Bốn nhiệm vụ trọng tâm

(PLVN) - Tính từ ngày 27/1, khi xuất hiện một số ca nhiễm Covid-19 mới, đến nay đã có khoảng 270 ca, 10 tỉnh, thành phố đã có người nhiễm.
Phun khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19.
Phun khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng, chống và dập dịch. Trong đó, tăng cường lực lượng, truy vết, tầm soát trên diện rộng… cùng với nhiều biện pháp phù hợp khác. Nhờ những biện pháp quyết liệt như trên, có thể nói chúng ta cơ bản kiểm soát tình hình, tuy vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, trước tình hình phức tạp hiện nay của dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ càng phải bản lĩnh, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trước và sau Đại hội XIII, với tinh thần cao nhất phục vụ người dân. Đó là, tập trung phát triển kinh tế, bên cạnh quyết liệt phòng, chống dịch.

Để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” như đã thành công trong năm 2020, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, tập trung triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII, cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần tư tưởng này. Tập trung tổng kết nhiệm kỳ và đề ra kế hoạch phát triển 5 năm tới bài bản. Trong đó, phải biết đổi mới tư duy phát triển, không ngừng đổi mới cách nghĩ, cách làm.

Thứ hai, tiếp tục quyết liệt phòng, chống, dập dịch với tinh thần không được chủ quan, kịp thời, đi trước dịch; đồng thời, phải thực hiện tốt mục tiêu kép. Ban chỉ đạo, Bộ Y tế phải có kế hoạch cụ thể chỉ đạo các địa phương chủ động cách làm, ngăn chặn dịch kịp thời. Thứ ba, tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, đẩy mạnh kinh tế trong nước, kinh tế quốc tế và kinh tế số. Thứ tư, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất công nghệ cao hàng đầu khu vực và thế giới.

Covid-19 trở lại từ ngày 27/1, không chỉ là vấn đề sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân mà còn là một thách thức không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Một trong các yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong Diễn văn bế mạc Đại hội XIII là: Khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế.

“Tôi khuyên các bạn là chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được..”, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời căn dặn cán bộ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần yêu cầu các ngành, các địa phương thấm nhuần tinh thần: “Kế hoạch 1, biện pháp 10, quyết tâm 20, làm đi làm lại đến cùng thì mới đạt kết quả tốt nhất”. Lịch sử 91 năm ra đời của Đảng và yêu cầu của đất nước cho thấy, dừng lại có nghĩa tụt hậu. Cuộc sống không cho phép.