Cà Mau đẩy mạnh sản xuất phát triển ngành hàng cua

(PLVN) - Cà Mau định hướng phát triển sản xuất ngành hàng cua với mục tiêu tăng trưởng 4% của khu vực nông nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2026 – 2030...

Nhiều mô hình nuôi cua hiệu quả

Cà Mau là tỉnh có nhiều lợi thế tự nhiên, có 3 mặt giáp biển, thổ nhưỡng và nguồn nước rất phù hợp để phát triển nghề nuôi cua biển – một trong những ngành hàng chủ lực mang tính đặc thù, có giá trị kinh tế, dinh dưỡng và thương hiệu cao.

Trong những năm gần đây, diện tích, sản lượng cua nuôi của tỉnh không ngừng tăng, trong đó, người nuôi cua đã áp dụng nhiều mô hình nuôi cua mang lại hiệu quả cao như: nuôi thâm canh, bán thâm canh áp dụng quy trình nuôi quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp tận dụng diện tích nuôi tôm quảng canh, nuôi cua trong hộp nhựa, nuôi cua trong ao, lồng.

Bên cạnh những lợi thế đang có, ngành hàng cua Cà Mau cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu áp dụng mô hình nuôi cua quảng canh kết hợp là chính, quy mô nhỏ lẻ. Ngoài ra, chất lượng cua giống có chiều hướng giảm, cùng với các tác động từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường làm cho tình hình dịch bệnh trên cua nuôi diễn biến phức tạp.

Cà Mau phát triển ngành hàng cua với mục tiêu tăng trưởng 4% của khu vực nông nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 70 trại chuyên sản xuất cua giống và 330 trại sản xuất luân phiên giống tôm sú và cua; có 7 tổ hợp tác, hợp tác xã và 300 cơ sở ương dưỡng nhỏ lẻ. Năm 2024 số lượng cua giống sản xuất khoảng 1,2 tỷ con, đáp ứng 100% nhu cầu cua giống thả nuôi trong tỉnh.

Tiến sĩ Quách Văn Ấn - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đề xuất giải pháp triển khai kế hoạch sản xuất phát triển ngành hàng cua Cà Mau: Tăng cường đầu tư khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo trọng tâm cho 3 khâu: sản xuất giống; quy trình công nghệ nuôi; bảo quản, chế biến sau thu hoạch;

Ưu tiên ngân sách và cơ chế hỗ trợ để nhân rộng kết quả mô hình khoa học và công nghệ hiệu quả, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng cua; xây dựng, thực hiện chương trình chuyển giao công nghệ, tập huấn kỹ thuật cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành hàng;

Huy động nguồn lực ngoài ngân sách, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tham gia tài trợ, đầu tư công nghệ nuôi mới; hình thành liên kết chặt chẽ giữa viện trường nhà khoa học - doanh nghiệp - hợp tác xã - người nuôi.

Cùng với đó, tỉnh cần xây dựng và đẩy mạnh ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, tem nhãn QR code cho cua thương phẩm; xây dựng, ban hành quy định quản lý, xử phạt hành vi mạo danh nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cua Cà Mau; gắn kết sử dụng nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý với các chương trình phát triển sản phẩm OCOP, tín dụng ưu đãi, xúc tiến thương mại cho cua Cà Mau.

Địa phương cần thúc đẩy xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao vị thế cua Cà Mau trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, để định hướng phát triển bền vững ngành cua Cà Mau đến 2030: Cần tăng năng suất - chất lượng - hiệu quả kinh tế ngành hàng cua thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho cả 03 khâu. Cụ thể, khâu giống: phát triển, chọn lọc nguồn cua bố mẹ, nguồn giống cua nuôi sạch bệnh, kháng bệnh; khâu phát triển mô hình nuôi; đa dạng mô hình công nghệ nuôi, nuôi nhiều giai đoạn, mô hình sinh thái - hữu cơ kết hợp, mô hình chuyên canh, bán thâm canh, thâm canh theo công nghệ tuần hoàn, an toàn sinh học.

