Bình đẳng giới từ góc nhìn thanh xuân

(PLVN) - Khi một đứa trẻ sinh ra, em bé đó hoàn toàn không có khái niệm phân biệt giữa nam và nữ. Định kiến về giới được người lớn cùng kỳ vọng của xã hội đặt ra đối với trẻ trên chặng đường đời tiếp theo. 
Ra mắt bộ sách cổ tích thời hiện đại.

Đàn ông không được khóc, phải thành đạt. Phụ nữ phải nhìn bà, nhìn mẹ học tập, làm theo sao cho ra dáng phụ nữ. Những định kiến đó, vô hình trung đã biến mỗi đứa trẻ trong sáng ngày nào thành “chiến binh” để dành chiến thắng trong cuộc chiến bình đẳng ngày ngày vây quanh.

Chính vì vậy, thúc đẩy những người trẻ thành hạt nhân thay đổi định kiến giới, để bình đẳng giới trở thành cơ hội cho nam-nữ xích lại gần nhau là rất quan trọng.

Cổ tích bình đẳng giới…

Ai trong chúng ta đều ít nhiều cũng đã đọc cổ tích. Hiện lên trong những câu chuyện đó là các cô gái ngọt ngào, ngây thơ, thụ động, phụ thuộc, đàn ông mạnh mẽ, thích phiêu lưu, độc lập và có năng lực. Văn học thiếu nhi đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải văn hóa và định hình nhân cách cho trẻ.

Tuy nhiên, những định kiến về giới như thế đã hạn chế quyền tự do thể hiện của cả trẻ em trai và trẻ em gái do vai trò giới hiện diện trong những câu chuyện mà các em được học, được đọc tại gia đình và trường học. 

Bởi vậy, chúng ta cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của bình đẳng giới và trao đổi với trẻ ngay từ khi bé còn nhỏ, để xây dựng một thế hệ bình đẳng trong tương lai mà ở đó các bé gái có thể có các thế mạnh về kỹ thuật và thể chất, còn các bé trai có thể có thái độ sống và năng khiếu nghệ thuật. Quan trọng nhất không ai phải che giấu hay giả vờ mình là ai và chúng ta đều giống nhau hơn là khác biệt. 

Thúc đẩy nhận thức về bình đẳng giới như thế sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc cải thiện sức khỏe tâm thần, trí tuệ xã hội và cảm xúc cho trẻ. Tuy nhiên, truyền thông về bình đẳng giới là một quá trình dần dần, liên tục và không thể đạt được trong ngày một, ngày hai.

Trẻ cần được khuyến khích và ủng hộ mỗi ngày. Bước đầu tiên để xây dựng một thế hệ bình đẳng tương lai, là chúng ta phải lựa chọn những cuốn sách phù hợp, tránh những định kiến giới có ảnh hưởng xấu đến nhận thức và xã hội.

Từ những lý do này, ngày 20/10 vừa qua, Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ  (UN Women) tại Việt Nam, Tổ chức ChildFund Việt Nam và Crabit Kidbooks ra mắt bộ sách và chiến dịch gây quỹ “Thế hệ bình đẳng - Những câu chuyện cổ tích thời hiện đại”. Đây cũng là một trong nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới.

Bộ sách “Thế hệ bình đẳng - Những câu chuyện cổ tích thời hiện đại” là bộ sách cổ tích hiện đại về bình đẳng giới đầu tiên dành cho thiếu nhi gồm hai cuốn sách bìa cứng: “Chuyện thần kỳ ở Vương quốc giày” và “Tuyển tập những câu chuyện cổ tích về bình đẳng giới”.

Phần tranh vẽ minh họa sinh động, đẹp mắt, nội dung hấp dẫn về bình đẳng giới là những tác phẩm đạt giải cao nhất của cuộc thi sáng tác truyện cổ tích hiện đại “Thế hệ bình đẳng” do UN Women, ChildFund Việt Nam và Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam thực hiện năm 2019 nhằm xóa bỏ những định kiến giới và những chuẩn mực giới có hại, gây cản trở cho sự phát triển toàn diện của trẻ em thường thấy trong các câu chuyện cổ tích. 

“Bộ sách được ra đời trong bối cảnh các sản phẩm đọc thúc đẩy bình đẳng giới dành cho thiếu nhi còn rất ít trên thị trường. Khác với lối mòn truyền thống, hệ thống nhân vật trong Bộ sách hiện đại này đã được các tác giả xây dựng với tư duy sáng tạo, hiện đại, sẵn sàng thách thức những rào cản để được là chính mình và vượt lên mọi khó khăn để thành công.

Thông qua bộ sách, UN Women muốn truyền tải thông điệp về một tương lai bền vững và bình đẳng, nơi mọi trẻ em dù ở bất kỳ giới tính nào được lớn lên lành mạnh, được tôn trọng, tự do phát triển và có thể theo đuổi mọi ước mơ mà không bị bất kỳ định kiến, rào cản nào ngăn trở” - bà Vũ Phương Ly chuyên gia về chương trình của UN Women và cố vấn kỹ thuật của bộ sách cho biết. 

