do mình sản xuất ra.
Một trong những cửa hàng Zara mang đậm phong cách cổ kính. |
Năm 1972, ông đã áp dụng phương pháp kinh doanh mới mẻ nhưng đầy hiệu quả vào doanh nghiệp sản xuất áo bông và khăn tắm do ông sáng lập. Phương pháp kinh doanh của ông là mở rộng phạm vi khách hàng bằng việc sử dụng những vật liệu rẻ hơn và hệ thống sản xuất hiệu quả để tạo mức giá cạnh tranh.
Khi ấy, người ta thường nhìn thấy một chàng trai trẻ cần mẫn may áo choàng tắm cho phụ nữ ở cửa hàng. Ông làm việc ngày đêm không mệt nghỉ và luôn nghĩ ra các ý tưởng sáng tạo cho mẫu mới.
Cửa hàng mang tên Zara đầu tiên mở cửa vào năm 1975, khi Amancio Ortega đã gần 40 tuổi. Theo nhà thiết kế thời trang Mark Tungate, Zara không phải cái thương hiệu ban đầu mà Ortega lựa chọn. Ông thích tên Zorba với cảm hứng từ bộ phim Zorba the Greek. Thế nhưng, khi ông đi đăng ký bản quyền, cái tên đó đã thuộc về người khác. Cuối cùng, ông đã nghĩ ra tên Zara - một cái tên với đầy đủ vẻ nữ tính và sành điệu.
Khi thương hiệu Zara được thành lập ông đã khiến ngành bán lẻ thời trang tại Tây Ban Nha có sự thay đổi lớn. Với mục tiêu đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, ông đã đánh bại mọi đối thủ của mình.
Thành công vang dội với Zara
Vào thời điểm lúc bấy giờ, một sản phẩm thời trang xuất hiện trên sàn diễn sẽ mất nhiều tháng trời để xuất hiện tại cửa hàng. Tuy nhiên, khách hàng có thể mua sắm sản phẩm này tại cửa hàng Zara chỉ trong vòng vài tuần. Ngoài ra, các sản phẩm thời trang ở Zara cũng đảm bảo sẽ đổi mới ít nhất 2 lần mỗi tuần và các đơn hàng sẽ được giao nhanh trong vòng 48 giờ.
Mô hình kinh doanh này rất đơn giản: mang quần áo đến các cửa hàng càng nhanh càng tốt và cung cấp cho khách hàng những gì họ muốn. Với kế hoạch khéo léo đó, trang phục của các nhà thiết kế và nhà sản xuất châu Âu đã được mang đến các cửa hàng Zara chỉ trong vòng vài tuần, trong khi các nhà bán lẻ tên tuổi khác phải vất vả để theo kịp tốc độ "thời trang nhanh" của Zara. Người quản lý cửa hàng được tự do lựa chọn hành động theo những gì diễn ra tại cửa hàng và được đào tạo để nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu và phong cách của khách hàng.
Ngay từ khi còn là chàng trai trẻ, Ortega đã bén duyên với ngành công nghiệp thời trang. |
Để giảm chi phí lao động, các công ty thời trang khác thường sản xuất quần áo tại Trung Quốc. Ortega lại sản xuất hầu hết các sản phẩm của mình từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Morocco. Những thiết kế này được cắt và xử lý trong các nhà máy của ông. Sau đó, chúng được may bởi một mạng lưới các cửa hàng địa phương. Điều đó đồng nghĩa các công ty của Amancio Ortega có thể đáp ứng kịp thời những ý tưởng bất chợt của người mua hàng một cách dễ hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh, cùng với đó là giảm chi phí cho kho trữ hàng.
Những sản phẩm nào khách không mua hoặc mua ít sẽ ngay lập tức được quản lý cửa hàng xem xét và tìm hiểu nguyên nhân. Quản lý cửa hàng kiểm soát kỹ lưỡng việc mặt hàng nào đang bán chạy, khách hàng đang tìm kiếm cái gì, họ đang mặc gì và báo cáo về bộ phận quản lý, thiết kế… Cứ như thế, Zara vận hành bộ máy một cách hiệu quả trong nhiều năm liền.