Quy hoạch vùng nuôi tập trung, đầu tư đồng bộ hạ tầng như thuỷ lợi, giao thông, điện; phát triển chuỗi giá trị ngành hàng cua, chọn từ con giống, kỹ thuật nuôi, bảo quản, chế biến đến thị trường; thúc đẩy xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao vị thế cua Cà Mau trên thị trường trong nước và quốc tế....

Phấn đấu tổng sản lượng cua đạt khoảng 31.300 tấn

Với mục tiêu phát triển nuôi cua Cà Mau trở thành trung tâm lớn nhất của vùng ĐBSCL và cả nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề nghị, ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình nuôi cua đạt chuẩn, phấn đấu năm 2025 tổng sản lượng cua đạt khoảng 31.300 tấn, đến năm 2030 tổng sản lượng khoảng 40.000 tấn cua. Đồng thời, dự kiến hình thành các mô hình nuôi cua theo hình thức liên kết sản xuất, chuỗi tiêu thụ ngành hàng cua, diện tích nuôi cua kết hợp 260.000 ha, bán thâm canh 300 ha, nuôi trong hộp 3.000 hộp, tổng sản lượng 31.160 tấn, xuất khẩu từ 20 - 25% sản lượng.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất ngành hàng cua Cà Mau năm 2025 (Ảnh: Bích Ngọc).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: “Phát triển sản xuất ngành hàng cua Cà Mau có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 4% của khu vực nông nghiệp. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2026 – 2030".

Ông Lê Văn Sử chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các đơn vị liên quan sớm xây dựng đề tài nghiên cứu lai tạo gia hóa giống cua đảm bảo tăng trưởng nhanh, chống chịu tốt với dịch bệnh. Song song đó, tăng cường tập huấn kỹ thuật cho đối tượng sản xuất và ương giống. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất cua giống trên địa bàn tỉnh;

Tuyên truyền huy động sự tham gia của nông dân để tập huấn... nuôi xen canh, nuôi thâm canh, nuôi cua hộp để đánh giá, kinh nghiệm gắn với nhân rộng mô hình hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên giám sát môi trường, phòng chống dịch bệnh trên cua, để khắc phục tình trạng sớm nhất.

Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các mô hình nuôi cua biển hiệu quả, bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đẩy mạnh xây dựng chứng nhận vùng nuôi; Sở Công Thương nghiên cứu tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, kết nối giao thương trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm cua Cà Mau.

Liên minh Hợp tác xã hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới trong nuôi cua; kết nối các hợp tác xã với doanh nghiệp, tổ chức tài chính, nâng cao năng lực điều hành hợp tác xã. Theo dõi, đánh giá hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ gắn với phát triển kinh tế tập thể, nhất là hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất cua phát triển đúng định hướng.

Ông Trần Đoàn Hùng - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn, cho biết: “Huyện đã đề xuất các ngành có liên quan có chính sách về vốn ưu đãi đối với hình thức nuôi cua bán thâm canh, thâm canh. Đồng thời, phải có cơ chế đặc thù về giá sản phẩm cua chất lượng, nhằm khuyến khích người dân nghiên cứu, cải tiến sản xuất để tăng chất lượng, sản lượng.

Đồng thời, huyện đã đẩy mạnh các hoạt động liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, HTX, chính quyền địa phương và các tổ chức khác tạo ra mạng lưới phân phối có hiệu quả tại thị trường trong và ngoài nước nhằm đảm bảo việc tiêu thụ (đầu ra) sản phẩm được ổn định; trong đó, doanh nghiệp và HTX đóng vai trò chủ đạo trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, góp phần giữ vững thương hiệu “Cua Năm Căn - Cà Mau” vươn xa hơn trên thị trường trong thời gian tới”.

Đọc thêm