Bức chân dung ánh sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(PLVN) - Tại sao lại gọi là “bức chân dung ánh sáng”, bởi lẽ được một nhiếp ảnh gia nổi tiếng với thể loại ảnh chân dung, phong cảnh và vi phẫu thực hiện đã nắm bắt được thần thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh – thần thái của một vị lãnh tụ vĩ đại mà rất mực giản dị.  

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), tại trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung”, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã giới thiệu một hiện vật độc đáo. Đó là bức chân dung ánh sáng của Hồ Chí Minh chụp năm 1946. 

Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Paris thực hiện chuyến thăm Cộng hòa Pháp với tư cách là thượng khách theo lời mời của Chính phủ Pháp. Trong bối cảnh thực dân Pháp đang âm mưu xâm lược Việt Nam một lần nữa, tách Nam Bộ ra khỏi Tổ quốc Việt Nam, Người đã đến Pháp với một quyết tâm cao độ giữ vững nền độc lập dân tộc mới vừa giành được và thiện chí vì tương lai bình đẳng, tốt đẹp trong quan hệ Việt – Pháp. 

Suốt bốn tháng ở Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành vận động hành lang, tăng cường các cuộc gặp gỡ tiếp xúc, để tranh thủ sự ủng hộ của kiều bào, nhân dân Pháp và bạn bè quốc tế. Bức ảnh chân dung ánh sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 do nhiếp ảnh gia người Pháp Laure Albin Guilliot chụp.

Bà Laure Albin Guillot (1879 - 1962) là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng với thể loại ảnh chân dung, phong cảnh và vi phẫu. Bà chuyên chụp ảnh chân dung các chính khách và những người nổi tiếng.

Bức chân dung ánh sáng năm 1946.
 Bức chân dung ánh sáng năm 1946.

Bức chân dung ánh sáng đã nắm bắt được thần thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như lời kể của một phóng viên từng được Người tiếp đón trong thời gian ở Pháp, đăng trên Báo Tự do (La Liberté, Pháp) số ra ngày 26/7/1946: “Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới tiếp tôi một cách rất giản dị, cử chỉ của cụ bao giờ cũng giản dị như vậy.

Cụ là một người đã có tuổi. Một cặp mắt rất tinh anh và hiền hậu, nét mặt hiền lành nhưng có vẻ kiên quyết, một bộ râu đen làm cho diện mạo của cụ thêm vẻ Á Đông. Cụ mặc một bộ quân phục, không trang sức gì cả. Giọng nói rõ ràng, minh bạch nhưng không chau chuốt, không làm kiểu cách. Cụ vững vàng nâng trên vai cả vận mệnh một dân tộc mà cụ là đại biểu những đức tính đặc biệt của dân tộc đó”. 

Sau đó bức chân dung được in thành nhiều bản để Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng ký tặng kiều bào và khách mời trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao. Một trong số những người được tặng đó là danh họa Lê Phổ - Phó Hội trưởng Hội Việt kiều tại Pháp. Trên bức chân dung tặng danh họa Lê Phổ, Người viết lời đề: “Tặng chú Lê Phổ, Chào Thân ái! Tháng 8/1946”. 

Đọc thêm