Bộ Giao thông Vận tải “thúc”, doanh nghiệp rục rịch giảm giá cước

(PLO) - Dù giá nhiên liệu đầu vào giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn chưa thực hiện kê khai và điều chỉnh giá cước vận tải cho phù hợp. Trước tình hình này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã tổ chức tọa đàm giá cước vận tải và giải pháp giảm giá cước vận tải.
Từ đầu năm 2014 đến nay, Liên Bộ Tài chính – Công thương đã 13 lần điều chỉ giá xăng và 19 lần điều chỉnh giá dầu (trong đó xăng 5 lần tăng giá, 8 lần giảm; dầu diezen 4 lần tăng giá, 15 lần giảm giá). Như vậy qua các lần điều chỉnh, giá xăng dầu hiện nay đã giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2013. Tuy nhiên qua khảo sát đánh giá chung cho thấy các DN vận tải vẫn chưa thực hiện kê khai và điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp.
Trước tình hình này, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì phối hợp với phối hợp Vụ Vận tải, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khảo sát, nghiên cứu và đánh giá cụ thể về tình hình thực hiện kê khai giá cước vận tải bằng ô tô hiện nay; đề xuất giải pháp để tăng cường quản lý  giá cước vận tải, góp phần đảm bảo giá cước vận tải điều chỉnh phù hợp với giá nhiên liệu, có báo về Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 30/11/2014.
Các Sở giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát và đánh giá tình hình giá cước vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn địa phương, chủ động nghiên cứu, đề xuất  với Ủy ban Nhân dân tỉnh các giải pháp để tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô, góp phần giảm giá cước vận tải nhất là trong giai đoạn hiện nay giá nhiên liệu đã được điều chỉnh giảm…
Các DN bắt đầu giảm giá cước
Trong buổi tọa đàm, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết: “Hiện nay cước vận tải đã bắt đầu giảm nhưng chưa đồng đều và giảm chưa sâu. Cước vận tải cố định đã giảm. Cụ thể vận tải miền đông (miền Nam), hơn 10 DN chủ động giảm giá cước. Một số hãng taxi ở Sài Gòn như: Mai Linh, Vinasun, Group giảm từ 300 – 2.000 đồng/km. Không riêng miền Nam, theo thống kê tại Hà Nội một số DN vận tải cũng đang rục rịch giảm giá”.
Không điều chỉnh giá cước vận tải hàng hóa theo sự lên xuống của giá nhiên liệu, thế nhưng được mời phát biểu, đại diện của tổng Công ty vận tải thủy cho biết giá cước vận tải đường thủy gần như thấp nhất so với các loại hình vận tải khác. 
“Trước kia, nhiên liệu chiếm khoảng 30% giá thành vận tải nên mỗi lần giá nhiên liệu biến động, tác động mạnh đến giá thành khiến nhiều DN gặp khó khăn. Tuy nhiên hiện nay, chúng tôi đã sử dụng biện pháp khoa học kỹ thuật, thiết kế nhiều gang tàu phù hợp với độ lạnh Việt Nam để giảm chi phí nhiên liệu xuống khoảng 17 – 18%. Do đó khi chi phí nhiên liệu tăng – giảm, chúng tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều như trước kia”. 
Khác với vận tải thủy, vận tải hàng không bị nhiều người cho rằng giá cước khá đắt đỏ. Lý giải về vấn đề này, đại diện của hãng hàng không Vietnam Airlines cho rằng: “Giá cước vận tải hành khách, hàng hóa hiện nay của chúng tôi là do thị trường quyết định. Chúng tôi đang áp dụng chính sách đa dạng hóa giá vé nội địa trên cơ sở giá trần Nhà nước quy định. Và so với mức giá trần cao nhất Bộ Tài chính quy định thì giá cước nội địa của chúng tôi thấp hơn rất nhiều. 
Ví dụ giá vé nội địa TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội, mức giá thấp nhất là 800 nghìn/chiều, cao nhất là 2.800/khứ hồi. Có thể nói chúng tôi điều chỉnh giá trên nhu cầu cơ sở thị trường, tập tính của khách hàng”. 
Bên cạnh đó, vị đại diện hãng Hàng không Vietnam Airlines cũng cho biết thêm hiện nay giá cước hàng không đang có xu hướng giảm và Vietnam Airlines cũng nằm trong xu hướng đó./.

Đọc thêm