Bình Giang (Hải Dương): Chủ tịch thị trấn Kẻ Sặt sống trong ngôi nhà trên đất nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo đơn của công dân gửi cơ quan chức năng, phản ánh ông Phạm Đỗ Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, Hải Dương) lấn chiếm và xây dựng trái phép trên đất công (gồm đất ao và đất 03).
Ngôi nhà xây trên đất nông nghiệp mà Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt cho biết “đang ở nhờ”.
Ngôi nhà xây trên đất nông nghiệp mà Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt cho biết “đang ở nhờ”.

Theo đơn, giai đoạn 2008 - 2011, một số hộ đã tiến hành san lấp khu Ao Cát - Đo Đạc. Trong quá trình vi phạm, UBND xã Tráng Liệt cũ (nay đã sáp nhập là UBND thị trấn Kẻ Sặt) đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu trả lại nguyên hiện trạng; nhưng sau đó vẫn lấn chiếm xây dựng nhiều căn nhà cấp 4 trái phép; rồi phá dỡ nhà cũ để xây dựng ngôi nhà mới như hiện nay.

Cùng thời điểm đó, khu Ao Cát bị san lấp trái phép, không còn nguồn nước tưới tiêu thủy lợi, không cấy trồng được nên gần chục hộ xã viên Đội sản xuất số 8, Khu Hạ đã bán nhượng ruộng canh tác 03, hiện các hộ đã xây dựng nhà để ở và mua đi bán lại.

Cũng theo phản ánh, khu vực trên trước đây là ao làng thuộc địa bàn xã Tráng Liệt (cũ), được một số hộ dân san lấp xây dựng lên, cho đến nay toàn bộ các hộ đều chưa được cấp “sổ đỏ”.

Theo ghi nhận thực tế của PV, hiện toàn bộ khu vực trên đã được người dân tự ý phân lô, xây dựng một dãy nhà kiên cố. Riêng căn nhà mà Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt sinh sống được xây dựng kiên cố, đồ sộ với 3 tầng, 1 tum.

Trả lời PV, ông Phạm Đỗ Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt, cho rằng không lấn chiếm, xây dựng trên đất nông nghiệp.

“Khoảng những năm 1999 - 2000, ông Phạm Văn Hà là em ruột tôi cùng một số người khác sử dụng để thả cá, trồng rau, trong quá trình sử dụng ông Hà và các hộ dân có đổ vật liệu xây dựng, đất, cát để bồi lấp ao. Đến khoảng 2004 ông Hà xây dựng ngôi nhà trên đất đó với diện tích khoảng 100m2 và đón bố mẹ ra ở. Đến đầu 2017, vợ chồng tôi dọn ra ở cùng với mẹ tôi để tiện trông nom, phụng dưỡng. Đến 2018, UBND huyện Bình Giang có dự án quy hoạch xây dựng khu dân cư mới ven QL 38 đoạn từ Cầu Sặt đến Ngã năm mới, mẹ và các em tôi đã ủy quyền cho vợ tôi là Đỗ Thị Xuân thay mặt gia đình ký các hồ sơ giải phóng mặt bằng để bàn giao trả lại đất cho dự án”, ông Lâm nói.

“Hiện toàn bộ diện tích đất và tài sản đã được bàn giao cho Cty TNHH Toàn Gia (đơn vị trúng thầu) để thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến nay đơn vị chưa thi công đến vị trí trên nên vẫn đang cho gia đình tôi ở nhờ trên khu đất đó trong thời gian gia đình chuẩn bị chỗ ở mới”, ông Lâm cho biết.

Khi PV đề nghị cung cấp hồ sơ thể hiện sự bàn giao này thì ông Lâm cho biết: “Nhà đã bàn giao cho Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện. Huyện cầm hết hồ sơ chứ gia đình không có”.

Về việc xử lý vi phạm của các hộ dân tự ý san lấp ao, xây nhà không phép, ông Lâm cho biết: “Lúc đó có biên bản vi phạm hay không thì không có. Hiện hồ sơ lưu tại thị trấn cũng không có biên bản gì thể hiện vi phạm xung quanh khu vực đấy, kể cả nhà tôi đang ở”.

Một người dân địa phương đặt ra câu hỏi: “Tại sao từ thời điểm em trai của Chủ tịch thị trấn và một số hộ dân lấn chiếm đất ao để xây dựng nhà không phép thì chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý vi phạm? Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quá trình quản lý và xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn ở đâu?”.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân thị trấn Kẻ Sặt nêu ý kiến: “Việc ông Lâm báo cáo huyện là em trai ông làm nhà trên khu vực ao Cát năm 2004 là khai báo không trung thực, mà phải làm khoảng năm 2011. Vì năm 2007 bà con vẫn còn cấy, khi đó có dấu hiệu đổ cát san lấp ao, ảnh hưởng tưới tiêu, thủy lợi, bà con đã báo và yêu cầu chính quyền địa phương ra xử lý. Khi đó có 1 cán bộ địa chính và Trưởng Công an xã ra thì người đổ cát giấu mặt, nên lập biên bản không có chữ ký, chỉ có người làm thuê. Vì vậy năm 2004 chưa thể có nhà được”.

Đọc thêm