Năm 1985, Ortega và vợ ông chính thức lập ra Inditex, đặt trụ sở tại Madrid và nó đã phát triển thành tập đoàn bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới. Không giống hầu hết các nhà bán lẻ khác, hãng Inditex nói chung và Zara nói riêng hầu như không dựa vào quảng cáo. Ông chủ Zara dành phần lớn nguồn lực của mình vào các hoạt động bán lẻ hiệu quả. Vào những năm 90, Zara đã mở rộng từ Châu Âu đến Châu Mỹ và Châu Á. Hiện nay Zara đã có cho mình hơn 6500 cửa hàng bán lẻ tại 88 quốc gia trên thế giới. Quá trình phát triển của Zara được ví như "mưa dầm thấm lâu".
Ortega nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng thích những thứ hào quang và các cửa hàng của Zara luôn chọn những địa điểm đắt đỏ và sầm uất để mở cửa hàng. Ở New York, cửa hàng đặt đại Đại Lộ thứ 5, tại Paris cửa hàng đặt tại đại lộ Champs-Elysées, tại Thượng Hải mở tại đường Nam Kinh. Do đó “hàng xóm” của Zara đều là những nhãn hàng xa xỉ như Louis Vuitton và Chanel. Có thể thấy đây là một chiến lược vô cùng đúng đắn khi mà các tín đồ mua sắm có thể bước vào một con phố với những nhãn hàng cao cấp và đắt đỏ bậc nhất thế giới nhưng lại mua được một bộ trang phục tại cửa hàng có giá bình dân.
Ngoài việc có nhiều cửa hàng rộng khắp toàn thế giới, Ortega cũng được nhiều người gọi với biệt danh có lẽ không mấy là hay ho như "Thiên hạ đệ nhất sao chép". Ông đã tuyển dụng hơn 260 nhà thiết kế và tham dự các show thời trang của các hãng hàng hiệu cao cấp, sau đó họ sẽ tổng kết lại những xu hướng được thịnh hành và nghĩ ra các ý tưởng rồi đưa nó vào các thiết kế của Zara và biến nó thành những thiết kế mang đặc trưng của hãng. Điều này cũng khiến nhiều “ông lớn” tên tuổi trong làng thời trang lo lắng. Cựu giám đốc thời trang của Louis Vuitton – Daniel Pat đã từng chia sẻ rằng: "Zara có lẽ là công ty sáng tạo nhất nhưng đồng thời cũng có tính phá hoại nhất". Do đó, dù việc làm này của ông làm mất lòng số ít nhà thiết kế nhưng lại mang niềm vui đến cho hàng trăm nghìn tín đồ thời trang không đủ tiền để mua sản phẩm gốc, vốn cực kỳ đắt đỏ.
Hiện nay, Zara đã đem lại cho Ortega hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đô la, trở thành thương hiệu chính của tập đoàn Inditex và Ortega là cổ đông lớn nhất với khoảng 60% cổ phần. Trên thực tế, Zara không phải thương hiệu quần áo duy nhất mà hãng Inditex của tỷ phú Amancio Ortega đang sở hữu. Hãng này còn đang nắm giữ hàng loạt các thương hiệu đình đám khác khiến giới sành thời trang thế giới mê mẩn như Massimo Dutti, Stradivarious, Pull & Bear, Bershka…
Có thể nói, cho đến nay, Zara đã trở thành một trong những nhãn hàng hiệu bình dân với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, với hàng loạt hệ thống bán lẻ rộng khắp các nước trên thế giới và được nhiều người ưa chuộng. Có thể ví von rằng, Zara đã len lỏi mọi ngóc ngách trên toàn thế giới.
Không chỉ dừng lại ở thời trang
Không phải tất cả tài sản của Ortega đều đến từ bán lẻ. Theo Forbes, Ortega đã đầu tư vào bất động sản ở Madrid, Barcelona, London, Chicago, Miami và New York. Ortega sở hữu trang trại và bất động sản Pazo de Dodro gần La Coruna. Bất động sản này hiện là nơi sinh sống của con gái ông, Marta. Ông cũng đã mua 21,6% cổ phần của La Coruna, một trung tâm cưỡi ngựa ở Larin, Tây Ban Nha. Ortega sở hữu nhiều thương vụ mua bán bất động sản đình đám nhất Tây Ban Nha thông qua chi nhánh đầu tư bất động sản của công ty, Pontegadea Inmobiliaria. Trong đó, đáng kể như năm 2011, ông mua Torre Picasso ở Madrid- tòa nhà chọc trời cao 157m, cao nhất Tây Ban Nha, với giá 536 triệu USD.
