Những tài liệu của SOG công bố đã cho thấy rõ, đối phương của SOG luôn có những chiếc “móng tay nhọn” không hề dễ chịu.
“Shining Brass” bị dừng
Vào Tết Mậu Thân năm 1968, Bắc Việt Nam tổ chức Tổng tấn công và nổi dậy trên toàn miền Nam, giáng cho quân Mỹ, ngụy những đòn choáng váng, làm thất bại mọi nỗ lực mà Mỹ đã tích cực triển khai với cường độ cao từ năm 1964, trong đó có cả các chương trình chống phá mà SOG đã và đang thực hiện.
Khi Johnson ngỏ ý sẵn sàng chấp nhận điều kiện của Hà Nội thì hoạt động chống phá miền Bắc của SOG cũng bị chấm dứt, nhưng hoạt động ngầm chống phá đường mòn tại Lào và Campuchia bị dừng chậm hơn so với các chương trình khác.
Trong sáu tháng đầu năm 1968, các toán biệt kích và lực lượng khác được triển khai chủ yếu bên trong biên giới của Nam Việt Nam để hỗ trợ lực lượng Mỹ đẩy lùi cuộc tấn công Mậu Thân. Sau khi đã yên ổn, SOG lại chỉ đạo tái thực hiện chương trình “Shining Brass”.
Nhưng lúc này, lợi thế chiến thuật mà các toán biệt kích do SOG tạo dựng trước đây đã không còn nữa. Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp đối phó với biệt kích, thám báo. Một cựu toán trưởng nằm trong lực lượng biệt kích đã kể lại:
Vào năm 1968, sự phòng thủ của đối phương tại Lào" đã trở nên "dày đặc, nhiều tầng lớp và có chiều sâu”. Hà Nội biết rằng họ không thể duy trì chiến tranh ở miền Nam nếu không được sử dụng liên tục con đường mòn và đã triển khai các biện pháp để bảo vệ.
“Móng tay nhọn”
Quân Bắc Việt Nam ở đường Hồ Chí Minh và khu vực biên giới Việt - Lào đã nhận ra ý đồ và những hành động nham hiểm mà các toán biệt kích do SOG triển khai. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, họ đã tìm cách đối phó rất hiệu quả.
Tài liệu của SOG tiết lộ, từ năm 1966, bước đầu tiên là Hà Nội bố trí một hoặc hai người tại vô số điểm dọc theo biên giới Lào để phát hiện máy bay trực thăng chở thám báo. Ray Call thú nhận: "Đó là lúc Bắc Việt Nam tiến hành giám sát các tuyến đường vào ra. Họ biết chúng tôi từ đâu tới. Có những người báo tin nằm ngay trên đỉnh núi nơi trực thăng bay qua để vào Lào. Họ có hệ thống liên lạc bằng điện đài hoặc bằng trống. Các toán của chúng tôi còn có thể nghe thấy tiếng trống ở bên dưới".
Sau đó, Hà Nội bố trí người ở những địa điểm có khả năng là nơi đổ bộ của các toán thám báo. Theo Call, "Họ bố trí người ở những nơi trực thăng có thể hạ cánh... Họ biết các toán biệt kích không thể ở lâu và cũng không thể đi quá xa. Họ biết chúng tôi phải sử dụng những vị trí như vậy để giảm bớt quãng đường phải đi bộ”.
Toán của Charlie Norton cho biết, người thiểu số sống dọc theo đường mòn là người báo tin. Khi có toán xâm nhập, họ dùng mọi công cụ để báo tin, như chuông, cồng chiêng, trống.
Miền Bắc nghiên cứu quy luật hoạt động của SOG, vạch ra tuyến đường xâm nhập và chở các toán đi xâm nhập đến để tiêu diệt. Sếp của SOG, Jack Singlaud, chỉ ra là "họ không mất nhiều thời gian để nắm được giai đoạn nào của trăng là phù hợp nhất cho điệp vụ do vậy họ không cần phải cử người quan sát liên tục. Họ tìm cách nắm được biện pháp hoạt động của chúng tôi. Họ có hệ thống quan sát máy bay bằng mắt thường, bằng người ở trên cây hoặc từ các chòi đặt cao trên rừng để nghe tiếng động cơ máy bay".
Để bảo vệ tuyến đường, căn cứ chỉ huy, bãi đỗ xe, kho xăng, nơi cất trữ hàng và các cơ sở tiện nghi khác dọc theo đường mòn, Hà Nội cử một số đơn vị quân đội làm nhiệm vụ an ninh hậu phương. Tài liệu của SOG khẳng định: “Vào thời điểm Tổng tấn công Mậu Thân, đối phương đã triển khai 25.000 quân để bảo vệ các khu căn cứ đóng quân trên đường mòn Hồ Chí Minh”.
Vào mùa thu 1968, sếp của SOG lúc bấy giờ là Cavanaugh nhận xét, việc bảo vệ đường mòn được củng cố và trở nên "một hệ thống an ninh phức tạp mà chúng tôi không bao giờ hiểu nổi".
Trên tuyến đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh, hàng và người vẫn hướng ra tiền tuyến không ngừng nghỉ. |
Tài liệu của SOG viết, Hà Nội đưa ra một số biện pháp phòng thủ tích cực. Họ bắt đầu săn lùng các toán biệt kích. Đầu tiên, Bắc Việt Nam dùng người thiểu số vì họ là những người đi săn có kinh nghiệm và thông thuộc địa hình. Họ phối hợp với các đơn vị quân đội có nhiệm vụ phục kích các toán thám báo. Sau đó, Bắc Việt Nam hình thành đội săn lùng riêng và bố trí họ tại các vị trí then chốt dọc theo đường mòn để có thể sử dụng ngay khi cần đến.
