Các di sản bị thiên tai 'bào mòn'

(PLO) - Hàng năm Việt Nam phải đối mặt với hàng chục cơn bão ngày càng diễn biến phức tạp, đê vỡ, nhiều vùng bị lụt lội, ngoài những thiệt hại về người, về của thì di sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy nhưng, các hoạt động mang tính phòng ngừa tác động của sự biến đổi khí hậu đối với di sản ở Việt Nam những năm qua vẫn chưa rõ ràng.
Phố cổ Hội An ngập lụt, “run rẩy” trong mưa lũ.

Các di sản thế giới “run rẩy” trước bão, lũ

TS Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, Việt Nam có gần 4 vạn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố khắp trên cả nước. Hệ thống di sản văn hóa có giá trị là nguồn tài nguyên của đất nước. Thế nhưng, tài nguyên ấy đang kêu cứu bởi thiên tai, thời tiết. Do tác động của điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của khu vực như nắng nóng, mưa nhiều, nhất là lũ lụt thường xuyên, tình trạng biến đổi khí hậu, bão kèm theo gió mạnh, lốc xoáy hàng năm nên các kiến trúc cổ luôn đứng trước nguy cơ gặp nguy hiểm bởi sự tàn phá của tự nhiên.

Các di sản thế giới như Quần thể di tích kiến trúc Huế (Thừa Thiên - Huế), Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) năm nào cũng bị mưa bão ghé qua. Những bức tường thành cổ rêu phong của kinh thành Huế bị lốc cuốn nghiêng, chân thành bị ngâm nước gây lún sụt. Các lăng ven sông Hương bị ngập nước và bùn đất. Những công trình kiến trúc tráng lệ bằng gỗ sơn son thếp vàng có tuổi cả trăm năm luôn bị thử thách bởi mưa bão thường niên. Nhà vườn Huế “run rẩy” trước bão tố lũ lụt. 

Khu phố cổ Hội An bên bờ sông An Hội thơ mộng không tránh khỏi cảnh ngập lụt hàng năm. Theo khảo sát mới đây của Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, hiện có 58 di tích cổ kêu cứu, trong đó 38 di tích xuống cấp nặng. Do tác động điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của khu vực như nắng nóng, mưa nhiều, nhất là lũ lụt thường xuyên, tình trạng biến đổi khí hậu, bão kèm theo gió mạnh, lốc xoáy hàng năm nên các kiến trúc cổ  Hội An luôn đứng trước nguy cơ gặp nguy hiểm bởi sự tàn phá của tự nhiên.

Động Phong Nha trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cũng không tránh khỏi những cơn ngập lụt vào mùa mưa thường niên. Nước lũ, nước xoáy, va đập gây xói lở lòng hang động và đục khoét lòng sông dẫn vào hang. Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) có cảnh quan tuyệt đẹp của một vùng kinh đô cổ với những giá trị nổi bật toàn cầu. Đây là trung tâm kinh thành của Việt Nam vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, nơi các tầng văn hoá nối tiếp nhau trong lòng đất, lưu giữ các dấu tích cung điện, đền đài, đường sá.

Tuy nhiên, “nước chảy đá mòn”, lũ lụt là nỗi lo lớn nhất đối với di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Nền đất yếu, những bức tường đá có thể bị sụt lún, bị mất đi. Bên cạnh đó, mặt phẳng phía trên thành, đối mặt với mưa nắng cũng sẽ bị “bào mòn”. Có thể hình dung, mặt phẳng trên thành như mặt sân bóng, mưa xuống, ngấm vào các điểm kết nối của các tảng đá thì đá cũng sẽ bị ảnh hưởng đến kết cấu cũng như tường thành.

Đó là chưa kể tới, hàng trăm đình, chùa, miếu có niên đại một vài trăm năm đều bị xuống cấp nghiêm trọng do thiên tai tàn phá và sự vô tâm của con người. 

Nhận thức về hiểm họa thiên tai đối với di sản còn hời hợt

Các di sản “kêu cứu” nhưng việc tu sửa ra sao đang là thách thức lớn của những địa phương sở hữu di sản. Ví như việc tu bổ các ngôi nhà cổ Hội An không hề dễ dàng. Có thể thấy, hiện nay gạch, ngói (ngói âm dương bằng đất nung truyền thống) không đảm bảo về số lượng, chất lượng và cả về kích thước vật liệu. Nguyên liệu để sản xuất ngói âm dương là đất sét khan hiếm, vì vậy hay bị pha lẫn cát và nhiều tạp chất, có độ cong không đồng đều, chất lượng thấp, thậm chí một số lượng lớn ngói tự phân hủy chỉ sau từ 2- 3 năm sử dụng. Nguồn gỗ để phục vụ cho tu bổ cũng bị khan hiếm do cấm khai thác rừng. Vữa vôi truyền thống do không còn sản xuất nên được thay thế bằng vữa ba-ta có bán sẵn trên thị trường dẫn đến hiện tượng, ngày càng xuất hiện nhiều vết nứt, hở, kéo theo là sự thấm dột mái vào mùa mưa dẫn đến sự nhanh xuống cấp của di tích. 

Ngoài ra, kinh nghiệm, chuyên môn của đội ngũ thợ thi công tu bổ, đội ngũ cán bộ kỹ thuật quản lý trùng tu vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhận thức, hiểu biết về giá trị di tích chưa đủ cũng là tác nhân gây trở ngại, khó khăn cho công tác tu bổ, thậm chí làm sai lệch giá trị di tích sau khi tu bổ. Có thể thấy, trong thời gian qua, một số dự án, thiết kế tu bổ di tích đã làm không tốt công tác điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; không làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu phục vụ việc tu bổ, phục hồi di tích… dẫn đến việc các dự án, thiết kế đề xuất các nội dung, phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi không phù hợp. Nhiều dự án, thiết kế tu bổ di tích đề xuất xây dựng nhiều công trình mới trong khu vực bảo vệ di tích làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường di tích…

Những di tích cổ quý giá đang bị “biến dạng” và mất đi từng ngày trước sự xót xa của hàng triệu người dân Việt. Những câu chuyện “phá đi- xây mới” di tích được xới lên rồi lại rơi vào quên lãng như “đá ném ao bèo”.  

Một điều không thể không nói tới là việc một phần do nhận thức chung về hiểm họa của thay đổi khí hậu đối với di sản còn rất hời hợt. Các nỗ lực chung trong phòng chống thiên tai vẫn còn bị hạn chế, chủ yếu tập trung giải quyết các hiểm họa trực tiếp, đột xuất, ít có sự chuẩn bị mang tính phòng ngừa.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Hùng, để “cứu” di sản Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của Ủy ban Di sản thế giới như: Lựa chọn hệ thống pháp lý đáp ứng việc thay đổi khí hậu; Nghiên cứu đáp lại trước sự tăng nhanh của các yếu tố gây nguy hiểm như: hỏa hoạn, khô hạn, lũ lụt nhằm hỗ trợ cho các kế hoạch quản lý tài sản; nghiên cứu kinh tế - xã hội, như phân tích quan hệ vốn lãi, định giá sự mất mát về kinh tế do sự thay đổi khí hậu và định giá ngẫu nhiên, cũng như những nghiên cứu tác động của thay đổi khí hậu đối với xã hội, đặc biệt đối với truyền thống hoặc cảnh quan văn hóa, nơi lối sống đóng góp cho giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. 

Đọc thêm