Nhà Lê sơ tồn tại trong khoảng 100 năm (1428-1527) với hai giai đoạn khác nhau: Giai đoạn thịnh trị tính từ đời vị vua sáng lập vương triều là Lê Thái Tổ đến năm Giáp Tý (1504) đời Lê Túc Tông. Giai đoạn suy vong tính từ khi Lê Uy Mục chấp chính (1505- 1509) cho đến đời vua cuối cùng là Lê Cung Hoàng (1522-1527).
Kết cục bi thương của hai Hoàng hậu
Theo sử sách, nhà Lê sơ có lệ “bất thành văn” là không lập Hoàng hậu, nên từ lúc khai lập vương triều đến khi mất ngôi về tay họ Mạc, trong hậu cung chỉ có hai mỹ nhân được phong làm Hoàng hậu.
Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn viết: “Triều Lê ta gia pháp rất đúng, giáo dục luân thường rất rõ ràng, kén chọn phi tần, tất lấy trong con em các dòng họ công thần lớn và con nhà tử tế; mà lễ trật phân biệt, tôn ti rạch ròi, không có cái tệ bất chính trong chốn buồng the của đời trước.
Nhưng từ vua Thái Tổ (tức Lê Lợi) không lập vương hậu, lại trải 5 đời vua, quen lấy đó làm phép thường. Các bà Cung Từ, Tuyên Từ, Quang Thục, Huy Gia đều do các vị tự quân lên nối ngôi rồi mới dâng tôn hiệu (hoàng thái hậu), chứ chưa có ngôi vị (hoàng hậu) trong cung từ trước”.
Thời Lê sơ có tất cả 11 vị vua, nhưng có 7 vị không lập hoàng hậu; phải đến khi anh trai của Lê Túc Tông là Lê Tuấn lên ngôi, thành hoàng đế thứ 8 của vương triều (tức Lê Uy Mục) thì lúc đó mới lập Hoàng hậu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho hay lễ sắc phong hoàng hậu được thực hiện vào đầu năm Bính Dần (1506):
“Mùa xuân, trước đây, viên quản lĩnh họ Trần người làng Nhân Mục vốn là cháu ngoại của triều Trần sinh được 2 người con gái, con trưởng tên là Tùng, con thứ tên là Trúc. Vua nghe nói Tùng có sắc đẹp, chọn vào hậu cung, sinh được hoàng tử nhưng mất sớm. Sau Trúc cũng được vào hầu”.
Lê Uy Mục là người hung bạo, tàn ác, lạm sát người vô tội vạ, nhẫn tâm bức hại ngay chính tổ mẫu (tức bà nội), giết nhiều hoàng thân tôn thất, các đại thần quan lại nên có biệt danh là “Qủy vương”. Tháng 10 năm Kỷ Tị (1509) hoàng thân Lê Oánh được một số đại thần phò giúp đem quân từ Thanh Hóa đánh ra Thăng Long, bắt được Lê Uy Mục ép phải uống thuốc độc mà chết.
Trong cảnh hỗn loạn, Hoàng hậu Trần Thị Tùng lánh đến xã Hồng Mai (tên Nôm là Kẻ Mơ), huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) ẩn náu ở nhà một người dân nhưng rồi biết khó thể thoát được bèn thắt cổ tự tử khi đó hoàng hậu chưa tròn 20 tuổi.
Hoàng thân Lê Oánh lên ngôi (sử gọi là Lê Tương Dực) là vị vua thông minh, tài giỏi, có khí phách nhưng có điểm xấu ưa thích phô trương bằng những công trình xa hoa, lại rất háo sắc. Để thỏa mãn sắc dục, Lê Tương Dực ngoài việc tuyển chọn mỹ nữ còn bắt cung nhân triều vua trước vào cung để thông dâm nên có biệt danh là “Trư vương” (vua Lợn).
Trong số những người đẹp, Lê Tương Dực rất sủng ái Nguyễn Thị Đạo, quê ở huyện Văn Giang, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương (nay là huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), lập làm Khâm Đức hoàng hậu.
