Một tuần qua, một số cửa hàng, hàng quán ở các vùng xanh đã được mở cửa trở lại theo hình thức bán mang về. Những thông tin mở cửa trở lại của các cửa hàng F&B (dịch vụ ẩm thực) cũng được thông báo rộng rãi cho khách hàng trên các kênh bán hàng của từng thương hiệu nhưng đa phần các thương hiệu F&B đều gặp khó khăn, lúng túng kể từ thời điểm được chính thức mở cửa hàng đến nay.
Đại diện Pizza Hut cho biết, ngay sau khi thông tin được bán hàng trở lại, rất nhiều khách hàng đã hỏi, đặt hàng để ship hàng nhưng Pizza Hut chỉ giới hạn ship hàng ở các vùng xanh nên cũng không phục vụ được nhiều.
Ông Vũ Hiếu Trung - chủ nhà hàng Dominos (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tình hình thực sự khó khăn vì “mang tiếng” được nằm ở vùng xanh, được mở cửa sớm nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong khoản ship hàng, vận chuyển thực phẩm. Bởi Hà Nội mới chỉ mở một vài quận huyện, đa phần là các vùng ngoại thành nên hàng hóa không bán được bao nhiêu.
Các đơn hàng đặt ở các quận vùng xanh thì ship được, còn các đơn hàng ở các quận chưa được mở thì không đi lại được vì không có giấy đi đường. Chưa kể giá thực phẩm tăng khá cao do các đầu mối đều kêu khó khăn đi lại nên chi phí cho vận chuyển tăng mạnh. Do đó chuyện mở cửa hay không cũng là vấn đề cần phải tính toán vì nếu mở ra mà doanh thu không đủ bù chi phí mặt bằng, trả lương cho người lao động thì cũng không được.
Thêm nữa, Hà Nội mở một số vùng nhưng đa phần người lao động đã về quê hết nên bây giờ, theo ông Trung, “mở cửa lại lo vấn đề người làm”, từ vấn đề chi phí xét nghiệm COVID-19 đến cách thức di chuyển.
“Không biết Hà Nội có mở để số lao động ngoại tỉnh về được Hà Nội không, rồi chi phí xét nghiệm thế nào. Tôi đang lo nếu phải bỏ tiền đi xét nghiệm sẽ rất ít người chấp nhận chưa kể xe khách chưa được hoạt động trở lại thì người làm ở các địa phương khác về lại Hà Nội bằng cách nào. Bộn bề lắm, không biết Hà Nội sẽ xử lý các vấn đề ra sao. Chúng tôi vẫn đang “hóng” tin về những quyết sách mới của Hà Nội sau ngày 21/9” - ông Trung chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, chủ thầu xây dựng cũng bày tỏ nỗi lo lắng về việc chuẩn bị trở lại công việc thường ngày khi tiến độ các công trình đã được giục giã khá lâu. Sau ngày 21/9, Hà Nội sẽ cho mở dần các hoạt động xây dựng nhưng “toàn bộ số lao động đã về quê, tôi muốn quay trở lại công việc cũng chịu”.
Thêm nữa, người lao động cũng lo lắng về vấn đề điều kiện quay trở lại Hà Nội thế nào, công trình của ông Tiến thì nằm rải rác ở nhiều quận huyện như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Bắc Từ Liêm… nên “vẫn phải đành chờ những thông báo cụ thể của Hà Nội xem tình hình thế nào rồi mới quyết định mở lại công trường”- ông Tiến nói.
Chủ một gara ô tô ở quận Hai Bà Trưng cho biết “Chúng tôi cũng đang chờ đến ngày được mở cửa trở lại. Tôi được biết quận này đã có chủ trương được mở lại tất cả dịch vụ sau ngày 1/10. Có lẽ chúng tôi cũng chờ đến ngày được mở lại tất cả mới quay lại hoạt động chính thức vì tình hình hiện thời vẫn còn khá… mong manh. Các yêu cầu mở lại cũng gắt gao, trang bị thêm nhiều thứ để phòng chống dịch. Ví như lắp thêm camera, giờ mà gara nào cũng phải lắp thêm mới được mở cửa thì cũng phải ngồi chờ vì không biết các dịch vụ này đã được hoạt động trở lại chưa”.
Ngoài những khó khăn khách quan thì những chủ cửa hàng cũng “tự trang bị” thêm những cách phòng chống dịch tại cửa hàng dù được mở cửa trở lại, như những cửa hàng thực phẩm, tạp hóa vẫn duy trì “đóng cửa”, không để khách hàng vào cửa hàng mà chỉ đứng ngoài đọc yêu cầu, nhân viên trong cửa hàng sẽ chuẩn bị đủ số lượng hàng và mang ra cửa. Ngay cả các cửa hàng điện thoại, phụ kiện điện thoại ở các vùng xanh được mở cũng hạn chế tối đa khách hàng vào cửa hàng để “giữ an toàn tuyệt đối” cho cửa hàng.