“Ca sĩ số 1 châu Á” Đặng Lệ Quân - Điệp viên bất đắc dĩ

(PLO) - Những người yêu thích ca nhạc ở độ tuổi 40-50, nhất là những người sống ở phía Nam hẳn chưa quên cái tên Đặng Lệ Quân (Teresa Teng) – cô ca sĩ Đài Loan xinh đẹp tài hoa nhưng đoản mệnh với giọng hát ngọt ngào qua các ca khúc nổi tiếng “Hà nhật quân tái lai” (Ngày nào anh trở lại), “Em chỉ có anh”, “Vầng trăng thay cho trái tim em”, “Ngọt ngào”, “Không cảng”… 
“Ca sĩ số 1 châu Á” Đặng Lệ Quân - Điệp viên bất đắc dĩ
Sinh năm 1953, đột ngột qua đời tại Thái Lan năm 1995, cái chết của Đặng Lệ Quân đã khiến hàng triệu người hâm mộ Châu Á rơi nước mắt xót thương. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau khi Đặng Lệ Quân qua đời, Cốc Chính Văn, một viên tướng tình báo của Đài Loan đã lên tiếng công bố: Đặng Lệ Quân là một điệp viên của cơ quan tình báo quân sự Đài Loan. 
Thông tin này đã gây sốc cho những người hâm mộ bà, mãi đến nay người ta vẫn còn tranh cãi về thân phận thực của Đặng Lệ Quân…
Sự nghiệp vinh quang
Đặng Lệ Quân sinh ngày 29/1/1953 tại Đài Loan, ông bố tên Đặng Khu quê Hàm Đan, Hà Bắc, vốn là một Thiếu úy quân đội Quốc Dân đảng (QDĐ) theo Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo Đài Loan năm 1949. Có năng khiếu ca hát bẩm sinh, năm 1964, khi 11 tuổi, Đặng Lệ Quân đã tham gia cuộc thi hát do “Đài phát thanh Trung Hoa” tổ chức và giành giải Nhất, 1 năm sau đó đoạt giải Vàng cuộc thi hát của hãng đĩa hát Kim Mã. 
Sau đó, Đặng Lệ Quân bắt đầu học thanh nhạc và tham gia biểu diễn tại các phòng trà, vũ trường. Đến năm 1969, Đặng Lệ Quân đã là MC rất nổi tiếng trên đài phát thanh, truyền hình, tham gia đóng phim nhựa “Cám ơn giám đốc”, năm sau được mời đóng vai chính trong phim “Tiểu thư mê hát”…từ đó sự nghiệp bắt đầu lên như diều gặp gió với hàng loạt giải thưởng lớn về ca hát và kỷ lục phát hành đĩa ở Đài Loan. 
Đầu thập niên 1970 bắt đầu chiếm lĩnh thị trường băng đĩa Hongkong và Đông Nam Á với các ca khúc “Thiên ngôn vạn ngữ”, “Hải vận”; Đặng Lệ Quân đã dành một năm rưỡi (từ 2/1971 đến 8/1972) tiến hành chuyến đi biểu diễn vòng quanh các quốc gia và khu vực Hongkong, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam (miền Nam) năm 1974 bắt đầu tiến vào thị trường Nhật Bản với ca khúc “Không cảng”. 
Năm 1980 bà giành giải thưởng Kim Chung Đài Loan giành cho ca sĩ xuất sắc nhất, sau đó được mời sang biểu diễn tại các trung tâm ca nhạc Lincolt, Los Angeles, Crown Las Vegas. Năm 1986 là đỉnh cao sự nghiệp của Đặng Lệ Quân với ca khúc “Em chỉ có anh” (bản tiếng Nhật) năm thứ 3 liên tiếp đoạt  cả 2 giải All Japan Cable Broadcasting Award và Japan Cable Award danh tiếng của Nhật – một kỷ lục lịch sử cho đến nay chưa ai tái lập được, được tạp chí The Time của Mỹ bầu chọn vào Top 7 nữ ca sĩ vĩ đại và Top 10 nữ ca sĩ được yêu thích nhất thế giới. Sau đó bà bắt đầu ẩn cư, năm 1989 tuyên bố không công khai biểu diễn nữa, trừ các show từ thiện.
