Ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Ngọc Cơ nằm trên phố Nguyễn Khang (Hà Nội). Người chiến sĩ Ít-xa-la (Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào) một thuở nay đã ngoài 80 tuổi nhưng những kí ức về tuổi thơ, về một lòng trở về quê hương, bản quán và những kỉ niệm được gặp Bác Hồ dường như vẫn vẹn nguyên trong kí ức.
Bác Hồ, cờ đỏ sao vàng luôn thôi thúc trở về
Cha mẹ ông vốn là người vùng Ý Yên, Nam Định. Những năm 30, gia đình ông đã di cư sang Lào làm ăn sinh sống. Năm 1934, ông ra đời tại Thà Khẹt, Lào. Thời đó, người Việt di cư sang Lào làm ăn sinh sống quần tụ theo từng làng với những phong tục, tập quán không có nhiều thay đổi.
Sau năm 1940, phong trào cách mạng lan tỏa khắp Đông Dương, trong nhà những gia đình Việt Nam ở Lào bao giờ cũng treo ảnh Bác Hồ, cờ đỏ sao vàng trang trọng. Năm 1945, phong trào cách mạng bùng nổ khắp nước Lào, cậu thiếu nhi Nguyễn Ngọc Cơ lúc bấy giờ cùng thiếu nhi Việt kiều yêu nước vác súng gỗ tham gia cùng quần chúng nhân dân giành chính quyền.
Ngày 21/6/1946 giặc Pháp điên cuồng cho máy bay rải bom những khu vực đông dân cư của kiều bào ta và nhân dân nước bạn gây ra vụ thảm sát “hận Thà Khẹt” nổi tiếng trong lịch sử. Gia đình ông Cơ phải tản cư sang Thái Lan phiêu bạt.
Cuối năm 1950, tin tức về cuộc kháng chiến chống Pháp tại nước nhà bay sang đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước của những chàng trai, cậu bé Việt kiều yêu nước xa nhà như Nguyễn Ngọc Cơ. Ngày đó, việc đi theo kháng chiến phải diễn ra hết sức bí mật. Lân la, dò tìm mãi cuối cùng ước nguyện cũng đạt được khi ông tìm tới cửa hiệu giày của cụ “Sáu giày” tức cụ Đàm Văn Ninh, một gia đình Việt kiều yêu nước ở Thái Lan. Là anh cả trong gia đình, biết là bố mẹ không đồng ý nên ông đã tự làm đơn, mạo danh chữ kí bố mẹ để được nhập ngũ.
Theo chỉ dẫn của cụ Sáu, ông vội vã trở về chuẩn bị hành lý sáng mai lên đường. Biết tin, mẹ ông khóc không cho đi. Ông phải động viên: “Nếu mẹ khóc con bị lộ sẽ bị bắt”, mẹ ông mới đành lòng. Ông lục tìm mãi chỉ vẻn vẹn còn hai cái áo cộc tay và đôi quần soóc, chiếc quần ka-ki vàng cũ của bố cũng cho vào một chiếc làn cói để dành lớn rồi mặc.
Ngắm nhìn lại bàn thờ Tổ quốc với lá cờ đỏ sao vàng và hình ảnh Bác Hồ mà lòng chàng trai trẻ náo nức lên đường. Thế rồi, tối liên hoan tiễn ông nhập ngũ chỉ vẻn vẹn có đĩa xôi đỗ đen và ít muối vừng kèm với giọng nói nghẹn ngào của người mẹ thương con: “Con đi chẳng có gì, mẹ đã gói một gói xôi để mai con đem đi ăn đường...”. Rồi mẹ ông lục trong ruột tượng ra được 10 bạt ít ỏi đưa cho con, cùng với họ hàng tới chia tay, ông có tất cả 60 bạt để tòng quân…
Sáng hôm sau, ông lên đường nhưng mẹ và em gái vẫn phải đi chợ buổi sớm, bố ông vẫn phải chèo thuyền bán hàng trên sông Mê Kông, chỉ có đàn em nhỏ bấu chân, bấu tay bịn rịn không cho anh đi... Xe chạy tới Uđon, Thà Bò rồi nghỉ lại một đêm trong một xóm của bà con Việt kiều tại bản Trường. Tối hôm sau, ông cùng anh em vượt sông Mê Kông sang đất Lào trở thành chiến sĩ ít -xa-la (Quân đội cách mạng Lào).
