Xu thế phát triển tất yếu
Quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050. Các đô thị tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu, nhưng đồng thời cũng là tác nhân của 70% lượng CO2 trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị.
Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Để giải quyết những thách thức trên, năm 2018, Mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN (ASCN) được thành lập tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 ở Singapore với vai trò một diễn đàn hợp tác giữa những thành phố của 10 quốc gia thành viên ASEAN nhằm hướng tới những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và bền vững với 26 đô thị thành viên. Năm 2018, ASCN xác định các mục tiêu, bao gồm nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng cuộc sống cao hơn. Trong đó, Việt Nam có 3 thành phố tham gia ASCN là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.
Với vai trò là thành viên tích cực của ASCN cũng như nhận thức sâu sắc xu hướng thời đại, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực phát triển đô thị thông minh, như coi xây dựng đô thị thông minh là một trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển đô thị thông minh bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030 trên cơ sở quy hoạch thông minh gắn với quản lý thông minh, cung cấp tiện ích thông minh, tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa chính quyền/nhà quản lý - người dân - nhà đầu tư.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan mô hình đô thị thông minh |
Mới đây nhất, tỉnh Lào Cai đã khởi động trung tâm phục vụ hành chính công cùng trung tâm điều hành thông minh (IOC) và khai trương trung tâm phục vụ hành chính công. mình để xây dựng trung tâm điều hành thông minh. Đây là địa phương thứ 28 trong cả nước, từ đồng bằng sông Cửu Long đến Tây Nguyên xây dựng IOC và những nền tảng số của đô thị thông minh. Điều đó cho thấy rất nhiều địa phương tại Việt Nam, không chỉ các thành phố lớn, đã xác định được việc xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển đô thị thông minh hướng đến xã hội số, nền kinh tế số là xu thế phát triển tất yếu.
Còn trong năm 2020, nhằm sơ kết 1 năm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đô thị thông minh, các hoạt động trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng vừa đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) với chủ đề “Đô thị thông minh - hướng tới cộng đồng bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.
Diễn đàn gồm 5 hội thảo chuyên đề tập trung vào các lĩnh vực then chốt trong xây dựng đô thị thông minh như quy hoạch và quản lý đô thị thông minh; phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh; giao thông thông minh; năng lượng thông minh; dịch vụ thông minh. Diễn đàn là dịp quan trọng để cùng trao đổi sâu sắc toàn diện về các kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong phát triển đô thị thông minh giữa các quốc gia, đô thị thành viên và thúc đẩy quan hệ đối tác ngoài khối.
Không thực hiện theo phong trào
Phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn, Thủ tướng cho rằng, phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn”, trong đó cần có những “người cùng chơi” có “tầm nhìn” và “tiềm lực”. Phát triển đô thị thông minh không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn có thể định hướng, dự báo được các vấn đề rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị. Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.
Để đạt được điều này, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam. Phát triển đô thị thông minh cũng phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình. Đồng thời, tiếp cận đô thị thông minh theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn |
“Các địa phương, cùng với phát triển các tiện ích thông minh, cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh” - người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Bên cạnh đó, cần thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, doanh nghiệp tạo nên, là đô thị có quan hệ xã hội tốt đẹp, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, quan hệ con người với con người nhân văn. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững.
Nhấn mạnh phát triển đô thị vẫn là một kênh tăng trưởng quan trọng của quốc gia, Thủ tướng nêu rõ, "đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, doanh nghiệp tạo nên, là đô thị có quan hệ xã hội tốt đẹp, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, quan hệ con người với con người nhân văn". Vì vậy, Việt Nam cũng chọn hướng phát triển đô thị thông minh để tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tốt hơn, hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân.
Đồng thời, Thủ tướng mong muốn các thành viên ASEAN nâng cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, cùng chung tay thực hiện tốt 5 ưu tiên của năm ASEAN 2020, bao gồm củng cố môi trường hòa bình, kết nối thịnh vượng, phát triển cộng đồng và bản sắc ASEAN, thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế và đẩy mạnh năng lực thể chế ASEAN.