Buồn vui chuyện thôn chỉ có… 1 hộ dân

(PLO) - Thôn Tràng Sòi (xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) trước đây từng có 40 hộ dân. Vì điều kiện đi lại khó khăn, thiếu thốn trăm bề, dần dần các hộ chuyển đi nơi khác. Tràng Sỏi bây giờ trên giấy tờ còn tám hộ nhưng thực tế chỉ còn một hộ sống ở đây.  
Phải đi rất xa, trưởng thôn Nguyễn Các mới ra tới đường nhựa.

Tràng Sòi là một trong ba thôn kinh tế mới (cùng với Liên Phong và Trung Long) của xã Triệu Ái, được thành lập năm 1992 thuộc dự án kinh tế mới Tây Triệu Phong, mục đích từng bước hình thành các điểm dân cư mới, thực hiện trồng rừng phủ trống đồi trọc. Ngày đó, 40 hộ dân nghèo từ hai xã đồng bằng chật chội là Triệu Độ và Triệu Thuận lên đây để lập nghiệp.

Thôn 1 hộ, 3 nhân khẩu

Từ QL1A lên Tràng Sòi chỉ 7km nhưng phải đi xe máy hơn 30 phút. Đường gập ghềnh, nhiều ổ trâu, ổ voi, mỗi khi gió mạnh hoặc có xe chạy ngang qua bụi bay ngập đầu. Toàn cây rừng, dứa dại, chỉ vài mái nhà lúp xúp đóng cửa im ỉm, nằm lạc lõng giữa đồi núi mênh mông. Cả thôn có tám nóc nhà thì bảy nhà cửa đóng then cài. Muốn có ai đó trò chuyện phải tới điểm duy là ngôi nhà nhỏ gồm vợ chồng ông Nguyễn Các (73 tuổi) và người con trai.

Theo lời ông Các, ban đầu Tràng Sòi có 40 hộ, ai nấy đều nghèo. Mọi người lên đây được Nhà nước hỗ trợ gạo, được cấp đất rừng. Dù được quan tâm nhưng do cách trở giao thông, thiếu nước, không điện, không trường, không chợ nên đến năm 2000 “tụt xuống” còn 15 hộ. Những hộ này có người tới nơi ở mới, đa phần về quê cũ. Từ năm 2012 đến nay, trên danh nghĩa có tám hộ với dân số 21 người, thực ở chỉ duy nhất còn hộ ông. Bảy hộ kia vẫn còn rừng ở đây nên họ đi đi về về hoặc lúc nào thôn có việc thì lên tham gia. 

Tiếp lời chồng, bà Trần Thị Lợi (73 tuổi) nhớ lại: “Tôi quê Triệu Sơn, còn chồng ở Triệu Độ đều thuộc huyện Triệu Phong. Sau giải phóng, vợ chồng tôi lên thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) lập nghiệp. Thời gian đó nơi đây chi chít bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Vào năm 1983, trong lúc cuốc đất khai hoang chồng tôi gặp nạn mất một con mắt, gia đình lại về quê làm ruộng. Đến năm 1992, cả nhà lại quyết định đi lập nghiệp mong đổi đời nhờ rừng”.

Dù mắt yếu nhưng ông Các vẫn trồng 35ha rừng chủ yếu là tràm. Gần đây, ông trồng 10ha dứa do một dự án của tỉnh Quảng Ninh tài trợ. Ở đây chưa có điện, ông dùng dụng cụ lấy năng lượng mặt trời.

Ông Các định cư ở đây 26 năm thì có 18 năm làm trưởng thôn, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận, kiêm Chi hội trưởng Người cao tuổi, hiện mỗi tháng ông nhận 1,5 triệu tiền lương. Hai người về sống ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, gần quốc lộ 1A để con cái tiện học hành nhưng vẫn giữ chức đó là ông Hoàng Minh Phong (Công an viên), mỗi tháng được 1,1 triệu đồng và bà Võ Thị Ba (Chi hội trưởng Phụ nữ kiêm Chi hội trưởng Nông dân) hưởng 450 nghìn đồng/tháng.

