191 sản phẩm được chứng nhận OCOP
Năm 2024, toàn tỉnh Cà Mau phát triển mới và tiêu chuẩn hóa 81 sản phẩm/43 chủ thể, trong đó, công nhận mới 57 sản phẩm/38 chủ thể đạt OCOP 3 sao. Đặc biệt, năm đầu tiên tỉnh Cà Mau có sản phẩm OCOP du lịch 3 sao (Điểm du lịch sinh thái - Homestay Hương Tràm (Chi nhánh Công ty TNHH dịch vụ lữ hành Cà Mau - nhà hàng sinh thái homestay Hương Tràm).
|
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trao Giấy chứng nhận cho các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2024. |
Đến nay, Cà Mau nâng tổng số sản phẩm được chứng nhận OCOP là 191 sản phẩm được công nhận OCOP (trong đó, 47 sản phẩm 4 sao, 144 sản phẩm 3 sao), vượt 14% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng 53 sản phẩm so với năm 2023.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Cà Mau đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, hỗ trợ 2 chủ thể tiềm năng về du lịch (Điểm du lịch sinh thái Cà Mau Eco (Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cà Mau); Điểm du lịch Sinh thái Homestay Hương Tràm (Chi nhánh Công ty TNHH dịch vụ lữ hành Cà Mau - nhà hàng sinh thái homestay Hương Tràm) lập hồ sơ đánh giá, chấm điểm đối với sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch tỉnh Cà Mau, kết quả đã công nhận Điểm du lịch Hương tràm U Minh đạt OCOP 3 sao, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Điểm du lịch sinh thái Cà Mau Eco đang hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP được các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh quan tâm, đẩy mạnh… Đến nay, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát đã ký kết hợp đồng xuất khẩu Bánh Phồng Tôm sang Đài Loan số lượng trung bình 01 container/tháng. Qua đó, góp phần đưa sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Cùng với đó, 65 sản phẩm của 27 chủ thể được đưa vào các hệ thống phân phối siêu thị trong và ngoài tỉnh;185 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử: madeincamau.com; 57 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử: Buudien.vn; 80 sản phẩm của 31 chủ thể kết nối sàn thương mại điện tử khác như: Lazada, Shopee, TiKi, Tiktok Shop,....
Ông Nguyễn Văn Quân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chương trình OCOP đến nay đã trải qua 5 năm thực hiện, trở thành phong trào rộng khắp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế tỉnh và xây dựng nông thôn mới… Nhiều sản phẩm khi được chứng nhận OCOP đã được nâng cao giá trị, sản phẩm bán ra thị trường với mức giá tăng cao; giúp người lao động có thêm việc làm ổn định, nâng cao đời sống và thu nhập.
Hiện, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cho 18 sản phẩm của 8 chủ thể đạt OCOP 4 sao. Đồng thời, có 08 tập thể và 10 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm”.
Nâng 240 sản phẩm đạt OCOP
|
Nâng hạng sản phẩm OCOP bánh phồng chuối và bánh phồng môn của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát (ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) 3 sao. |
Trong năm 2025, tỉnh Cà Mau đang hoàn thiện, nâng cao các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia Chương trình OCOP; tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP các cấp. Đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP đã được công nhận; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, tích cực tham gia hội chợ, hội thảo khoa học trong nước hướng tới thị trường xuất khẩu.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị - xã hội để thường xuyên đến các đối tượng sản xuất các sản phẩm OCOP tiềm năng. Đồng thời, khuyến khích thành lập các hội gồm các chủ thể có cùng nhóm sản phẩm OCOP (bánh phồng tôm, tôm khô,…) để phát huy lợi thế về quy mô đối với sản phẩm.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng hạng sản phẩm OCOP, lồng ghép chính sách từ các chương trình, dự án để hỗ trợ chủ thể nâng cao, phát triển, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP 5 sao theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Quân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau, cho biết thêm: “Năm 2025, Cà Mau đặt ra mục tiêu, nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP đạt 240 sản phẩm. Trong đó, có ít nhất 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 10% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. Có ít nhất 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường, rà soát, lựa chọn và tổ chức xây dựng sản phẩm OCOP gắn với “Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch”. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các mô hình thí điểm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP, trên cơ sở đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới gắn với văn hóa địa phương, có chất lượng, có tính cạnh tranh cao, bắt kịp xu hướng và thị hiếu khách du lịch”.
Theo đó, tỉnh Cà Mau đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm “Phát triển sản phẩm OCOP chế biến từ chuối gắn với vùng nguyên liệu hữu cơ tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau” thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (đợt 2), với vốn ngân sách Trung ương; ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác…
Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, cũng đang rà soát, bổ túc và hoàn thiện hồ sơ liên quan đến thẩm định, phê duyệt Báo cáo Kinh tế kỹ thuật theo quy định của Luật Đầu tư công,… trên địa bàn huyện U Minh.
|
Công nhân của Công ty TNHH SX - TM - DV Kiên Cường (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) cắt ra từng lát nhỏ để cho vào hộp. |
Theo ông Huỳnh Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Kiên Cường (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn), năm 2021, sản phẩm bánh phồng tôm của Công ty đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và đến 2023, nâng hạng lên 4 sao. Đồng thời, phát triển thêm 02 sản phẩm mới bánh phồng cua và bánh phồng tôm tít đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Dự kiến trong năm 2025, Công ty sẽ nâng hạng 02 sản phẩm bánh phồng cua và bánh phồng tôm tít từ 3 sao lên 4 sao. Cùng với đó, mở rộng thêm nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị máy móc… để cung ứng sản phẩm ra thị trường ổn định.
Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình OCOP gắn với lễ công bố giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh Cà Mau vừa qua, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương phải rà soát lại mục tiêu sản phẩm OCOP sát với thực tế của địa phương mình, nhưng phải với tinh thần phấn đấu hết sức mình, đạt nhiều sao sản phẩm OCOP càng nhiều càng tốt.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tiến hành rà soát, hướng tới nâng cao năng lực quan quản lý, hỗ trợ các chủ thể trong chương trình. Đồng thời, nâng cao năng lực của các chủ thể sản phẩm OCOP thông qua công tác đào tạo, tập huấn; hỗ trợ các chủ thể cùng sản phẩm hợp tác để thúc đẩy sản xuất, chất lượng sản phẩm ngày chất lượng cao hơn”.