Đêm mồng 6 tháng 4 năm Bính Tý (1516), các đại thần đứng đầu là Trịnh Duy Sản, Trình Chí Sâm, Lê Quảng Độ làm binh biến, đánh vào hoàng cung. Vua Lê Tương Dực bỏ chạy đến trước cửa nhà Thái Học (tức Quốc Tử Giám) thì bị quân nổi loạn đâm chết, đem xác thiêu ở trước quán Bắc Sứ (nay thuộc khu vực phố Quán Sứ, Hà Nội). Khâm Đức hoàng hậu nghe tin dữ liền sai thị nữ trang điểm thật đẹp rồi tự nhảy vào lửa ở điện Mục Thanh mà chết.
Sử chép: “Quan quân đem hai quan tài vua và hậu về táng ở Nguyên Lãng, thuộc xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên. Về sau truy tôn tên thụy là Khâm Đức Thuận Liệt Đôn Tiết hoàng hậu”, triều đình cho lập điện Quang Hiếu ở xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình) làm nơi thờ cúng.
|
Nước mắt mỹ nhân chốn hậu cung (Tranh minh họa) |
Những bà Hoàng trong cơn biến vương triều
Hoàng hậu cao quý còn có số phận bi thương như vậy thì những bậc phi tần, cung nữ khác không có mấy người thoát được cảnh đau thương. Chuyện về một số phi tần ở dưới đây cũng đã cho thấy rõ điều đó.
Bà Trịnh Thị Tuyên, vợ của Kiến vương Lê Tân và là mẹ của vua Lê Tương Dực. Khi Lê Uy Mục ở ngôi bạo phát, bạo tàn, thân quyến hoàng tộc cũng bức hại, bà Trịnh Thị Tuyên cùng các con bị bắt giam, không lâu sau con trai thứ của bà là Lê Oánh thoát khỏi ngục trốn về Thanh Hóa khởi binh, Lê Uy Mục tức giận giết hết các con của bà, lại tra tấn bà rất tàn nhẫn, bắt phải viết thư đòi Lê Oánh bãi binh về quy hàng.
Bà mắng chửi Uy Mục là hôn quân bạo chúa nên bị giết khi vừa tròn 38 tuổi. Về sau, Lê Oánh đau xót đã cho mai táng rất trọng thể, truy tôn mẹ là Trịnh Thị Huy Từ Trang Huệ Kiến hoàng thái hậu và xây lăng, an táng tại làng Mỹ Xá, xã Mỹ Đại, huyện Ngự Thiên, trấn Sơn Nam (nay thuộc thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, Thái Bình).
Lê Uy Mục bị giết, những người vợ ông cũng không thoát khỏi được kiếp nạn chung, trong đó có bà phi Lê Thị Thanh, người ở xã Sa Lung, châu Minh Linh (nay là xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị).
Nhân lúc hỗn loạn, Lê phi thoát ra khỏi cung nhưng vì nghe tiếng về sắc đẹp của bà, Lê Tương Dực sai người đi lùng bắt, ép trở lại hoàng cung để thỏa mãn sắc dục. Không rõ số phận bà phi họ Lê kết cục ra sao, chỉ biết rằng sau khi bà mất, thi hài được đưa về chôn tại quê hương, người dân Sa Lung nhớ ơn đã lập miếu thờ gọi là miếu bà chúa Râm.
Tháng 4 năm Bính Tý (1516), sau cuộc chính biến cung đình, Lê Tương Dực bị giết, con của hoàng thân Cẩm Giang vương Lê Sùng là Lê Y (gọi Lê Tương Dực là chú ruột) được lập làm Hoàng đế (tức Lê Chiêu Tông). Thân mẫu vua là Trịnh Thị Loan được tôn làm Hoàng Thái hậu.
Bấy giờ, phe cánh của quyền thần Mạc Đăng Dung ngày càng lớn, lấn át cả vua khiến Lê Chiêu Tông sợ hãi chạy khỏi Thăng Long tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1522) kêu gọi quân các trấn về đánh quyền thần. Mạc Đăng Dung liền đưa em của vua là Lê Xuân lên ngôi (tức Lê Cung Hoàng).
