“Cắm cờ” xong mới lo thủ tục
Mới đây, giới đầu tư và kinh doanh xây lắp chộn rộn khi hay tin một loạt dự án đầu tư xây dựng quốc lộ (QL) và cao tốc có giá trị từ vài ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng vi phạm thủ tục đầu tư. Ồn ào nhất là 2 Dự án BOT QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang và đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An) khi hai liên danh đầu tư dự án này đã “đi tắt”, khởi công trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án từ 5 - 13 tháng.
Việc khởi công, động thổ rình rang nhưng thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện mới đây còn được Báo PLVN chỉ ra tại Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khiến Bộ KH&ĐT phải có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và chủ đầu tư… yêu cầu giải trình. Cụ thể, theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư thì dự án chỉ được triển khai khi nhà đầu tư đã được Bộ KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư và thành lập xong doanh nghiệp dự án (Công ty BOT); tiếp đó mới đến các khâu lựa chọn nhà thầu thi công, chuẩn bị mặt bằng...
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Hoa, Chánh Văn phòng Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest - đại diện nhà đầu tư Dự án BOT QL1 Hà Nội - Bắc Giang cho biết ngày 23/7/2014, dự án này chính thức được Bộ KH&ĐT cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 79/BKHĐT-GCNĐTTN; ngày 10/4/2015 Sở KH&ĐT Bắc Ninh mới cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu cho Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang, nhưng trước đó (22/2/2014), liên danh nhà đầu tư dự án này đã tổ chức động thổ.
“Theo luật, như vậy là sai, nhưng trong bối cảnh công ăn việc làm quá khó khăn nên một số nhà đầu tư BOT đành làm vậy(?). Hơn nữa, qua việc tổ chức khởi công động thổ sớm, các nhà đầu tư muốn “cắm cờ” khẳng định với Bộ GTVT cũng như các địa phương nơi triển khai dự án rằng họ là chủ và sẽ quyết tâm thực hiện dự án đó”, một nhà đầu tư BOT đường bộ muốn ẩn danh nói với PLVN.
Thiếu, nợ vốn chủ sở hữu
Nguyên tắc quan trọng thứ hai khi triển khai dự án BOT là phải xác định rõ nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại của chủ đầu tư các dự án. Cụ thể, Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định: “Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư.
Đối với dự án có tổng đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 15% của phần vốn này; đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10% của phần vốn này”.
Rạch ròi tỷ lệ vốn chủ sở hữu là để tránh tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, trông chờ vào vốn vay ngân hàng. Bởi thực tế này từng xảy ra ở Dự án BOT QL1 đoạn Bắc Bình Định do Liên danh Tổng Công ty Thành An - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bắc Ái - Công ty CP Đầu tư và Phát triển Long Trung Sơn… ký hợp đồng với Bộ GTVT cuối năm 2013, thời gian “về đích” ấn định trước ngày 30/6/2015, nhưng đến cuối tháng 5/2015 nhà đầu tư vẫn thiếu phần vốn chủ sở hữu hơn 24 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Long Trung Sơn.
Liên quan vấn đề này, trước đó Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 8003 quy định năng lực tài chính của nhà đầu tư các dự án BOT, BT, trong đó nói rõ: nhà đầu tư phải đóng đủ 100% vốn chủ sở hữu trong vòng 90 ngày kể từ khi thành lập doanh nghiệp dự án, và chỉ được ký hợp đồng chính thức khi nhà đầu tư đã góp đủ 100 vốn chủ sở hữu.
Cứ theo quy định trên thì phần lớn các liên danh đầu tư mà chúng tôi vừa đề cập đều phạm quy. Cụ thể, dự án BOT QL1 Hà Nội - Bắc Giang dự kiến hoàn thành cuối năm 2015, nhưng đến nay vốn chủ sở hữu mà liên danh này đóng góp mới hơn 81% (404/496 tỷ đồng).
“Chúng tôi sẽ nỗ lực để dự án hoàn thành đúng cam kết với Bộ. Thời gian đầu triển khai, dự án gặp trục trặc về việc xác định bên đứng đầu trong liên danh. Sau đó, Văn Phú phải làm thủ tục để đảm nhận vị trí này thay Tập đoàn Đại Dương, vì thế tỷ lệ vốn góp của các bên phải thay đổi.” - Chánh Văn phòng Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest nói.
Ngoài việc thiếu, nợ vốn chủ sở hữu, khâu thẩm tra năng lực nhà đầu tư và cơ chế liên danh tại một số dự án cũng có vấn đề dẫn tới tình trạng nay “hợp”, mai “tan” hoặc nửa chừng đòi rút vốn… gây khó khăn, kéo dài tiến độ dự án. Ví dụ ở dự án BOT QL1 Bắc Giang - Lạng Sơn, hôm khởi công (tháng 7/2015) Bộ GTVT công bố dự án này do một liên danh gồm 6 doanh nghiệp đầu tư với số vốn hơn 12 ngàn tỷ đồng.
Nhưng mới đây, trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Hữu Long, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án An toàn giao thông (Bộ GTVT) thông báo: “Một bên trong liên danh này là Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC đã chính thức rút lui không tham gia dự án nữa. Chúng tôi quan sát thấy các bên trong liên danh này có gì đó hơi lủng củng!”.
Được biết, dù đã khởi công hơn 3 tháng nhưng đến thời điểm này, dự án trên mới hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; các thủ tục quan trọng khác như chứng nhận đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án vẫn chưa hoàn thành...
Giới am tường về xây lắp cho rằng, những dẫn chứng trên rất có thể mới chỉ là một phần của “góc khuất” BOT, bởi riêng đường bộ, cả nước hiện đang có hơn 40 dự án BOT. PLVN sẽ đi sâu chi tiết các dự án nêu trên trong thời gian tới.
Phải giải trình với Bộ KH&ĐT trước 15/10
“Liên quan đến kết luận về sai phạm tại Dự án BOT QL1 Hà Nội - Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vừa chỉ đạo nhà đầu tư dự án này phối hợp với tư vấn, nhà thầu và các đơn vị có liên quan khẩn trương giải trình, xử lý các tồn tại đề cập trong kết luận nói trên, đồng thời báo cáo Thanh tra Bộ KH&ĐT trước 15/10/2015. Thứ trưởng Trường cũng yêu cầu nhà đầu tư trước 10/10/2015 phải thẩm định, phê duyệt xong dự toán tất cả các gói thầu xây lắp...”.