Ông Nguyễn Ngọc Cơ |
Năm 1953, ông được phục vụ bảo vệ đồng chí Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam (sau đổi thành Đoàn 83 Viêng Chăn) có chuyến công tác về Việt Nam rồi lên Việt Bắc. Một buổi tối, trên chiến khu Việt Bắc, người lính trẻ Nguyễn Ngọc Cơ may mắn được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hình ảnh Bác trong bộ quần áo nâu giản dị, râu dài, nét mặt phúc hậu, tươi cười vẫy tay chào mọi người và hình ảnh vị Đại tướng tay xách chiếc đèn bão, đầu đội mũ nan, chân đi giày, hai ống quần xắn hơi cao… Đại tướng đi đến đâu ông đi theo tới đó để được nhìn ngắm thật kĩ vị quan võ trong kí ức tuổi thơ với bao mong ngóng, khắc khoải một ngày được trở về Tổ quốc, nay đã thành hiện thực. Khi Đại tướng đi tới sau cánh gà hội trường thì dừng lại trao đổi với một đồng chí cán bộ. Vừa lúc đó, cả hội trường vang lên vỗ tay reo mừng: “Bác đến, Bác đến”. Vậy là ông cuống lên chạy vào hội trường.
Bác tươi cười và giơ tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Bác đi đi lại lại thong thả và trò chuyện trong đó có đưa ra một câu chuyện người thật, việc thật giản dị mà thấm thía: “ Hôm nay Bác tới thăm lớp học tập huấn của các chú, các chú đã thu hoạch được nhiều… Bác được biết chú Phùng Thế Tài được trường khen thưởng, thế là chú đã tiến bộ. Bác còn nhớ hồi chú Tài sang Trung Quốc với Bác, chiều hôm đó chú Tài định mang về một con vịt rang muối làm thức ăn khô đi đường. Bác hỏi: “Vịt chú mua ở đâu?”. Chú Tài ngập ngừng, Bác nói ngay: “Kỷ luật dân vận rất nghiêm, không được đụng tới cái kim, sợi chỉ của dân…”. Sau đó chú Tài đã trả lại vịt cho dân. Nay chú Tài đã tiến bộ được biểu dương, Bác hoan nghênh”.
Tiếp theo, Bác nói chuyện rồi giao nhiệm vụ cho cán bộ trung cao cấp, quân đội. Lúc đó, ông chỉ chăm chú ngồi nhìn Bác cho thỏa lòng mong ước. Vả lại trình độ hiểu biết về chính trị của một chiến sỹ như ông còn hạn chế nên ông chỉ nhớ Bác dặn dò đại ý: “ Kế hoạch Na-va rất xảo quyệt, các chú chia nhau ra mà đánh trên khắp các chiến trường… Đánh cho tan kế hoach Na- va, nhất định ta phải đánh thắng lợi…”. Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay không ngớt.
Sau buổi nói chuyện của Bác vài ngày, các cán bộ về dự họp và tập huấn đã trở về các đơn vị.
Sau này, ông có nhiều lần được gặp Bác nhưng ông nhớ hơn cả là lần đầu ở Việt Bắc và lần cuối vào đầu năm 1969 tại Hội trường Ba Đình. Khi ấy, ông Cơ làm ở Ủy ban Hành chính Hà Nội, ông được lệnh lo hậu cần, phục vụ chuẩn bị lễ gặp mặt các anh hùng nên ông được mời vào tham dự. Khi đó, ông ngồi giữa hội trường và chỉ mải ngắm nhìn Bác cho thỏa. Ông Cơ chỉ nhớ, trong cuộc gặp mặt có mẹ Suốt anh hùng. Bác hỏi han, ân cần và tình cảm như người cha già trong gia đình.
Một kỷ niệm nữa mà ông có cơ duyên với Bác. Đó là năm 1976, khi đón Bác Hồ về Lăng, ông là người được lệnh chuẩn bị bảy vòng hoa cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào viếng Bác. Và ông cũng có may mắn là người cuối cùng trong đoàn viếng Bác đầu tiên đó.
Hòa bình lập lại, ông được chuyển về công tác tại Cơ quan Văn phòng CP 31 ( Văn phòng T.Ư Đảng), phục vụ các cán bộ cấp cao Lào sang thăm Việt Nam. Thời gian đó ông vinh dự được phục vụ anh Bảy (tức đồng chí Kay -xỏn-phôn-vi-hẳn) và anh Tám (tức đồng chí Khăm -tày-xi-phăn-đon) tại số 67 phố Nguyễn Du, Hà Nội. Được tin hoàng thân Xu -pha-nu-vông mới vượt ngục ở Viêng Chăn về Việt Nam ở tại số 93 Lý Nam Đế, Hà Nội, ông lại có vinh dự phục vụ hoàng thân một lần nữa.
Năm 1997, ông Cơ và đồng đội mới có dịp thăm lại chiến trường xưa. Các ông đã được đón nhận những tình cảm của nhân dân các bộ tộc Lào đón tiếp chân tình, trọng thị như đón tiếp những người con xa xứ trở về. Họ ra tận Cửa khẩu Lao Bảo đón đoàn và sau đó tiễn đoàn về tận thành phố Vinh như không muốn rời xa… Hàng năm, cứ đến ngày Tết độc lập của Lào, ông cùng những cựu binh khác lại đến đại sứ quán Lào để chúc mừng.