Bối rối vì sếp đề nghị trở thành "kiều nữ uống rượu, tiếp khách"?

(PLO) - Thay vì chìa ra tờ quyết định sa thải, sếp đưa ra một phương án để Lê suy nghĩ. Đó là cô vẫn sẽ được giữ nguyên công việc ở phòng chuyên môn, thậm chí còn được lên cấp quản lý, tăng lương, nhưng đổi lại Lê cũng sẽ được “đặc cách” là người chuyên cùng sếp đi tiếp khách, uống rượu với khách khi thương thảo các hợp đồng làm ăn.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Sinh ra trong một gia đình cả bố mẹ, họ hàng đều là doanh nhân nên ngay từ nhỏ Lê đã có máu kinh doanh. Cha mẹ cô thường nói đùa với bạn bè rằng: “Con nhỏ này chắc có sao Thủy – thần hộ mệnh của người buôn bán chiếu mệnh”. 
Ngay từ những năm tiểu học Lê đã biết kiếm ra tiền bằng cách mang truyện ở nhà đến cho bạn cùng lớp thuê đọc. Thi thoảng, “cô chủ nhỏ” còn tổ chức một ngày đọc miễn phí cho những “khách hàng” trung thành nên “quầy truyện cho thuê lưu động” rất đắt hàng. Số tiền thu được, Lê nhờ cha chở ra hiệu sách lựa mua những quyển truyện đang được yêu thích để về cho thuê tiếp. 
Cứ thế khoản tiền riêng của Lê sinh sôi nhanh chóng trong bụng con lợn đất. Khi lên cấp ba, bạn học cùng lớp rất nể Lê vì mỗi dịp nhà trường tổ chức lễ hội là quầy hàng của lớp Lê thu bộn tiền vì những chiêu kinh doanh đầy sáng tạo của cô. Suốt ba năm cấp ba, cả lớp có những buổi picnic đầy thú vị nhờ vào nguồn quỹ lớp dồi dào này…
Vì thế, cho nên chuyện Lê thi đỗ vào một ngân hàng lớn cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Cuộc thi tuyển phải có đến 200 người tham gia, nhưng vị trí công việc chỉ có 5. Tất nhiên, không chỉ có mình Lê sở hữu tấm bằng giỏi, nhưng khả năng thiên phú về tư duy kinh doanh đã khiến cô lọt vào mắt xanh của ban tuyển dụng. Biết tin, bạn bè của Lê hể hả chúc mừng và tiên đoán với khả năng của mình, nắm giữ một vị trí lãnh đạo trong ngân hàng sẽ là tương lai không xa của Lê. 
Nhưng, mọi sự lại không suôn sẻ như vậy khi đùng một cái chính sách siết chặt lại hoạt động ngân hàng được thi hành. Cộng với suy thoái kinh tế kéo dài nên không ít ngân hàng nặng thì giải thể, nhẹ cũng sáp nhập hoặc sa thải bớt nhân viên. Ngân hàng Lê đang làm việc tuy là ngân hàng lớn nhưng cũng không thể thoát khỏi vòng xoáy này. Rất nhiều nhân viên đã bị cho nghỉ việc sau một thời gian ngắn. “Cơn sóng” sa thải đã bắt đầu lan tới bộ phận chuyên môn mà Lê đang làm việc. Lê và các đồng nghiệp nín thở chờ đến ngày mình được mời lên phòng lãnh đạo.
Rồi cũng đến ngày đó, khi lãnh đạo cho người gọi Lê lên. Nhưng thay vì chìa ra tờ quyết định sa thải, một phương án đã được đưa ra để Lê suy nghĩ. Đó là cô vẫn sẽ được giữ nguyên công việc ở phòng chuyên môn, thậm chí còn được lên cấp quản lý, tăng lương, nhưng đổi lại Lê cũng sẽ được “đặc cách” là người chuyên cùng sếp đi tiếp khách, uống rượu với khách khi thương thảo các hợp đồng làm ăn. Viễn cảnh phải đi đêm về hôm, bất kể giờ giấc, phải tập uống rượu, rồi phải chấp nhận vô số những tình huống oái ăm có thể xảy ra khi rượu vào lời ra của những người khách khiến Lê rùng mình.
Ra khỏi phòng lãnh đạo mà Lê vẫn chưa thể có câu trả lời cho lãnh đạo và cho cả chính bản thân mình, vì cô đang giằng xé giữa câu chuyện chấp nhận để được tiếp tục thực hiện ước mơ công việc của mình, hay rời bỏ để làm lại từ đầu. Mà giữa lúc tình hình khó khăn như thế này, tìm một công việc mới, phù hợp đâu phải dễ. 
Nếu ở vào địa vị của Lê, bạn sẽ tính toán con đường tương lai của mình thế nào? 

Đọc thêm