Năm 2016, ông mua Cepsa Tower, một tòa nhà chọc trời khác ở Madrid, với giá 551 triệu USD. Ông sở hữu quần thể khách sạn căn hộ Epic ở Miami, được coi là một trong những khách sạn sang trọng nhất ở Mỹ trị giá 536 triệu USD. Đến năm 2015, ông đã chi 370 triệu USD mua khối bất động sản bậc nhất ở bãi biển Miami. Ortega cũng đã mua một khối văn phòng tại khu phố Mayfair giàu có ở London giáp với Hyde Park, và một vài chỗ khác trên phố mua sắm chính của London, phố Oxford... Tòa nhà EV Haughwout lịch sử ở SoHo, thành phố New York, được ông mua với giá 145 triệu USD vào năm 2015.
Năm 2016, Ortega đã mua bất động sản khác ở New York, một khách sạn tại số 70 Park Avenue trên đồi Murray với giá 67,6 triệu USD. Năm 2019, Ortega mua lại một khách sạn ở trung tâm thành phố Chicago với giá 72,5 triệu USD. Bỏ ra thêm 1,1 tỷ USD, ông đã mua một tòa nhà ở trung tâm Washington DC cũng như 2 tòa nhà văn phòng ở Seattle hiện đang là trụ sở của Amazon thuê.
Vị doanh nhân kín tiếng
Từ tháng 6/2011, ông đã từ chức Chủ tịch Zara. Hiện ông có 3 con, con gái lớn của ông cũng là người phụ nữ giàu nhất Tây Ban Nha, với 7% cổ phiếu Inditex.
Về phần mình, dù sở hữu khối tài sản khổng lồ, nhưng Ortega thường tự lái chiếc xe Audi8 vì nó mang lại cho ông sự thoải mái hơn là xa xỉ. Ông cũng sở hữu một chiếc Global Express BD-700, máy bay phản lực tư nhân được thiết kế bởi Bombardier, một trong những nhà sản xuất máy bay phản lực tư nhân hạng sang hàng đầu có giá 45 triệu USD. Nhưng Ortega hiếm khi bay đi nghỉ trên chiếc máy bay này vì ham mê công việc. Cũng có lúc người ta thấy ông thư giãn trên du thuyền của mình, một con tàu dài 67m có tên Dri Muff, ở Saint Tropez.
Bên cạnh đó, Ortega lại là một người khá kín tiếng, không xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, tính đến thời điểm hiện tại ông chỉ nhận lời phỏng vấn với 3 nhà báo. Ortega quan niệm: “Bạn phải xuất hiện ba lần trên báo: khi sinh ra, khi kết hôn và khi bạn chết đi”. Ở công ty, ông cũng không có bàn làm việc mà thay vào đó ông thích việc đi xung quanh công ty, trò chuyện với những nhà thiết kế trẻ cũng như những nhân viên và cùng họ thưởng thức bữa trưa tại nhà ăn của công ty.
Ông cũng không tiêu xài hoang phí, vẫn uống cà phê trong tiệm xưa cũ, ngồi chung với nhân viên trong xưởng may và ăn trưa cùng với họ. Những người làm việc chung với Amancio Ortega thường nói rằng ông không thích thể hiện bản thân mình, bởi theo doanh nhân này, thành công của công ty đến từ nỗ lực và sáng tạo của tập thể, chứ không chỉ của riêng mình.
Thành công của Ortega được nhà kinh tế sử học Carlos Rodriguez Braun tóm tắt trong cuốn hồi ký về nhà sáng lập thương hiệu Zara như sau: “Dù được sinh ra trong một hoàn cảnh đầy bất lợi, ông đã dựa vào sự sáng tạo để vươn lên đến đỉnh cao. Ông đẩy nhanh sự phát triển của sản phẩm bằng cách rút ngắn thời gian thiết kế, chọn những địa điểm đẹp nhất để bán hàng, chấp nhận bán hàng từ sáng sớm đến tối mịt, để phục vụ mọi đối tượng khách hàng. Và cuối cùng, điều thần kỳ đã đến”.