Ngày 8/5/1995, Đặng Lệ Quân bị chết ở Chiengmai (Thái Lan) vì cơn hen đột phát. Cùng năm bà được truy tặng giải Kim (máy hát) Vàng của Hongkong, ban tổ chức các giải thưởng âm nhạc lớn nhất Nhật Bản truy tặng bà Giải công lao đặc biệt. Năm 1996, ban tổ chức giải Kim Khúc Đài Loan truy tặng bà giải Cống hiến đặc biêt. 
Tại Đại Lục, tháng 8/2009, nhân kỷ niệm 60 năm quốc khánh Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, trang mạng China.com của Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc đã tổ chức cuộc bình chọn “Nhân vật văn hóa có ảnh hưởng nhất Trung Quốc từ 1949”, Đặng Lệ Quân đã giành được 35,7% trong tổng số 24 triệu phiếu bầu, đứng đầu trong danh sách 60 người, vượt qua cả Lão Xá, Kim Dung, Quách Mạt Nhược…Nhân dịp 8/3/2010, Đặng Lệ Quân được các báo, đài Hoa ngữ trong, ngoài Trung Quốc bầu chọn là Người phụ nữ Trung Quốc đương đại có ảnh hưởng lớn nhất..v.v.
Trong thập niên 1970, 1980, số “Thiên vương”, “Thiên hậu” làng ca nhạc Hoa ngữ có không ít, nhưng số người được cả người nghe trẻ lẫn già, nam lẫn nữ, cả mấy thế hệ cùng yêu thích thì chỉ có Đặng Lệ Quân (lời ông Điền Văn Trọng, MC nổi tiếng của Đài truyền hình Đài Loan). Mặc dù nhiều năm qua, một số người dùng từ “tiếng hát ma mị” để nói về giọng hát của Đặng Lệ Quân với nghĩa không hay, nhưng như thế càng cho thấy mức độ quyến rũ của giọng hát độc đáo này.
Hiếm có nghệ sỹ Trung Quốc nào lại được đánh giá cao ở cả Đại Lục và Đài Loan như Đặng Lệ Quân. Nhân dân Nhật báo của Đại Lục nhận xét: “Đặng Lệ Quân là ngôi sao lớn không thể thay thế trong lịch sử âm nhạc người Hoa. Bà không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của nhạc Pop Trung Quốc, mà ảnh hưởng đến văn hóa cả cộng đồng người Hoa. Bà là một ca sĩ, cũng là một biểu tượng văn hóa”. 
Còn Đài BBC Hoa ngữ thì cho rằng: “Nơi nào có người Hoa, nơi đó có tiếng hát của Đặng Lệ Quân” – đó là sự khái quát điển hình nhất về mức độ lan truyền rộng rãi của giọng hát Đặng Lệ Quân.
Đặng Lệ Quân - điệp viên bất đắc dĩ của Đài Loan?
Chỉ ít lâu sau khi Đặng Lệ Quân qua đời, Cốc Chính Văn (1910-2007), Thiếu tướng về hưu, người từng đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Đài Loan đã tiết lộ trong một bài báo đăng trên tạp chí “Tin độc quyền” của Đài Loan: “Đặng Lệ Quân là nhân viên tình báo bí mật của Cục an ninh quốc gia Quốc Dân đảng Đài Loan , thuộc biên chế Phòng 3. Cơ quan phối hợp, hiệp đồng công tác với họ chính là Cục Thống kê tình báo quân sự (Quân Thống) của tôi”.
