Sau Lễ viếng, lễ truy điệu Thiếu tướng, nhạc sỹ An Thuyên tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng - Hà Nội) kết thúc, thi hài Nhạc sỹ An Thuyên được chuyển lên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) an táng.
Là người theo đạo Phật nên trước khi tiến hành nghi lễ quân đội, các tăng ni phật tử đã làm lễ tụng kinh cho vong linh nhạc sĩ được hồi hướng siêu sinh tịnh độ. Rất nhiều người thân, nghệ sĩ, bạn bè, người hâm mộ không ngăn nổi dòng nước mắt tiễn đưa tác giả “Chín bậc tình yêu”.
Kết thúc Lễ an táng, một số ca khúc nổi tiếng và đặc biệt, một sáng tác mới nhất của Nhạc sỹ An Thuyên mang tên “Bao giờ về được ao quê” đã được vang lên, khiến nhiều người xúc động. “Bao giờ về được ao quê” sáng tác trước ngày nhạc sĩ mất.
Bài hát cuối cùng của nhạc sĩ An Thuyên được các nghệ sĩ nhiệt thành hòa âm dâng tặng vị nhạc sĩ tài hoa. Đây có lẽ là bài hát đầu tiên được công bố ở một nơi đặc biệt, khoảng khắc đặc biệt. Nhạc sĩ từng tâm sự, mỗi lần nhắc về quê hương là ông lại thấy trào dâng niềm cảm xúc. Những làn điệu dân ca cứ thấm vào ông, rồi trở thành máu thịt lúc nào không hay.
“Bao giờ về được ao quê” còn là lời nhắn hỏi, một chút tâm tình, ước ao của người con luôn hướng về quê nhà. Và giờ đây, ông đã tạm biệt “cõi tạm”, bình an phiêu diêu miền cực lạc.
Từ sự trân trọng và ngưỡng mộ với những đóng góp của nhạc sỹ An Thuyên với nền âm nhạc Việt Nam, Công ty CP ĐTXD và TM Toàn Cầu- Chủ đầu tư Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên đã tổ chức lễ đón nhạc sỹ chu đáo, tận tình nhất.
Lạc Hồng Viên nằm trên vị trí hội tụ đủ Tứ Linh: Long- Ly- Quy- Phượng. 9 quả đồi mang hình dáng một con rùa khổng lồ đang bơi cùng 9 con suối tự nhiên tượng trưng cho một đời người khi trở về nơi 9 suối.
Nhạc sĩ An Thuyên an nghỉ tại Khu đồi Mộc, nơi có dòng suối tự nhiên Thủy Long chạy quanh đồi. Nơi yên nghỉ của ông được hai con của nhạc sỹ lựa chọn, dựa theo tuổi, theo mệnh, theo sở thích lúc sinh thời của nhạc sỹ./.