“Trước mình chọn nghề, giờ nghề chọn mình!”
Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội năm 1996 với chuyên ngành Da liễu, bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Hưng (SN 1965, quê xã Hùng Tiến, Kim Sơn, Ninh Bình) được phân công về công tác tại Trung tâm Giáo dục Lao động số 06 đóng trên địa bàn xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) với nhiệm vụ chính là cắt cơn và giải độc cho người nghiện.
Vừa chập chững vào nghề, cùng với nỗi lo cơm áo, gạo tiền, trau dồi nghiệp vụ, BS Hưng và các đồng nghiệp còn phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy luôn rình rập. BS Hưng cho biết, lúc bấy giờ tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đã rất cao, nhưng vì tiếp cận thông tin y tế chưa kịp thời, ý thức phòng ngừa bệnh chưa cao, hành lang pháp lý về xét nghiệm HIV còn rất nặng nề nên nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS đối với các cán bộ y tế là vô cùng lớn.
Không chỉ vậy, bệnh nhân của BS Hưng thường là những người có “bề dày” tiền án, tiền sự và rất nguy hiểm, nhất là lúc họ “lên cơn vật” hoặc bị bệnh tật hành hạ. Bởi vậy, việc bị bệnh nhân tấn công, dọa dẫm (dọa giết, đốt nhà, lây truyền HIV…) đối với BS Hưng và các cán bộ y tế ở đây là “chuyện thường ngày ở phố huyện”.
Càng buồn hơn trong khi ở môi trường khác, cơ sở y tế khác, các BS được trọng vọng gọi là thầy, là bác… thì ở Trung tâm cai nghiện này, họ gọi các anh là “thằng này, thằng nọ”.
Bệnh nhân đã thế, ra ngoài đường các cán bộ y tế hoạt động trong lĩnh vực cai nghiện hay điều trị cho cho người nghiện, người nhiễm HIV đôi khi cũng bị mọi người kỳ thị, phân biệt đối xử.
Anh Hưng tâm sự, ban đầu anh cũng không tránh được nỗi buồn và thất vọng, thậm chí từng nghĩ đến chuyện “chuyển sang bệnh viện khác hoặc tìm một công việc khác để làm”, nhưng rồi lại dùng dằng với suy nghĩ: “Bao nhiêu năm nay mình đã gắn bó với Trung tâm này, không thể dễ dàng từ bỏ như vậy”.
Mặt khác, anh cũng trăn trở: “Nếu mình ra đi, nhiều anh em khác cũng sẽ ra đi. Tại sao mình không ở lại làm chỗ dựa tinh thần cho anh em?”. Cha mẹ anh cũng động viên: “Đây là một nghề con đã học, đã gắn bó với nó thì con nên tiếp tục. Hơn nữa, có nghèo khó và bệnh nặng thì người ta mới cần đến mình…”.
Những suy nghĩ đó cộng với lời khuyên của những người thân trong gia đình đã tạo thêm sức mạnh rất lớn động viên anh Hưng ở lại.
Những bó hoa cuộc đời dành tặng
Người đời vẫn nói: “Sinh nghề, tử nghiệp”, nó cũng đúng trong trường hợp của anh Hưng. Bởi đã không ít lần anh và các đồng nghiệp của mình bị bệnh nhân dùng bàn chải, vật sắc nhọn tự chế để đâm lén khi đang làm nhiệm vụ.
Nổi đình nổi đám nhất phải kể đến thời điểm năm 2000 khi anh và một y tá đang cho bệnh nhân uống thuốc thì bất ngờ gần 60 bệnh nhân đồng loạt phá cửa phòng xông ra tấn công cán bộ y tế và phá cổng tìm cách trốn ra khỏi Trung tâm. Cũng may lực lượng bảo vệ vào ứng cứu kịp thời.
Với vai trò của một Trưởng phòng Quản lý giáo dục khi còn làm việc ở Trung tâm 06 Tân Triều, sau này là BS điều trị cho bệnh nhân AIDS của Bệnh viện 09, BS Hưng đã cảm hóa, điều trị cho không biết bao nhiêu bệnh nhân. Anh động viên, khuyến khích, giúp họ hoàn lương làm lại cuộc đời. Anh bảo, đó chính là những đặc ân mà cuộc đời đã ban cho anh.
Anh nhớ mãi trường hợp một bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, được cơ quan công an đưa vào bệnh viện khi đã ngất xỉu ở lề đường và được tiên liệu là khó lòng qua khỏi. Nhưng thật lạ kỳ, anh đã điều trị cho người này vượt qua bạo bệnh, để rồi hôm nay, sau hơn chục năm gặp lại, anh ta vẫn khỏe mạnh và luôn nhớ ơn BS Hưng.
“Điều đó không chỉ động viên tinh thần các “BS AIDS” mà còn khích lệ mọi người tin vào điều kỳ diệu của cuộc sống và phấn đấu sống có lý tưởng, ý nghĩa hơn” – BS Hưng tâm sự.
Sau những lần gặp bệnh nhân cũ, BS Hưng thấy rất vui và phấn chấn, như thể những cố gắng, nỗ lực của mình đã được đền đáp và lời chào của mỗi bệnh nhân chính là những bó hoa mà cuộc đời đã dành tặng cho anh…