Sau đó ít lâu hai nhà báo Nhật Bản đã dành 4 tháng trời điều tra, lần theo mọi manh mối, dấu vết, viết và xuất bản cuốn “Sự thật về Đặng Lệ Quân” trong đó kết luận: “Chúng tôi khẳng định chuyện Đặng Lệ Quân làm gián điệp là chính xác. Vào thời mà bà sống (nửa cuối thập niên 1960), con đường mà bà chọn chỉ có một, tức là hiện thực xã hội khi đó đã bức bách Đặng Lệ Quân phải đi vào con đường làm gián điệp…Nền chính trị quốc tế lạnh lùng, tàn khốc đã xô đẩy Đặng Lệ Quân lên vũ đài chính trị…”.
Về chuyện Đặng Lệ Quân làm gián điệp, Cốc Chính Văn nói: Mùa Hè năm 1968, Đặng Lệ Quân nhận được thư từ Singapore mời sang biểu diễn Nhạc hội từ thiện tại Đại kịch viện quốc gia Singapore. Đặng Lệ Quân khi đó 15 tuổi đến cơ quan có trách nhiệm của Đài Loan xin làm thủ tục xuất cảnh. Do khi đó bà là người vị thành niên nên cùng xin xuất cảnh có bà mẹ là Triệu Tố Quế. 
Thời gian này Đài Loan vẫn đang trong thời kỳ quân quản giới nghiêm, mọi hoạt động xã hội của dân chúng và tự do cá nhân đều “ngoài lỏng trong quản chặt”, bất cứ ai ra hay vào Đài Loan đều bị cơ quan an ninh thẩm tra nghiêm ngặt, “ngay Bộ trưởng Ngoại giao cũng không có ngoại lệ” – Cốc Chính Văn nói.
Việc thẩm tra xuất nhập cảnh có một hạng mục rất quan trọng là người xin phép có thể lợi dụng điều kiện hiện có để làm công tác tình báo cho chính phủ hay không. Từ sau khi Tưởng Giới Thạch tổ chức lại hệ thống đặc vụ QDĐ năm 1949, phương châm hành động “đặc vụ chính trị” luôn chủ đạo quân đội, chính phủ và cả xã hội. 
Nhiều nhân sĩ, trí thức và văn nghệ sĩ đều bị đưa vào biên chế của các tổ chức đặc vụ tùy theo tình hình và điều kiện cụ thể; trong đó một bộ phận rất lớn bất đắc dĩ phải chấp nhận nhiệm vụ làm điệp viên cho tổ chức đặc vụ để đổi lấy visa xuất cảnh và thế là nhân viên tình báo của Cục an ninh quốc gia Đài Loan. Đặng Lệ Quân là một người trong số đó.
Cốc Chính Văn cũng nói: “Các nhân viên tình báo kiểu như Đặng Lệ Quân, về nguyên tắc khác căn bản với các điệp viên chuyên nghiệp. Họ không được giao những công tác điệp báo đòi hỏi phải có kỹ năng gián điệp đặc biệt, mà chỉ là lợi dụng điều kiện cụ thể của họ để đóng góp sức mình cho chính quyền QDĐ, nhiều khi chỉ làm công việc của người liên lạc, đưa tin mà thôi”. Ông ta cũng không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cho thấy Đặng Lệ Quân đã hoạt động thế nào, thu thập được những tin tức gì, từ những đối tượng nào…
Điều đáng ngạc nhiên là, dù việc Đặng Lệ Quân là điệp viên đã được khẳng định, nhưng hầu hết mọi người đều cảm thông, đồng tình với bà. Người ta bày tỏ: chính quyền Đài Loan lấy phê chuẩn xuất cảnh làm điều kiện trao đổi, ép buộc một thiếu nữ vị thành niên phải tham gia vào biên chế của cơ quan đặc vụ; là cách làm không thể chấp nhận. 
Các cơ quan báo chí quốc tế cũng cho rằng: nhà cầm quyền Đài Loan bất chấp thủ đoạn để thực thi “đặc vụ chính trị” xấu xa như thế thật là hiếm thấy. Bi kịch cuộc đời Đặng Lệ Quân chính là hình ảnh thu nhỏ của lịch sử chính quyền Đài Loan vừa phát triển kinh tế vừa thực thi “đặc vụ chính trị”. 
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 13, ra ngày 3/8/2015)

Đọc thêm