Bến cảng tiếp tay cho xe quá tải
Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn khá bức xúc trước tình trạng mỗi ngày xuất hiện hàng trăm lượt xe quá tải chở vật liệu xây dựng, than từ cảng Hà Tư ùn ùn đi ra, gây nguy hiểm cho người đi lại và cày xới đường sá trên địa bàn.
“Mục sở thị” cảng thủy nội địa có tên Hà Tư này vào ngày 3/4/2015, chúng tôi đã chứng kiến từng đoàn xe “hổ vồ” (biển kiểm soát tỉnh Thái Nguyên) chở đầy than cám nối đuôi nhau từ cảng đi ra.
Theo ghi nhận của chúng tôi thì dưới sông, các máy xúc hối hả xúc cát đá, than từ xà lan đổ lên hàng loạt những xe “hổ vồ”. Trong cảng, máy ủi, máy xúc hoạt động ầm ĩ. Còn bên ngoài, đoạn đường từ Sóc Sơn đi Hiệp Hòa (Bắc Giang), hàng loạt xe tải (ước tích quá tải gấp rưỡi, gấp đôi) chạy tung hoành khiến cát, đá, than văng đầy xuống đường. Bất thường ở chỗ, không thấy bất cứ một cơ quan chức năng nào xuất hiện ngăn chặn vi phạm này.
Theo một số người dân ở đây thì bến cảng Hà Tư ngày càng được mở rộng cả về diện tích lẫn quy mô, được tăng cường bằng các thiết bị cơ giới như cần trục, băng tải …cạnh một bãi gỗ dăm rộng hàng nghìn mét vuông.
Chính quyền không biết hay làm ngơ?
Qua tìm hiểu, cảng Hà Tư do ông Trần Văn Hà (có địa chỉ tại Phố Nỷ, Trung Giã, Sóc Sơn) khai thác, sử dụng hàng chục nghìn mét vuông làm bến bãi trái phép.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Sóc Sơn cho biết, hiện trên địa bàn xã Trung Giã tồn tại nhiều bến bãi trung chuyển, cảng thủy, trong đó có cảng Hà Tư. Các bến bãi này đều hoạt động trái phép.
“Trước đó, Phòng TN&MT huyện đã tham mưu cho cấp ủy trực tiếp chỉ đạo xã Trung Giã nghiêm cấm không được cho các hộ ký hợp đồng, thu phí; đồng thời yêu cầu UBND xã Trung Giã xử lý giải tỏa các bến bãi đó, báo cáo về UBND huyện Sóc Sơn và Phòng TN&MT huyện. Nhưng mọi việc cũng chỉ dừng ở mức độ phạt hành chính. Sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí, chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra…”, ông Giang khẳng định.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, cán bộ Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn: “Trước đây khu vực bến bãi trên xã Trung Giã là nơi sản xuất kinh doanh của tập thể Hợp tác xã (HTX) khai thác cát sỏi Sông Công và Đa Phúc. Từ năm 1990 thì 2 HTX này giải thể nên các xã viên từng là thành viên của HTX được một phần diện tích nhỏ hoạt động kinh doanh cát sỏi (khoảng 100m2/1 xã viên)”.
Về hoạt động của cảng Hà Tư, ông Toàn cho biết thêm: “Để có diện tích như bây giờ, gia đình này mua thêm đất từ các hộ gia đình đất bãi ven sông, nhưng được cấp giấy phép kinh doanh khu vực đó”.
Cũng theo ông Toàn thì trong năm 2014, UBND huyện đã liên tục ra các văn bản yêu cầu các bến bãi nội thủy trên địa bàn ngừng hoạt động như: Văn bản số 1279 ngày 03/09/2014 về việc xử lý vi phạm đất đai, giải tỏa các bến bãi tại Trung Giã; Văn bản ngày 28/5/2014 phê bình Chủ tịch UBND xã Trung Giã không thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND huyện và yêu cầu phải tiếp tục có biện pháp quyết liệt trong việc giải tỏa các bến bãi trước ngày 10/06/2014;
Nhưng đúng thời hạn chót trên đây, ông Hà đã ký và ghi rõ trong một bản cam kết rằng: “Tôi đã sử dụng 3.181m2 tại vị trí nói trên nhưng từ đó đến nay chưa được sự đồng ý của các cấp chính quyền và tôi đã vi phạm trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất.... Tôi xin cam kết thực hiện đình chỉ hoạt động của bãi chứa; thu dọn toàn bộ cát sỏi, vật liệu và di chuyển toàn bộ máy móc, phương tiện ra khỏi vị trí bến bãi.....”. Cam kết là vậy nhưng đến nay, bến cảng Hà Tư vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức pháp luật. Đâu là nguyên nhân để bến cảng Hà Tư coi thường chính quyền, “đứng trên” luật pháp như vậy?
Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi được ông Đinh Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giã trả lời rằng: “Trước năm 2004, UBND xã có thu tiền phí hàng năm, nhưng đến năm 2005, do biết cảng không có phép nên xã không thu nữa. UBND xã cũng đã yêu cầu các chủ hộ kinh doanh trên khu vực đó phải làm thủ tục xin cấp phép, nhưng do thủ tục khó nên chưa thực hiện được”.
Khi được hỏi về tình hình hoạt động của cảng Hà Tư, ông Thọ khẳng định cảng này đã ngừng hoạt động. Nhưng khi được chúng tôi cung cấp những hình ảnh về hoạt động và việc mở rộng, kiên cố hóa bến bãi tại cảng Hà Tư thì ông Thọ ấp úng và…im lặng. Cuối buổi làm việc, ông Thọ nói: “Tôi không biết, những báo cáo trước gửi lên huyện là cán bộ chuyên môn làm, tôi chỉ ký. Nếu muốn hỏi rõ thì phải gặp Chủ tịch UBND xã, tôi không biết. Tôi không phải thường trực, tôi bận nhiều việc. Với lại, tôi là cấp Phó thì có cái khó của nó”.
Không biết “cái khó” của ông Phó Chủ tịch xã ở đây là gì, phải chăng đã có sự nương tay hoặc “bảo kê” cho cảng lậu hoạt động, thách thức pháp luật và dư luận? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com