Từ những cuộc tranh cãi xôn xao
Mấy ngày nay, mạng xã hội xôn xao vì câu chuyện một cô gái trẻ ở Argentina quyết định thắt ống dẫn trứng vì không muốn có con. Câu chuyện ở tận trời Tây, nhưng đã làm bùng nổ một cuộc tranh cãi tại Việt Nam. Trong số đó, phần nhiều cánh đàn ông vào “ném đá” cô gái kịch liệt.
Các ý kiến cho rằng, người phụ nữ này còn trẻ, vì ích kỉ, ham vui, chỉ nghĩ đến bản thân nên mới quyết định như thế. “Sau này hối không kịp”, “đàn bà ham vui, sống cho mình”, “đàn bà mà không ra đàn bà”, “chồng nào mà lấy phài con này là bất hạnh”, “không làm mẹ là thất bại của phụ nữ”... đó là một số bình luận xoay quanh câu chuyện này của cánh đàn ông và một số ít phụ nữ.
Những ý kiến phản hồi các bình luận trên cho rằng, thời đại này mà vẫn còn những người quan niệm rằng phụ nữ là phải sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống, nếu không thì không làm tròn thiên chức thì không phải phụ nữ.
Nếu nói như thế, thì chẳng lẽ những người phụ nữ vô sinh, bệnh không thể sinh con, chẳng lẽ cũng “không phải phụ nữ” hay sao? Và nữa, cơ thể của mỗi người, quyền quyết định cuộc sống mình như thế nào cũng là của cá nhân người đó, sao lại phải phán xét, chà đạp họ dựa trên quan niệm riêng của mình?
Có thế thấy, những cuộc tranh luận như thế không hề thiếu trên mạng xã hội. Một cô gái tâm sự chia sẻ chuyện vợ chồng không cãi cọ nhưng muốn ly hôn vì không còn chút tình cảm nào với nhau, tự thấy muốn giải phóng bản thân, lập tức bị ném đá vì “sướng quá hóa rồ”.
Một, vài nữa nghệ sĩ có tiếng, ly hôn chồng nhưng vì nhiều ly do, không muốn hoặc không thể nuôi con, bị cộng đồng trách móc là làm mẹ không nên thân, bỏ con đi tìm hạnh phúc mới, bị dọa tẩy chay...
Giờ đây, bất bình đẳng giới không được thể hiện rõ như trước kia. Người ta không trọng nam khinh nữ bằng lời nói, việc làm hiển hiện. Phụ nữ đã được tôn trọng hơn rất nhiều, có vị thế đứng trong xã hội. Nhưng, sự bất bình đẳng vẫn luôn tiềm ẩn trong đời sống hàng ngày, trên môi trường mạng xã hội.
|
Ảnh minh họa. |
Ở đó, có người phụ nữ tố cáo mình bị bạn trai cưỡng dâm, nhưng vẫn nhận hàng trăm bình luận “không có lửa làm sao có khói”, “không tạo điều kiện sao nó dám làm”. Ở đó, có những người đàn ông, chia sẻ hình ảnh những người phụ nữ giỏi giang trong hoạt động xã hội, nổi tiếng chính trường quốc tế, nhưng thay vì khâm phục, ngợi khen, chỉ quan tâm đến khía cạnh nhan sắc của họ, cùng với những lời dung tục buông ra.
Đôi khi, bản thân người tranh luận không nghĩ rằng, những luận điểm của họ đưa ra là bất bình đẳng giới. Bởi, đó là suy nghĩ thâm căn cố đế từ bao đời nay, họ nghĩ đó mới là chuẩn, đó mới chính là lối sống đúng đắn và áp đặt lên cuộc đời những người phụ nữ khác.
Đến đề cao “phụ nữ vạn năng”
“Phụ nữ vạn năng” là hình ảnh mà các đoạn phim quảng cáo thường khắc họa về người vợ, người mẹ trong gia đình. Ở những đoạn phim ấy, người mẹ luôn vừa đẹp tươi, vừa giỏi nuôi con, vừa khéo chiều chồng. Con đi học về luôn có bữa cơm ngon, chồng đi làm về có ly nước mát lạnh.
Mẹ lau nhà sạch kin kít, mẹ giặt đồ thơm tho, mẹ rửa chén, mẹ quét nhà, mẹ làm đủ mọi chuyện trong ngôi nhà. Những quảng cáo nhãn hàng gia dụng, vô hình trung đã xây dựng nên một người mẹ đa năng, và cũng vô tình định hình nên quan niệm về “phụ nữ nội trợ” thời nay như thế.
Có cả nhãn hàng, quảng cáo viên sủi tăng sức đề kháng, với thông điệp “vì mẹ là siêu nhân”. Bởi mẹ là siêu nhân, còn rất nhiều việc trong nhà phải cần mẹ giải quyết, nên mẹ không được phép ốm. Hay, quảng cáo thuốc bổ sung canxi, thì cũng gắn vào thông điệp vì mẹ phải làm việc nhà nhiều, cần phải giữ gìn hệ xương chắc khỏe.
Quảng cáo dụng cụ định hình giảm cân cho phụ nữ, cũng thêm vào thông điệp sử dụng rất thoải mái, dễ chịu, có thể vừa dùng vừa làm việc nhà, không lo bê trễ bếp núc... Trên sóng phát thanh, hàng ngày vẫn ra rả những mẩu chuyện xóm giềng, nơi mà người phụ nữ bảo ban nhau cách giữ chồng, dạy con, khiến gia đình êm ấm.
