Các thư tịch phả ký và dấu ấn Phật giáo thời Hùng Vương (Kỳ 1): Ngọc phả, thần phả - những cứ liệu lịch sử quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong mỗi gia đình, người Việt có Gia Phả để ghi lại lịch sử của gia tộc mình. Trong mỗi ngôi đình, đền có Ngọc Phả để ghi lại lịch sử của vị Thánh thần được cha ông ta thờ kính.
Các thư tịch phả ký và dấu ấn Phật giáo thời Hùng Vương (Kỳ 1): Ngọc phả, thần phả - những cứ liệu lịch sử quan trọng

Vấn lai dĩ sự tu vi sử

Tế nhận như đồ dục mệnh thi

Dịch: 

Hỏi kỹ chuyện qua mà chép sử

Thấy rành như vẽ mới biên thơ

1. “Trong mỗi gia đình, người Việt có Gia Phả để ghi lại lịch sử của gia tộc mình. Trong mỗi ngôi đình, đền có Ngọc Phả để ghi lại lịch sử của vị Thánh thần được cha ông ta thờ kính. Gia Phả hay Ngọc Phả được dùng để Thờ và lưu truyền lại cho con cháu muôn đời sau.

Ngọc Phả Hùng Vương, do đó chính là bản tóm tắt quốc sử của thời kỳ xa xưa nhất được dân gian lưu truyền lại qua hàng ngàn năm cho tới ngày nay. Ngọc Phả hoàn toàn không phải là cuốn sách ghi những chuyện bịa đặt hoang đường. Điều quan trọng chính là những dấu chỉ của ông cha để lại. Dấu chỉ ấy giúp chúng ta lần tìm về lịch sử thông qua những chi tiết tưởng như không thể có thật.” 

Trên đây là đoạn trích lời giới thiệu tôi đã viết cho lần xuất bản đầu tiên của cuốn sách Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc Phả sưu khảo do nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền Miếu Việt thực hiện. Cuốn sách được ra đời vào đầu năm 2020 đúng thời điểm cả đất nước đang kỷ niệm ngày giỗ tổ 10/3 và đánh dấu lần đầu tiên bản Ngọc Phả đang được thờ kính nơi mảnh đất tổ Phong Châu được công bố đầy đủ với phần dịch chú và khảo luận. 

Người Việt từ ngàn xưa cho đến nay, với ý thức hướng về nguồn cội, ông cha ta đã có một cách để lưu giữ lịch sử rất riêng qua việc thờ cúng tổ tiên. Chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu từ nơi những ngôi đền miếu để lần tìm về lịch sử dựng nước và giữ nước của tiền nhân qua hàng ngàn năm khuất lấp. Ngọc phả, thần tích, có thể có nhiều những câu chuyện mang tính biểu tượng, thần thoại và ly kỳ nhưng mỗi văn bản ấy chứa đựng những chi tiết cốt lõi của các sự kiện lịch sử. 

Lý do để bắt đầu công cuộc điền dã, sưu khảo và dịch bản Ngọc Phả này xuất phát từ quan điểm nghiên cứu của nhóm, đó là dùng đền miếu để định vị lịch sử và ngọc phả, thần tích chính là nguồn sử liệu quan trọng.

Như lời Hàn Lâm viện học sĩ – sử gia Hồ Tông Thốc, chúng ta “nên lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì sẽ rõ ngọc đá; thấy được tiếng vang hình bóng của lịch sử”.

Thần tích, thần phả hay Ngọc phả chính là nguồn sử liệu thành văn được Đông các đại học sĩ biên soạn sau đó triều đình giao các bộ và từng bản xã căn cứ làm điển thờ. Hùng Vương kim ngọc bảo giám thực lục là bản Ngọc phả Hùng Vương chính thức của quốc triều Nguyễn. Đây là bản Ngọc phả đầy đủ nhất đã gồm cả Bản I và Bản II. Theo ghi chép, sau khi soạn xong đã được khâm chỉ chuyển cho các quan đứng đầu các bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình, bộ Lễ và phó sứ (ngoại giao) để tuân mệnh sử dụng.

Chính vì lẽ đó, nội dung ngọc phả, thần tích thường đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và cộng đồng làng xã. Cũng như trong mỗi ngôi nhà người Việt, gia phả được thờ. Ngọc phả, Thần phả, sắc phong ở nơi đình, đền, miếu của người Việt cũng là bảo vật được cung kính đặt trong hòm gỗ hoặc ống sắc và thờ nơi khám thờ hoặc trong hậu cung. Đây chính là những quốc bảo thiêng liêng của dân tộc mà người dân bình thường hầu như không thể tiếp cận cũng như tự ý sửa chữa nếu không được triều đình, hoặc chức dịch trong làng xã chấp nhận. 

