Pharaoh trẻ nhất lịch sử Ai Cập cổ đại
Sinh ra vào khoảng năm 1341 trước Công nguyên ở vùng Ankhetaten, mà ngày nay là Tell el Amarna), Tutankhamun ban đầu tên là Tutankhaten, có nghĩa là “Hình ảnh sống của Aten” - vị thần được tôn kính nhất cuối thời cai trị của vua Akhenaten (1353-1335 trước Công nguyên). Vua Tutankhamun là con trai của Akhenaten với thứ phi Kiya. Ông là thường hay được gọi theo cách thông dụng là Vua Tut.
Khi Tutankhamun còn nhỏ, ông đã được dạy dỗ trong cung điện của nhà vua, lúc đó đế quốc đã mất quyền cai trị vùng đất phía Bắc mà ngày nay là Syria. Nhà sử học Paul Johnson cho rằng từ bé, thái tử Tut đã sinh ra và lớn lên tại Amarna, thủ đô mới của Ai Cập cổ đại.
Khoảng 5-6 năm trước khi Tut sinh ra, Akhenaten đã dời đô về Amarna, nhằm cách ly khỏi nạn dịch hạch đang hoành hành tại các thành phố đông đúc của Ai Cập và cũng để thay đổi hệ tín ngưỡng tôn giáo từ thờ thần Amun chuyển sang đạo Thebes thờ Chúa Trời, trong đó, vị Chúa Trời được tôn sùng nhất là Aten.
Akhenaten cũng đồng thời đóng cửa các đền thờ các vị thần khác, và quân lính của ông bôi thêu dệt những câu chuyện bôi nhọ thần Amun và các vị thần khác, đập phá các bức tượng, làm dân chúng kinh hoảng. Một buổi lễ kỷ niệm hai thiên niên kỷ được tổ chức với mong muốn đem lại bình yên cho thế giới và mang lại cuộc sống vĩnh cửu ở kiếp sau. Tuy nhiên, tôn giáo mới chỉ được thực thi ở Amarna, ở Memphis và những nơi khác, người dân vẫn tiếp tục tôn thờ các vị thần thánh như cũ.
|
Kho báu được tìm thấy trên mộ vua Tutankhamun. |
Sau khi Akhenaten băng hà đã xảy ra những cuộc nội chiến tranh giành ngai vàng. Một vị pha¬raoh trong huyền thoại có tên là Smenkhkare có thể đã lên ngôi vào lúc đó và trị vì trong 2 năm thì cũng qua đời. Cũng có giả thuyết cho rằng, ông đã đồng cai trị cùng Akhenaten và đã qua đời trước Akhenaten.
Là con người con rể thứ 3 của Akhenaten, Vua Tut đã lên thừa kế ngai vàng vào khoảng năm 1332 trước công nguyên, khi ông mới 9 tuổi (cũng cùng tuổi với vị hoàng hậu mà ông cưới lúc đăng ngôi) và Tutankhamun đã trở thành vị Pha¬raoh trẻ nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Ngay sau khi đăng quang, Vua Tut đã lập hoàng hậu để củng cố bộ máy triều đình.
Trong thời gian cai trị, Tutankha¬mun dường như không để xảy ra những biến cố lớn. Tuy nhiên, vị vua trẻ đã tiến hành một cải cách mang ý nghĩa to lớn. Vào năm trị vì thứ ba của mình, Tutankhamun đã cho hủy bỏ những thay đổi được thực hiện trong suốt vương triều của vua cha. Ông kết thúc sự thờ thần cúng thần Aten và khôi phục lại địa vị tối cao cho thần Amun.
Lệnh cấm sự thờ cúng thần Amun đã được dỡ bỏ và các đặc quyền truyền thống dành cho tầng lớp tư tế đã được khôi phục. Vua Tut cũng đổi tên mình thành Tutankhamun có nghĩa là “Hiện thân sống của Amun”, và vợ ông thành Ankhesenamun có nghĩa là “Sống vì thần Amun”. Điều này được nhân dân Ai Cập hết lòng ủng hộ và tin tưởng.
|
Mặt nạ bằng vàng của Tutankhamun, Bảo tàng Ai Cập tại Cairo. |
Vua Tut còn bắt đầu các dự án xây dựng như là một phần trong quá trình khôi phục của ông, đặc biệt là tại đền Karnak ở Thebes . Bên ngoài điện Amun ở đền Karnak, vua Tut cho dựng lên ba tấm bia cao 3m như một lời tạ lỗi với Trời đất thay cho những hành động của vua cha Akhenaten và cũng là tấm bia ghi những công đức mà Tutankhamun đã làm cho nhân dân Ai Cập.