Rồi những quảng cáo nhờ sử dụng “cái này, cái kia” mà sinh quý tử. Trong tất nhiều quảng cáo như thế, người đàn ông ra các quyết định quan trọng như mua nhà, mua xe, và phụ nữ là người hoàn toàn thụ động, chỉ đóng vai trò là người trông chờ và khen ngợi.
Mà không chỉ trong quảng cáo. Kể cả phim truyền hình, phim điện ảnh cho đến các sản phẩm văn hóa đại chúng khác cũng thế. Một cách tình cờ thôi, không có chủ ý, nhưng người phụ nữ rất hay xuất hiện với hình ảnh gắn với cái nhà, cái bếp, với việc nội trợ trong nhà.
Quay cảnh bếp thì thế nào cũng có cảnh vợ đang rửa chén, đang hí húi nấu cơm. Quay cảnh sân thượng, thì có vợ đang phơi đồ, tưới cây. Gia đình hạnh phúc thì thể nào cũng có cô vợ đảm vừa ủi quần áo cho chồng, thắt cà vạt cho chồng đi làm, làm bữa sáng ngon cho chồng con ăn...
Phim ảnh, văn hóa phẩm cùng thường đề cập nhiều đến “sự vị tha” và “đức hy sinh” của phụ nữ. Ở nhiều tác phẩm phim ảnh, văn chương, có thể thấy người phụ nữ thường hiện lên với vẻ đẹp của sự hy sinh. Và sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm từ bạn đời, sẵn sàng chấp nhận sự bất công từ bạn đời và gia đình họ, để có được một cuộc sống hôn nhân bền bỉ, tốt đẹp cho con cái.
|
Một mẫu quảng cáo “mẹ vạn năng” thường thấy trên truyền hình. |
Những con số biết nói
Cách đây ít lâu, Geena Davis, người từng đoạt giải Academy Award, sáng lập Viện nghiên cứu về Giới trong Truyền thông Geena Davis tại Đại học Mount Saint Mary, đã công bố bài phân tích kết quả nghiên cứu về đại diện giới trong ngành quảng cáo với quy mô và phạm vi chưa từng có và những ảnh hưởng của các hình ảnh quảng cáo này đến các trải nghiệm trên toàn thế giới.
Sau khi nghiên cứu hơn 2,7 triệu video YouTube được đăng bởi những nhà quảng cáo trong 4 năm, cùng với việc phân tích hơn 550 tỷ lượt xem trong ngày 31/5/2019, nhóm của Geena đã đưa ra một số kết luận đáng chú ý. Kết quả phân tích cho thấy rằng thiên vị giới tính trong ngành quảng cáo càng trở nên nghiêm trọng bởi tình trạng thiên vị độ tuổi.
Các nhân vật nữ trong quảng cáo đa phần thuộc độ tuổi từ 20 - 30, trong khi nhân vật nam lại thuộc mọi lứa tuổi. Trên toàn cầu, nhân vật nam có độ tuổi trung bình cao hơn 4 tuổi so với nhân vật nữ trong quảng cáo. Bên cạnh đó, qua 5 năm được nghiên cứu, độ tuổi trung bình của các nhân vật nữ tương đối không đổi trong khi nhân vật nam lại già hơn.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nhân vật nữ có xu hướng mặc trang phục hở hang hơn so với nhân vật nam, và thường xuất hiện trong bếp, mua sắm và dọn dẹp. Ngược lại, nhân vật nam thường xuất hiện trong cảnh lái xe, làm việc, ngoài trời, và tham dự các sự kiện thể thao. Nhân vật nam cũng có xu hướng xuất hiện trong cảnh làm việc và vị trí lãnh đạo hơn.
Chỉ mới đây thôi, bộ sách cổ tích hiện đại về bình đẳng giới đầu tiên dành cho thiếu nhi đã được Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới, ChildFund Việt Nam và Crabit Kidbooks công bố sau gần một năm biên soạn. Những người biên soạn mong muốn đem lại một tư duy mới về bình đẳng giới ở cả những đứa trẻ.
Bởi, từ trước đến nay, người ta không chú ý, nhưng cả những câu chuyện cổ tích, thần thoại dành cho thiếu nhi cũng đầy rẫy sự bất bình đẳng giới. Khi mà các vị nam thần thì luôn có quyền lực lớn mạnh hơn nữ thần. Tấm Cám, Thạch Sanh, Mị Nương, cô bé Lọ Lem hay nàng công chúa ngủ trong rừng, các nhân vật nam thường được khắc họa với tính cách mạnh mẽ, chủ động, dũng cảm và nắm vai trò chỉ huy.
Ngược lại, các nhân vật nữ thường bị đóng khung trong các hình ảnh xinh đẹp, yếu đuối, phụ thuộc; chủ yếu làm các công việc như dọn dẹp, nấu ăn và chăm sóc gia đình và thụ động chờ sự giải cứu của nhân vật nam để có thể kiếm tìm hạnh phúc.
Bình đẳng giới là câu chuyện của Việt Nam, câu chuyện của toàn cầu. Con đường ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân. Thay đổi tư duy bất bình đẳng giới ẩn sâu trong văn hóa phẩm, trong truyền thông đại chúng chính là giải quyết câu chuyện cực kì quan trong để đến với một xã hội bình đẳng mà mọi người mong ước.