Chỉ quản lý gia đình mình nhưng vị trưởng thôn này vẫn vui vẻ “khoe” các hộ trong thôn đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, tham gia không thiếu hoạt động gì. Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc, thôn cũng tổ chức có đầy đủ tám hộ tham gia, mời xã lên dự hẳn hoi. Nhiều năm liền đạt Thôn văn hóa tiêu biểu, tham gia tốt cuộc vận động Ngày vì người nghèo, tập thể Ban cán sự thôn xuất sắc…

Vị trưởng thôn nói: “Công việc tôi rất nhàn. Việc đóng góp chúng tôi đều thực hiện đầy đủ. Thôn không có hộ nghèo, không có đánh nhau, không bài bạc, không li dị. Vì những điều này nên tôi nhận rất nhiều bằng khen từ địa phương đến Trung ương”.

Các năm 2005, 2010, 2015, vị trưởng thôn này đều đặn được cử đi dự Hội nghị Người cao tuổi tiêu biểu có tinh thần yêu nước, giỏi về sản xuất tại Hà Nội. Vào năm 2015, ông có Bằng khen Trưởng ban Công tác Mặt trận giỏi cấp tỉnh. Ông cũng nhận được nhiều bằng khen trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Trong những năm làm cán bộ, ông Các được nhận tổng cộng 17 bằng khen, giấy khen các loại.

Sẽ sát nhập

Suốt 26 năm qua thôn Tràng Sòi “trắng” về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh sống thiết yếu như điện không có và chỉ một hộ dân thực ở. Vì sao chính quyền địa phương vẫn để chuyện này diễn ra? Chủ tịch UBND xã Triệu Ái Đặng Sỹ Dũng xác nhận thôn Tràng Sòi có tám hộ đăng ký hộ khẩu nhưng vẫn đầy đủ bộ máy tổ chức hành chính, đó là “vấn đề lịch sử để lại”, nhưng không giải thích rõ là thế nào. 

Triệu Ái có diện tích tự nhiên gần 11.000 ha thì Tràng Sòi đã chiếm đến 4.000 ha, chủ yếu là đất rừng. Thôn ít người nhưng vẫn có “văn võ bá quan”, theo Chủ tịch xã, ông đã đề xuất với huyện sẽ tinh giảm cán bộ nơi đây, chỉ còn chức trưởng thôn. “Có lẽ trong thời gian không xa, phải sát nhập Tràng Sòi với thôn khác, cụ thể khi nào thì các cấp có thẩm quyền xem xét sau”, ông Dũng nói.

“Cuối năm 2017, xã cùng với Phòng Nội vụ huyện có họp về vấn đề thôn Tràng Sòi. Chính quyền sẽ quan tâm đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng tôi đang đầu tư xây dựng công trình đường điện để thu hút dân đến sinh sống, dự kiến tháng 6/2018 nơi đây điện sẽ sáng. Đường lên thôn này trước là đường đi săn bắn của Vua Bảo Đại, trời mưa hầu như không thể đi xe máy được, mong sớm có dự án giao thông ở nơi đây”, ông Dũng nói.

Vì sao ông Các chỉ quản lý… gia đình mình nhưng lại nhận được nhiều bằng khen như vậy? Ông Dũng cho rằng, vị trưởng thôn này tuy tuổi đã cao nhưng rất có uy tín, là người chu toàn, có tinh thần trách nhiệm cao. “Ông Các giỏi trồng tràm, cao su, trồng rừng có chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp - NV), mới đây lại còn tiên phong đổi mới giống cây khi trồng thêm dứa. Nhiều người tìm đến ông để nghe lời khuyên hay tham khảo kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt”.

Không chỉ Tràng Sòi, theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ Quảng Trị vào năm 2013 thì tỉnh này có khá nhiều thôn rất ít hộ dân. Đơn cử như xã Hải Vĩnh (Hải Lăng) có sáu thôn thì đến ba thôn ít dân gồm thôn Thượng An chỉ 6 hộ/32 khẩu, thôn Lương Chánh 7 hộ/22 nhân khẩu và thôn Thuận Đức 11 hộ/47 khẩu. Xã Triệu Độ (Triệu Phong) có thôn Đồng Giám chỉ 7 hộ/30 khẩu. Thôn Phổ Lại Phường (xã Cam An, huyện Cam Lộ) chỉ 10 hộ/25 khẩu. Và đặc biệt, ngay phường Đông Giang (TP Đông Hà) có khu phố 10 với chỉ 18 hộ dân. Sát nhập hay tiếp tục duy trì, câu chuyện có lẽ cần sớm có quyết định chính thức.

Đọc thêm