Bình minh trên Hòn Yến…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nằm trên địa phận bán đảo Phương Mai, dãy Triều Châu của TP Quy Nhơn xinh đẹp, cùng với những Hòn Mai, Hòn Chóp Vung, Núi Đen…,  Hòn Yến đã tạo nên dãy núi dài khoảng 15km. Đây là nơi chim yến kéo đến làm tổ tạo nên những hình ảnh đẹp đẽ, thanh bình nên nơi đây còn gọi là Đảo Yến.
Đảo Yến nhìn từ biển.
Đảo Yến nhìn từ biển.

Đảo của những cánh yến mùa xuân

Trước kia khu vực đảo yến Bình Định thuộc hai thôn Xương Lý, Hương Mai; còn ngày nay thì thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn. Từ mũi Tấn (Hải Cảng - Quy Nhơn), ngồi thuyền khoảng 2 giờ đồng hồ thì bạn có thể đến được Hòn Yến. Nơi đây cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú, hấp dẫn với những hang động có tuổi đời hàng vạn năm, những dốc đá cao đến hàng trăm mét. Bên trong hang động rất hiểm trở, cheo leo, và đây cũng chính là nơi loài chim yến lựa chọn để cư trú.

Chim yến trên Hòn Yến chủ yếu có 2 loại: yến cỏ và yến sào. Yến cỏ lớn hơn yến sào, chúng làm tổ bằng cỏ hoặc rác xung quanh núi. Còn yến sào là loài chim quý. Chúng làm tổ bằng chính nước dãi của mình, chim yến tự tiết ra nước dãi kéo thành sợi đan lại thành tổ. Khi đủ vừa để nằn lọt thân mình, thì yến sào bắt đầu sinh sản. Tổ yến thương phẩm là thức ăn bổ dưỡng, có giá trị kinh tế cao.

Tại Hòn Yến có hơn 30 hang động lớn nhỏ. Mỗi hang nhỏ cũng được đặt tên như hang Dơi, hang Ba Nghé, hang Cạn; với những hang lớn hơn có tên gọi hang Cả, hang Đôi Trong, hang Đôi Ngoài. Trong mỗi hang nhỏ có hàng trăm tổ yến sào, hang lớn hơn có hàng ngàn tổ….

Những tổ nuôi yến dựng trên vách núi.

Những tổ nuôi yến dựng trên vách núi.

Vào bên trong hang động, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoành tráng, kỳ vĩ mà thiên nhiên đã tạo ra. Những tổ yến đan khít vào nhau cùng những giọt nước tí tách rơi trên vách đá tạo nên những đốm trắng le lói như bầu trời sao. Bạn sẽ nghe thấy những tiếng chim non ríu rít và tiếng vỗ cánh bay của chim yến.

Nếu đến Hảo Yến vào mùa xuân, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên thấy hàng trăm, thậm chí cả ngàn con chim yến bay rợp trời, gọi nhau ríu rít. Tuy vậy, theo người dân bản địa, dù sống theo bầy đàn nhưng chim yến lại là loài nổi tiếng “chung thủy”, chúng sống thành từng đôi với nhau không hề nhầm lẫn. Chúng cùng nhau ghép đôi, cùng nhau vắt kiệt mình xây tổ để dâng đời món yến sào tuyệt hảo cùng câu chuyện tình yêu sắt son chung thủy của chúng. Câu chuyện về tình yêu chim yến cũng là ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi ghé thăm Hòn Yến.

Chim yến là loài chim quý nổi tiếng tri kỷ, chuyên cần.

Chim yến là loài chim quý nổi tiếng tri kỷ, chuyên cần.

Độc đáo ngôi chùa Phật Lồi

Ngoài phong cảnh đẹp, trên đảo Hòn Yến - Bình Định còn có những di tích lịch sử văn hóa từ thời vương quốc Chăm Pa từ thời Tây Sơn đến thời Nguyễn. Điển hình như di tích chùa Phật Lồi, nơi có pho tượng Chàm huyền bí. Đây là một trong những ngôi chùa linh thiêng và nổi tiếng nhất xứ võ.

Chùa Phật Lồi có tên chữ là Linh Sơn cổ tự. Chùa được xây dựng vào năm 1913, tọa lạc ở làng chài Hải Giang (nay đã dời về khu tái định cư Nhơn Phước, TP Quy Nhơn). Đây là ngôi chùa nhỏ nhưng có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa và tâm linh của người dân Hải Giang. Đặc biệt, chùa nổi tiếng khắp tỉnh với pho tượng Chăm được thờ tự có tên gọi là tượng Phật Lồi. Đối với người dân Hải Giang, tượng Phật Lồi là linh hồn của chùa Linh Sơn, là điểm đến tâm linh để người dân nơi đây cầu mong yên bình, biển yên gió lặng…

Pho tượng Phật Lồi với những giai thoại ly kỳ, linh thiêng.

Pho tượng Phật Lồi với những giai thoại ly kỳ, linh thiêng.

Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc vì sao pho tượng có tên Phật Lồi và được lấy làm tên gọi của ngôi chùa? Tương truyền, xưa kia, trong lúc cày ruộng, một người dân Hải Giang nhìn thấy một pho tượng từ lòng đất trồi lên. Sau đó, dân làng đã lập chùa để thờ pho tượng này. Chùa được đặt tên là Phật Lồi vì gắn với sự kiện tượng Phật lồi lên từ lòng đất.

Tượng Phật Lồi mà người dân sùng bái, thờ tự trong chùa là một pho tượng Chăm. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, đây là pho tượng thờ thần Siva, có niên đại thế kỷ 15, được tạc bằng đá sa thạch. Tượng cao 0,82 m, rộng 0,46 m, được thể hiện dưới dạng thần Siva đang ngồi trong tư thế thiền, tay trái đặt ngửa giữa hai chân, tay phải lần tràng hạt, gương mặt trầm tư.

Đây là tượng độc bản, có hình thức khác hẳn với các tượng thần Siva khác từng được phát hiện ở Bình Định. Đặc biệt, tượng được gắn chặt với tấm bia đá sau lưng, trên bia khắc 12 dòng chữ Chăm cổ từng là bí ẩn trong một thời gian dài. Tượng Phật Lồi tại chùa Linh Sơn là một trong những hiện vật Chăm Pa tiêu biểu tại Bình Định hiện nay.

Người dân làng chài Hải Giang đến giờ vẫn kể lại nhiều giai thoại ly kỳ liên quan đến tượng Phật Lồi. Chuyện kể rằng xưa kia có hai ngư dân của làng đang kéo lưới chẳng may trượt chân ngã xuống biển, mất tích. Dân làng tìm kiếm hai ngày nhưng không thấy, gia đình đã khóc cạn nước mắt, chỉ còn biết đến chùa cầu xin Phật Lồi phù hộ. Đúng vào lúc mọi hy vọng tưởng như đã hết thì dân chài thấy hai người đánh cá còn sống đang trôi trên chiếc phao cách nơi bị nạn 2 km. Ai cũng tin nhờ Phật Lồi cứu giúp mà hai người bị nạn thoát khỏi lưỡi hái thủy thần.

Trên Hòn Yến, cùng với chùa Phật Lồi có những điểm du lịch văn hóa tâm linh như núi Tam Hòa và những di tích Uy Minh Vương Lý Nhật Quang thời Lý. Nơi đây vẫn còn đó pháo đài Hổ Ky và nơi đặt súng thần công, nơi phòng thủ bờ biển thời xưa…

Đọc thêm