Và thanh niên là hạt nhân thay đổi định kiến giới

Các nghiên cứu của Tổ chức Oxfam cho thấy hiện nay phim ảnh, các chương trình phát thanh, truyền hình, quảng cáo, truyền thông xã hội, văn hóa đại chúng và trò chơi điện tử… đều thể hiện những khuôn mẫu và định kiến về giới. Nam giới thường được xem là những người mạnh mẽ, quyết đoán và có định hướng, do đó phù hợp với những công việc nhiều áp lực và yêu cầu khả năng ra quyết định nhanh chóng.

Phụ nữ, được gán cho thiên chức chăm sóc, được cho là có những đặc điểm mềm mại và phù hợp với những công việc ít cạnh tranh, ổn định, ít áp lực, cho phép họ được vui vẻ và thể hiện sự linh hoạt của mình.

Một bức tranh biếm họa về bất bình đẳng giới. 

Theo kết quả phân tích cũng cho thấy những định kiến về khả năng lãnh đạo của phụ nữ. Lãnh đạo là nam giới có tần suất xuất hiện trên các bản tin nhiều hơn hẳn nữ giới, với tổng số 2.938 nguồn dẫn, tương đương 85,7%. Trong khi đó, lãnh đạo nữ chỉ được phỏng vấn, trích dẫn 491 lần, tương đương với 14,3% trong tổng số nguồn dẫn.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020 của Việt Nam nêu rõ mục tiêu đến năm 2015 giảm 60% và đến năm 2020 giảm 80% sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới. 

Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo khởi động dự án “Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) vừa phối hợp tổ chức. Dự án sẽ kéo dài 4 năm và sẽ được triển khai tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. 

Ông Lê Văn Thanh, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu cho biết trong các nghiên cứu về việc làm của Phái đoàn Liên minh châu Âu, phụ nữ khi có con gặp nhiều khó khăn trong việc ứng tuyển. Khi xem xét hồ sơ ứng tuyển, cơ hội phụ nữ có con được nhận sẽ thấp hơn so với các ứng viên khác, ước tính họ mất đi hơn 90% cơ hội công việc.

Ông Lê Văn Thanh nhấn mạnh: “Nam giới là yếu tố quan trọng trong thay đổi định kiến giới. Việt Nam là nước Á Đông, có những ưu điểm như gắn kết, cần cù, sáng tạo... tuy nhiên vẫn có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Phụ nữ hoàn toàn có thể thành công trong các lĩnh vực mà trước kia chỉ có nam giới và ngược lại”.

Ông Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc Oxfam tại Việt Nam cho rằng, thanh niên trong độ tuổi 15-24 là hạt nhân tiềm năng thúc đẩy bình đẳng giới. Hỗ trợ và nâng cao sự tham gia tích cực và sáng tạo của thanh niên có thể giúp họ thành những người tiên phong trong thay đổi định kiến giới. 

Theo ông Phạm Quang Tú, nhóm mục tiêu của dự án “Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” là 1.000 thanh niên ở 5 trường đại học, 20 nhóm thanh niên tại cộng đồng và trong trường đại học ở 3 thành phố, giám đốc điều hành của 50 doanh nghiệp... 1.000 bạn trẻ đến từ 5 trường đại học về báo chí và truyền thông sẽ là hạt nhân tạo ra thay đổi trong nhận thức và hành động về bình đẳng giới trong giới trẻ thông qua chiến dịch truyền thông xã hội do chính các bạn khởi xướng. Dự án sẽ thu hút các sinh viên theo học chương trình truyền thông và báo chí bởi họ là những người sẽ có tác động nhiều nhất đến dư luận trong công việc sau này của họ. 

Vĩ thanh

“Bình đẳng giới trong mắt tôi” là tiêu đề một bài viết mà tôi đã từng được đọc và rất thích. Bài viết nhấn mạnh việc mỗi người nên tự ý thức được việc phải sống được là chính mình chứ không hẳn phải phụ thuộc vào giới tính cũng như ảnh hưởng bởi sự giáo dục từ gia đình. Bởi rất nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ cho con cái ngoại trừ việc không cho chúng được là chính mình.

Ngày ngày, mọi người hay kể những câu chuyện bất bình đẳng họ nhìn thấy và nghe được từ những số phận của một người khác chứ không phải của chính họ. Còn những người trong cuộc lại lựa chọn sự cam chịu, chấp nhận như là số phận của chính mình. Nhưng bình đẳng giới không phải chỉ là vấn đề của xã hội hay ở đâu đó, của ai đó, mà là vấn đề của mỗi cá nhân chúng ta.

Chúng ta cần ý thức được việc độc lập tự chủ và các vấn đề riêng tư của cá nhân. Sẽ rất khó có sự bình đẳng nếu như vẫn còn tồn tại sự phụ thuộc, dựa dẫm, ỷ lại và bị can thiệp, kiểm soát những vấn đề mang tính riêng tư của mỗi người. 

Đừng để đến khi bất bình đẳng xảy ra với chính mình thì rất khó có thể trông chờ xã hội, tổ chức hay cá nhân nào có thể đứng ra chịu trách nhiệm, giải quyết hay đền bù… lúc đó thì tổn thương và thiệt thòi cũng đã quá nhiều rồi. 

Đọc thêm