Hôm ấy, Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence (Đảng Cộng hòa) trong tư cách Chủ tịch Thượng viện sẽ phải công bố ông Biden giành về được 306 đại cử tri và trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Các đại cử tri đã bầu và kết quả bầu cũng đã được chính quyền các bang công bố. Nhưng phải qua thủ tục pháp lý cuối cùng ngày 6/1 tới thì thắng cử của ông Biden mới thật sự chính thức.
Cái khôi hài trong chuyện này là ông Trump cùng cộng sự cáo buộc có gian lận bầu cử và tiến hành 59 vụ kiện tụng ở nhiều cấp tòa án, thậm chí tới tận Tòa án Tối cao Mỹ để lật ngược thắng cử của ông Biden nhưng cho đến nay đều thất bại đơn giản vì phe ông Trump không đưa ra được bất cứ bằng chứng xác thực nào. Ngay cả đến sau những thất bại này, ông Trump vẫn không chịu thừa nhận là đã thất cử và vẫn tiếp tục nỗ lực nêu trên đến tận phút cuối cùng.
Ngay trước khi năm 2020 kết thúc và năm 2021 bắt đầu, ông Trump và phe cánh vẫn còn tiếp tục khởi kiện với cùng mục đích cũ ở bang Wisconsin. Mức độ khôi hài còn đạt tới đỉnh cao mới khi có dân biểu thuộc Đảng Cộng hòa còn kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ đòi dành cho ông Pence quyền công nhận hay không công nhận lá phiếu bầu của các đại cử tri, nhằm giúp ông Pence có quyền hợp pháp chỉ công nhận những lá phiếu bầu cho ông Trump. Không khôi hài sao được khi chính các vị lập pháp này đòi hỏi Tòa án Tối cao đưa ra phán xử vi hiến.
Rồi lại còn chuyện có vị dân biểu trong ngày 6/1 tới không công nhận thắng cử của ông Biden. Trong trường hợp này, lưỡng viện lập pháp Mỹ sẽ thảo luận trong thời gian 2 giờ và rồi biểu quyết. Chỉ khi nào cả Thượng viện và Hạ viện đều không công nhận thắng cử của ông Biden thì ông này mới bị coi là thất cử. Hiện tại, phe Đảng Dân chủ kiểm soát hạ viện và vì thế sẽ không có chuyện xảy ra kịch bản ông Biden bị Quốc hội tước mất chiến thắng.
Kết cục này không phải mãi đến tận ngày 6/1 mới rõ mà đã hiện hữu từ sau khi giới truyền thông ở Mỹ xác nhận ông Biden đắc cử sau ngày bầu cử 3/11 vừa qua. Ông Trump và cộng sự không thể không biết kết cục ấy, nhưng vẫn vớt vát. Bi hài kịch chính trị quyền lực và chính trị xã hội xưa nay chưa từng có vì thế mới xảy ra ở nước Mỹ. Nhưng sau ngày 6/1 tới này, kiểu gì thì màn kịch ấy cũng kết thúc, chỉ là dư âm của nó sẽ còn vang vọng rất lâu trong lịch sử nước Mỹ.