Đến tháng 8 năm Qúy Mùi (1523) Mạc Đăng Dung lấy danh nghĩa vua mới ban chiếu truất Lê Chiêu Tông xuống tước vương, sau đó cho quân tấn công; ngày 28 tháng 10 năm Ất Dậu (1525) bắt được Lê Chiêu Tông đưa về Thăng Long, giam ở phường Đông Hà.
Đến ngày 18 tháng 12 năm Bính Tuất (1526), Mạc Đăng Dung bí mật sai người giết Lê Chiêu Tông và đến ngày 11 tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) thì dẫn quân về kinh, ép Lê Cung Hoàng phải nhường ngôi, phế xuống làm Cung vương đem giam ở cung Tây Nội cùng với Thái hậu, có khi mấy ngày không cho ăn, Thái hậu Trịnh Thị Loan đói quá phải xé áo mà nhai.
Sử chép: “Giáng phong vua làm Cung Vương rồi giam cùng với Hoàng thái hậu ở cung Tây Nội. Vài tháng sau, bắt phải tự tử. Thái hậu khấn trời rằng: “Đăng Dung là kẻ bề tôi, manh tâm cướp ngôi, lại giết mẹ con ta, ngày sau con cháu nó cũng lại bị như thế" rồi cùng với Cung Đế đều bị chết.
Đăng Dung sai đem xác hai người để phơi ngoài quán Bắc Sứ, rồi đưa về chôn ở lăng Hoa Dương, huyện Ngự Thiên theo nghi lễ của thiên tử và hoàng hậu” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Bà Phạm Ngọc Quỳnh, vợ Lê Chiêu Tông, lúc biến loạn ở cung đình, đang cùng con trai là Lê Duy Ninh (sau là vua Lê Trang Tông, còn gọi là chúa Chổm) đang ở ấp Mỹ Xá (nay thuộc xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình). Mạc Đăng Dung sai quân về bắt; bà bế con nấp trong bụi cây lớn ven dinh thự. Quân lính thấy bụi cây bị lướt cành gãy lá nghi là có người liền dùng giáo đâm vào, bà cắn răng chịu đau, lấy thân mình che chở cho con.
Lính thấy giáo có máu định phóng hỏa đốt, may thay có con chồn từ bụi cây chạy ra, quân lính liền bỏ đi. Bị thương, mất nhiều máu nhưng bà Ngọc Quỳnh vẫn gắng gượng bế con trốn đi trong đêm, lần hồi về Lam Kinh (Thanh Hóa) ở ẩn rồi suy kiệt mà mất khi hoàng tử lên 14-15 tuổi. Sau này, Lê Duy Ninh lên ngôi đã truy phong mẹ là Hoàng Thái hậu.
Hai người phụ nữ và cũng là những mỹ nhân cuối cùng của thời Lê sơ được sử sách nhắc đến là Qúy phi Nguyễn thị - con gái Thông quốc công Nguyễn Thời Trung và Qúy phi Đào thị - con gái Lỵ quốc công Đào Đại La.
Khi Lê Cung Hoàng bị Mạc Đăng Dung bắt giam, cha của hai bà tìm cách đón con về nhà, tương truyền Đào thị đã tự vẫn để giữ lòng trung với vua, còn Nguyễn thị, theo sách Đại Việt thông sử, khi người nhà đến đón “bà không chịu, nói:
“Cha ta trăm tuổi đã có anh em; ta hầu vua thì sống chết với vua, không có lý do gì mà bỏ về”; đến đón lần nữa bà cũng không về. Thời Trung sai người hầu gái theo bà, cứ bế bà lên võng, bà khóc to, trời đất tối sầm lại, những người trông thấy đều thương cảm. Bà về đến nhà, không chịu ăn uống gì rồi chết”.
Có thể thấy, cuộc đời và số phận của các bà hoàng cuối thời Lê sơ phần lớn đều có một kết cục buồn. Dù chỉ được nhắc thoáng qua trong sử sách nhưng phẩm cách và đức hạnh của họ vẫn tỏa sáng, được hậu thế ghi nhớ, ca tụng, lưu truyền.../.