Họ nói về đơn vị chuyên săn lùng biệt kích: Bắc Việt Nam còn triển khai lực lượng hoạt động đặc biệt tấn công các toán thám báo. Lực lượng này tách ra từ đơn vị không vận đầu tiên của quân đội miền Bắc, lữ đoàn không vận 305, thành lập 1965. Theo Douglas Pike, tác giả cuốn: "Quân đội nhân dân Việt Nam", "vì không biết sử dụng vào việc gì, nên đơn vị này được chuyển thành lữ đoàn Công binh 305".
Sau đó được sáp nhập vào Bộ tư lệnh Công binh, và trở thành một đơn vị nổi tiếng của Quân đội Việt Nam được biết đến với cái tên "Lực lượng đặc công". Để trở thành đặc công không dễ dàng gì: "Tiêu chuẩn tuyển chọn rất chặt chẽ: được một đảng viên giới thiệu và hai đảng viên khác đồng ý; tư tưởng trong sạch; trẻ; và có một số tố chất nhất định (dũng cảm, sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm). Khi Lữ đoàn 305 được giao cho Bộ tư lệnh Công binh, một số bộ phận được huấn luyện thành "đơn vị đặc nhiệm chống thám báo có nhiệm vụ săn lùng và tiêu diệt các toán thám báo của SOG".
Các toán của SOG mà gặp các đơn vị đặc nhiệm này thường không có chỗ lùi và bị tiêu diệt không thương xót. Một toán thám báo đã rơi vào tình cảnh như vậy. Vừa đổ bộ xong cũng là lúc họ bị bao vây chặt bởi một lực lượng đối phương mạnh hơn nhiều lần, trong đó có đội chống thám báo.
Charles Wilklow, người duy nhất sống sót, đã chứng kiến “bộ đội miền Bắc mang đi nhiều xác lính Mỹ". Bị thương ở nhiều nơi, Wilklow cố bò ra một chỗ trống với hy vọng các máy bay trực thăng ứng cứu nhìn thấy. Nhưng máy bay không xuất hiện.
Trong bốn ngày đêm, Wilklow lết được một quãng đường gần hai dặm đến một khoảng đất trống khác và được máy bay đưa về. Wilklow sống sót nhưng sự kiện bi thảm này là sự báo trước những gì đang chờ đợi các toán thám báo tại Lào.
Các biện pháp đối phó khác bao gồm khuyến khích vật chất cho người tiêu diệt được thám báo. Theo Larry Trapp, người phục vụ hai nhiệm kỳ ở SOG, Hà Nội "treo phần thưởng” nếu ai giết hoặc bắt sống được trưởng toán thám báo.
Cá lớn mang lại giá trị lớn
Biện pháp cuối cùng và không kém phần quan trọng là sử dụng gián điệp, thông qua đó, Hà Nội tìm cách biết trước kế hoạch hoạt động của các toán thám báo. Để làm việc này miền Bắc tập trung vào người miền Nam để xâm nhập, tuyển mộ, cài cắm được điệp viên vào vị trí càng cao càng tốt. Như Singlaub nhận xét "chỉ cần một con cá to là đủ”.
Khi còn chỉ huy SOG, Singlaub tin rằng OP35 "có vấn đề về an ninh" và là nguyên nhân làm cho khả năng Hà Nội phát hiện thời gian và địa điểm xâm nhập của các toán thám báo được cải thiện nhanh chóng. Các toán vừa chạm đất đã bị đối phương tấn công. Singlaub không biết Bắc Việt Nam có được thông tin bằng cách nào, nhưng ông tin chắc rằng nó có liên quan đến vấn đề an ninh của SOG.
Sau này ông tìm ra câu trả lời. Ông ta cho biết, cuối những năm 80, miền Bắc khen thưởng cho một đại tá người đã thâm nhập thành công vào Phủ Thủ tướng. Singlaub giải thích: “Với vai trò là sếp của SOG, ông chỉ báo cáo tóm tắt cho tướng Cao Văn Viên về các hoạt động nhậy cảm này". Viên cam kết với Singlaub rằng sẽ trực tiếp chuyển thông tin đến cho Tổng thống Việt Nam cộng hoà. Đối với Singlaub, vấn đề an ninh là rất đảm bảo...
Nhưng sếp của SOG không biết rằng Viên còn chia sẻ thông tin với thủ tướng Nam Việt Nam. "Ông ta không muốn thủ tướng bị bất ngờ, do vậy đã tìm cách thông tin một cách không chính thức cho thủ tướng... Còn thủ tướng thì đem theo vị đại tá mà ông tin cậy.
Cuối cùng viên đại tá đó chính là người được Hà Nội khen thưởng cuối những năm 1980. Singlaub đã cho thấy hoạt động xâm nhập nội bộ của miền Bắc tinh vi như thế nào: "Họ có cách liên lạc cho phép báo động Hà Nội trong thời gian ngắn nhất. Tôi có thể hiểu được cách họ báo cho Hà Nội về một điệp vụ diễn ra một tuần sau đó. Nhưng, lạy Chúa, các hoạt động này chỉ được thông báo trước 48 giờ đồng hồ". “Con cá lớn” mang lại giá trị lớn.
Chưa hết, Singlaub thú nhận cay đắng: Nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn “con cá lớn” như vậy. Bắc Việt Nam hiểu điều đó và tập trung hoạt động gián điệp cả hai phía, cấp cao và cấp thấp. “Cá nhỏ” cũng có thể gây thiệt hại đáng kể…