Các thư tịch phả ký và dấu ấn Phật giáo thời Hùng Vương (Kỳ 2): Từ Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả đến bài thơ thần của thần tích làng Yên Phú

(PLVN) - Những trang ngọc phả, vẫn được các thế hệ ông cha truyền dạy phải lưu giữ trân trọng và hiện vẫn đang được “Thờ” tại các di tích từ bao đời nay.
Cổng vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

* Kỳ 1: Các thư tịch phả ký và dấu ấn Phật giáo thời Hùng Vương: Ngọc phả, thần phả - những cứ liệu lịch sử quan trọng

Nơi thờ tự, đối với mỗi người dân Việt là một chốn thiêng liêng để thương tưởng, kính ngưỡng. Chúng ta cần có một thái độ đúng đắn để đi sâu tìm hiểu di sản của tổ tiên để lại có ý nghĩa gì và thông điệp của cha ông gửi gắm. Những trang ngọc phả, vẫn được các thế hệ ông cha truyền dạy phải lưu giữ trân trọng và hiện vẫn đang được “Thờ” tại các di tích từ bao đời nay.

1. Tại Đền Hùng (núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ), 3 khu đền Thượng, đền Hạ và đền Trung trong quần thể di tích đều đặt 3 ngai vị có ghi:

- Đột ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng Thị thập bát thế Thánh vương

- Ất Sơn Thánh vương

- Viễn Sơn Thánh vương

Ban quản lý đền và những người dân nơi đây cho rằng, đây là ba vị thần núi, tương ứng 3 ba chòm núi Nghĩa Lĩnh, núi Trọc và núi Vặn ở vùng Việt Trì. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao đền Hùng lại thờ ba vị thần núi? Tại sao ngai thờ quốc tổ vua Hùng nước ta lại là 3 vị thần núi? Vậy vua Hùng là ai?

Với quan điểm, dùng di tích đền miếu để định vị lịch sử và căn cứ Ngọc phả, thần tích, thần sắc để làm cứ liệu lần tìm về những giai đoạn xa xưa của dân tộc, chúng tôi đã sưu tầm, dịch và khảo các bản ngọc phả Hùng Vương được lưu giữ trên vùng đất tổ Phong Châu. Trong đó, bản Hùng Vương Thánh tổ ngọc phả lưu tại đền Vân Luông chính là tư liệu trả lời cho những ngai vị được cho là của ba vị thần núi hiện đang được thờ tại đền Hùng.

Phần thứ nhất trong bản ngọc phả có tên Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền tự điển, trong đó ghi chép đầy đủ các tên gọi, ngày sinh, thời gian trị vì của các đời vua Hùng.

Theo cuốn điển thờ này, Đột Ngột Cao Sơn là mỹ tự truy phong (tên thờ) của Hùng Quốc Vương - người con trưởng trong trăm người con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tương tự, Viễn Sơn là thụy hiệu của Hùng Hy Vương và Ất Sơn là thụy hiệu của Hùng Hi Vương, 2 vị vua Hùng kế tiếp Hùng Quốc Vương.

Trang thần tích Yên Phú với bài thơ thần.

Như thế, đền Hùng ở Phú Thọ thực chất là thờ 3 vị vua Hùng đầu tiên của thời đại Hùng Vương, là những vị vua Hùng được ghi chép trong điển thờ quốc gia (ngọc phả). Không thể có chuyện quốc tổ người Việt lại là 3 vị thần núi.

2. Từ nền tảng của Hùng Vương thánh tổ ngọc phả, chúng tôi dần dần giải mã được những dữ liệu lịch sử còn khuất lấp qua những bản thần tích tại các di tích thờ tự tại khắp các làng xã của vùng đồng bằng Bắc bộ.

Khi kết hợp và xâu chuỗi thông tin từ các bản thần tích, một giai đoạn văn hóa tín ngưỡng của dân tộc được hiển lộ. Cụ thể, trong bài viết này, chúng tôi muốn nói tới dấu ấn Phật giáo từ giai đoạn Hùng Vương mở nước cho đến thời kỳ Hai Bà Trưng qua một bài thơ thần được chép lại trong một bản thần tích.

Làng Yên Phú (Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội) hiện còn lưu giữ bản thần tích kể về 2 vị thủy thần xuất thế là Trung Vũ và Đài Liệu, đã cùng với mẹ nuôi là vị sư nữ Phương Dung tham gia giết giặc lập công trong khởi nghĩa của Trưng Vương. Thắng trận, hai ông trở về bản quán, lệnh cho binh sĩ cùng nhân dân tu sửa ngôi miếu, là nơi thờ phụng của làng Yên Phú trước đây. Nhân đó hai ông ứng khẩu thành thơ rằng:

Từ cổ đế vương muôn triệu dân,

Theo thần tất phải giữ tinh thần

Sự truyền không dễ phân Chân, Ảo

Nhớ lại Sơn triều Phật chính Chân.

Như thế, thời điểm đạo Phật đã thịnh hành ở nước ta được ghi lại ít nhất là từ năm 110 trước Công nguyên trong thần tích Yên Phú. Thần tích đúng là “sự truyền không dễ phân Chân, Ảo”, nhưng bài thơ của thần ở Yên Phú lại còn có một sự khẳng định đáng kinh ngạc hơn khi đọc câu thơ cuối cùng:

Nhớ lại Sơn triều Phật chính Chân.

