Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận sai sót trong việc dạy và học ngoại ngữ

(PLO) - Sáng nay (11/6), trong phần trả lời chất vấn của ĐB QH, Bộ trưởng Bộ GD &ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận kiểu dạy ngoại ngữ “không giống ai” của Việt Nam.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Chất vấn Bộ trưởng về việc tại sao đang triển khai đề án phát triển ngoại ngữ, trong kỳ thi vừa rồi, Bộ lại chỉ coi ngoại ngữ là một môn thi không bắt buộc, Nguyễn Thị Bích Nhiệm, ĐB Phạm Thị Hải đều cho rằng đó là một sự lãng phí. Bởi đề án phát triển ngoại ngữ đã được Chính Phủ phê duyệt, đã được triển khai với một kinh phí rất lớn.
Trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Phạm Vũ  Luận cho biết, việc thay đổi không coi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa rồi cũng nhằm đẩy mạnh chất lượng học ngoại ngữ. “Năm nay không thi bắt buộc là do chủ trương nhất quán phải đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ. Trong quá trình xây dựng đề án đổi mới căn bản giáo dục đào tạo,  chúng tôi có triển khai khảo sát, cho thấy cách dạy, cách học, cách thi không giống nơi đâu trên thế giới. Chúng ta học chủ yếu là ngữ pháp, nên hết phổ thông cũng không nói được. Người ta nói gì cũng không hiểu được gì.” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Từ những nhận định trên, Bộ trưởng Bộ DG&ĐT đã khẳng định: Nên dừng lại cách học này.  Thực tế là đội ngũ giáo viên ngoại ngữ của chúng ta chưa đạt chuẩn. Do vậy chúng tôi phân tích và quyết định phải thay đổi cách dạy, cách học để cho đúng hướng, rồi mới tăng tốc.
Bộ trưởng cho biết, những năm trước, chúng ta nói ngoại ngữ là thi bắt buộc, nhưng chưa phải là bắt buộc hoàn toàn, mà nhiều nơi vẫn có thể thay thế bằng những môn học khác.
ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm chất vấn bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Theo Bộ trưởng, giải pháp cho chất lượng ngoại ngữ hiện nay là đào tạo lại đội ngũ giáo viên, sau đó sẽ có bộ sách giáo khoa mới, cách học mới, cách dạy mới. Lúc đó, chúng ta có thể bắt buộc thi tiếng anh, để đảm bảo đúng hiệu quả chương trình. 
Trả lời câu hỏi về việc đề án đổi mới giáo dục chưa được áp dụng, đã thay đổi trong cách thi cử, điều đó có phải là bất hợp lý, trong khi quá trình của giáo dục là học rồi mới thi? Bộ trưởng cho rằng điều đó là hoàn toàn hợp lý. 
“Khi thay đổi thi cử, ta không làm đột ngột. Kỳ thi vừa rồi cũng là cách để thầy, trò tiệm cận dần với những đổi mới sắp tới, theo đó, sẽ chú trọng đến năng lực của học sinh hơn là khả năng học thuộc.  Kỳ thi vừa rồi có những thay đổi căn bản, chúng ta chú trọng kiểm tra kiến thực thực tế của các em, khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức, kiến thức chính trị, pháp luật, đạo đức công dân, tạo nên sự lan tỏa, các cháu hứng khởi làm bài.”
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ giáo dục đang nghiên cứu chương trình giáo dục theo lối phát triển năng lực, trên có sở đó ban hành bộ sách giáo khoa mới. Tiếp đó là phải thiết kế chương trình giáo dục, thi cử mới phù hợp với chương trình đó.
Điều tất yếu là các học sinh, thầy cô đang sử dụng chương trình hiện nay dù học chương trình cũ, nhưng  cũng phải thay đổi, phải vận dụng Nghị quyết 29 của Đảng  đề thay đổi cách dạy, cách học, cách kiểm tra./.

Đọc thêm