Câu đối ở đền Trung tương truyền của chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm (1767-1782).
 Câu đối ở đền Trung tương truyền của chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm (1767-1782). 

2. Có thể nói, ngọc phả, thần tích là những tư liệu cụ thể, tiệm cận được giá trị biểu đạt nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, phong tục và lịch sử của nhân dân, địa phương và dân tộc. 

Theo những căn cứ ghi chép trong ngọc phả, thần phả, xin lấy ví dụ như trong bản Hùng Vương thánh tổ ngọc phả, lần biên soạn thứ nhất: vào năm Thiên Phúc nguyên niên (tức năm 980 – Lê Đại Hành). 

Bản I này có tên là Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền miêu duệ tôn điệt ức vạn niên hương hỏa tự điển tôn sùng. Tựa đề lớn của bản này là Hồng Bàng Thị kỷ. Ngay từ tên gọi cho thấy đây là bản “tự điển”, tức là ghi chép các điển để thờ.

Nội dung của bản này bao gồm tên gọi, tên hiệu, mỹ tự truy phong, các ngày sinh, ngày hóa, tuổi thọ, số cung phi, hoàng tử, công chúa… của Đế Minh và 18 chi Hùng Vương, cùng thông tin ngắn gọn về một số sự kiện quan trọng nhất ở mỗi đời. Bản tự điển Hùng Vương này được ghi là “thuộc thư ký Lê Đại Hành”. Đây là một chi tiết rất quan trọng. Theo thiền sư Lê Mạnh Thát, vị “thư ký” của vua Lê Đại Hành là quốc sư Pháp Thuận.

Năm 1938, những nhà nghiên cứu người Pháp đã nhận ra phần nào giá trị đặc biệt của những tư liệu này và lập ra “hội khảo cứu phong tục” để nghiên cứu tư liệu, phong tục thờ cúng các vị thần của từng làng xã. Báo cáo của các chức sắc có đủ các bản chép thần tích, các sắc phong thần và phong tục thờ cúng với những đặc điểm riêng biệt của mỗi làng. Kho tư liệu đặc biệt này được lưu tại Viện Viễn Đông bác cổ, sau là Viện Thông tin Khoa học xã hội. 

Năm 1995, Viện đã lập Thư mục thần tích, thần sắc của 12.895 làng xã, tổng, phủ, huyện trên 53 tỉnh, thành cả nước và trở thành kho tư liệu sử quý giá của cả nước. Điều này đã cho chúng ta thấy nhận thức về tầm quan trọng của những văn bản đã được khẳng định. Tuy nhiên, đáng buồn thay, cho đến ngày nay vẫn còn nhiều sự quy chụp của các nhà “học giả” cho thần phả, thần tích là “hoang đường” và hoàn toàn bỏ qua nguồn tư liệu quý giá này.

Người Việt có câu: “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Với ý thức tưởng nhớ các vị có công hộ quốc an dân, dân làng lập đền thờ và tôn vị đó làm thần hoàng làng hoặc rước vào đình, đền, miếu để thờ kính như một vị phúc thần. Vị thần này sẽ che chở cho cuộc sống của nhân dân muôn đời được ấm no, đất nước được hòa bình thịnh vượng.

Đình, đền, miếu thờ tự và cất giữ thần tích, thần sắc để lưu truyền hương lửa đến muôn đời sau. Nơi thờ tự, đối với mỗi người dân Việt là một chốn thiêng liêng để thương tưởng, kính ngưỡng. Chúng ta cần có một thái độ đúng đắn để đi sâu tìm hiểu di sản của tổ tiên để lại có ý nghĩa gì và thông điệp của cha ông gửi gắm. Những trang ngọc phả, vẫn được các thế hệ ông cha truyền dạy phải lưu giữ trân trọng và hiện vẫn đang được “Thờ” tại các di tích từ bao đời nay. 

Xin nhắc lại lời của sử gia Hồ Tông Thốc (Việt Nam Thế chí tự): “Nước Nam ta ở vào dải nóng nực, trong cõi mênh mông, vua sáng đời nào cũng có. Dẫu núi sông rộng lớn, chia biệt mỗi lúc một khác, nhưng từ xưa đến nay, chỉ căn cứ vào tục truyền và dấu vết, hỏi về việc dĩ vãng thì nhờ các cụ già kể lại, xét nghiệm ở tương lai thì đã có các đền miếu cúng thờ".

(Kỳ sau: Từ Hùng Vương thánh tổ ngọc phả đến bài thơ thần của thần tích làng Yên Phú)

Đọc thêm