Vào thời kỳ Trưng Vương sau kỷ nhà Triệu mà “nhớ lại” thì chỉ có thể là về thời Hùng Vương. Nguyên văn trong bài thơ chữ Nho là “Hồi tưởng Sơn danh Phật tức Chân”. Cụm từ “Sơn danh” thực chất là chỉ thời Hùng Vương vì các vị vua Hùng đầu tiên được thờ ở đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh tại Phú Thọ đều là các vị “Sơn thánh”. Đền thờ quốc tổ Hùng Vương ở xã Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ thờ 3 vị vua Hùng như đã đề cập ở phần trước là:

- Đột Ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng Thị thập bát thế Thánh vương;

- Viễn Sơn Thánh vương;

- Ất Sơn Thánh vương.

Các bản ngọc phả Hùng Vương viết dưới thời Lê thường có tên gọi là Hùng Vương Sơn - Nguyên Thánh tổ Tiền Hoàng đế, chỉ vị Thánh tổ ban đầu của triều đại Hùng Vương Sơn. Nói cách khác chữ Sơn ở đây cũng là chỉ thời đại Hùng Vương.

Thêm vào đó, các bản thần tích như cuốn Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả đều chép chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ chia 50 con theo cha về biển, làm Thuỷ tinh. 50 con theo mẹ về núi, làm Sơn tinh. Người con trưởng của dòng theo mẹ lên núi, lên ngôi lập nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Trong các thần tích “Sơn thánh” thực ra chính là chỉ các vị vua Hùng, hoặc các nhân vật trong dòng theo mẹ Âu Cơ đi cai quản miền rừng núi.

Với hiểu biết về nghĩa của từ “Sơn danh” như vậy thì câu thơ cuối trong bài thơ thần ở Yên Phú: “Hồi tưởng Sơn danh Phật tức Chân”, là một sự khẳng định rằng: Đạo Phật ở nước ta đã có từ thời Hùng Vương Sơn thánh.

Cho đến nay, trong nhận thức/quan niệm của đa số các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ gần như chỉ được giới hạn ở phạm vi hành chính của các làng xã thuộc thành phố Việt Trì và một phần của huyện Lâm Thao, mà trung tâm rực rỡ nhất là khu vực Nghĩa Lĩnh - Hy Cương.

Còn lại, tại hàng trăm làng xóm của xứ sở này, nơi có các di tích tín ngưỡng gắn với các hiệu danh Cao Sơn Thánh Vương, Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương, Cao Sơn - Sơn Tinh, Cao Sơn - Quý Minh hoặc thờ riêng Cao Sơn như một vị thần chủ độc lập, được nhiều học giả cho rằng, tất cả đều là dấu tích của những sinh hoạt tín ngưỡng thờ thần núi (suy từ chữ “Sơn” mà ra!), hiện thân của tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy, do cư dân Việt - Mường sáng tạo thuở xa xưa! Tuy nhiên, soi vào thực tiễn thì hiện trạng của không gian văn hóa tín ngưỡng gắn với tục thờ cúng các vua Hùng lại vô cùng rộng mở, hiện tồn nhiều chứng cứ và vết tích văn hóa qua hàng trăm năm.

… Lần đọc các bản ngọc phả, thần tích và sắc phong hiện đang lưu giữ tại khu vực đền Hùng và các vùng phụ cận, một số bài cúng được chủ tế xướng lên tại các điện thờ thuộc các làng xã huyện Lâm Thao, thành phố Việt Trì, cùng tài liệu Hán - Nôm lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội), có thể nhận thấy trong nội dung của những nguồn tư liệu này có ghi các tước hiệu, mỹ tự của các vua Hùng được triều đình nhà nước phong kiến phong tặng/truy tặng (chủ yếu hiện còn từ thế kỷ XV trở về sau).

Trong mục Thần tích xã Vi Cương, tư liệu hiện đang lưu trữ tại kho sách Viện Nghiên cứu hán Nôm, Hà Nội, ký hiệu EA9/25, đọc phần Ngọc phả cổ truyền viết về Hùng Vương, tại tờ 27b có lưu thần tích xã Vi Cương thuộc phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, được khắc ngày 14 tháng 8 niên hiệu Đại Nguyên thứ 2, ở mục Cung miếu điện của các vị Hùng Vương thánh tổ Nam thiên đại bảo triều trước, liệt kê danh sách các vị vua Hùng được thờ, trong đó có ghi 3 người gắn với các tước hiệu: Hùng Vương thánh tổ Nam thiên đại tiền hoàng đế khai quốc hồng đồ Đột Ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị nhất thập bát đế thánh vương Hùng Nghĩa Vương thần tông ân thâm hoàng đế; Hùng Vương Viễn Sơn thánh vương ân trạch phổ huệ thánh vương; và Hùng Vương Ất Sơn thánh vương trợ thắng công bình hoàng đế. Trong mục Thần tích xã Tiên Cương, phủ Lâm Thao, ký hiệu AEA9/31, ở tờ 17a, có bản Ngọc phả mang tên: “Ngọc phả cổ truyền về mười tám đời Cao Sơn Thánh Vương họ Hùng nước Việt cổ”, trong đó kể lại sự tích về “Hùng Vương Thánh tổ Tiền Thái tổ Cao Sơn Minh Vương hoàng đế”…

(Trích bài viết: Không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của PGS.TS.Bùi Quang Thanh)

Đọc thêm