Trên tấm bia có những dòng chữ: “Những đền thờ đã bị đập phá, lăng mộ tan hoang, và khắp nơi đầy rẫy tang tóc. Nhưng pharaoh Tutankhamun cùng với nhân dân của mình đã dựng lại các đền thờ, và từ đó, của cải của dân tộc ngày càng tăng lên gâp bội, vàng bạc châu báu nhiều vô kể, đất nước luôn nhận được những điều may mắn và ngày càng phồn vinh”.
Cái chết bí ẩn của Pharaoh huyền thoại
Trong nhiều năm qua, không ít các học giả suy đoán rằng cái chết đột ngột và đầy bí ẩn của vua Tutankhamun khi đang ở tuổi 19 là do bị ám sát. Người ta cho rằng, ông bị sát thủ đánh một cú chí mạng vào đầu dẫn đến tử vong. Tuy nhiên khi chụp X-quang vết thương này vào năm 1968 đã chứng tỏ được vết vỡ này không phải do một cú đánh mà do kỹ thuật ướp xác với những hương liệu, chất liệu xù xì, đã gây ra vết nứt sau xương sọ như vậy.
Năm 2005, một nghiên cứu chỉ ra rằng, trước khi qua đời vua Tutankhamun đã bị gãy chân và nhiễm trùng do vết thương không được xử lý triệt để. Theo một giả thuyết, vua Tut đã gặp chấn thương ở chân do bị ngã ngựa trong một chuyến đi săn.
|
Tutankhamun - Pharaoh vĩ đại nhất lịch sử Ai Cập cổ đại. |
Thêm vào đó, các nhà khoa học đã tiến hành xét nghiệm ADN của xác ướp vào năm 2010 và phát hiện ra vị hoàng đế này mắc bệnh sốt rét. Căn bệnh này có thể là nguyên nhân làm trầm trọng thêm vết thương bị nhiễm trùng ở chân hoặc khiến ông bị ngã ngựa. Người ta còn đưa ra giả thuyết rằng, một con hà mã đã cắn hoàng đế khiến ông qua đời khi còn rất trẻ.
Vào năm 2014, các nhà khoa học áp dụng kỹ thuật “mổ tử thi ảo” bằng cách chụp cắt lớp thi thể Tutankhamun với hơn 2.000 lượt quét kỹ thuật số. Kết quả cho thấy, vị vua 19 tuổi này có một hàm răng hô, khuôn mặt lệch, một bàn chân bị vẹo, hông dị tật và mắc bệnh động kinh. Do bàn chân vẹo nên vị vua 19 tuổi không thể tự đứng vững, và thường phải chống gậy khi đi lại. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến vị vua này bị tai nạn và gặp phải một vết thương nặng ở chân trái.
Các nhà khoa học khẳng định, vị vua được mệnh danh là “Hiện thân của thần Amun” có một cơ thể dị tật là hệ quả của việc giao phối cận huyết. Bằng cách kết hợp hình ảnh 3D và kết quả phân tích những mã di truyền ADN của gia đình vua Tutankhamun cho thấy Tutankhamun có bố là Akhenaten và mẹ chính là em gái ruột của Akhenaten.
Tương truyền, sau khi qua đời, Vua Tut được chôn cùng rất nhiều của cải, vàng bạc châu báu. Chính vì vậy mà lăng mộ của vị Pharaoh này luôn là mục tiêu được bọn đào trộm mộ ưu tiên. Lăng mộ Vua Tut nổi tiếng vì các lời nguyền và những cái chết xoay quanh nó.
Theo ghi chép, trong khi khám phá mộ Pharaoh Tutankhamun, Huân tước Carnarvon đã thấy một dòng chữ: “Cái chết sẽ nhanh chóng đến với ngươi nếu dám xâm phạm sự thanh bình của Pharaoh...”. Bất chấp lời cảnh báo, các nhà khảo cổ vẫn tiến hành công việc của mình. Hậu quả là ngay sau cuộc khai quật, nhà khảo cổ Carnarvon đã qua đời. Người ta lập tức cho rằng ông là một nạn nhân của lời nguyền.
Sau này, “lời nguyền” còn đeo bám rất nhiều người có liên quan đến cuộc khai quật như cậu em cùng cha khác mẹ của Huân tước Carnarvon, nữ hộ lý của ông, nhà tỷ phú Mỹ từng vào thăm hầm mộ, người thợ chụp ảnh và bác sĩ trực tiếp khám nghiệm xác ước, vợ Huân tước – bà Almina…
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của khoa học, các nhà nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân thực sự của những cái chết này: Họ đã hít phải khí độc trong hầm mộ cũng như các vi khuẩn độc hại có trên xác ướp. Thực tế, với sự thiếu hiểu biết, người dân Ai Cập đã thêu dệt nên các “lời nguyền độc đoán của Pharaoh”.