Tôi đi thoát ly được bốn tháng thì Tết đến. Đơn vị (đảm bảo giao thông) đóng ở xã Giang Biên, huyện Gia Lâm, Hà Nội, hạ lưu con sông Đuống. Chúng tôi làm thêm một cầu Đuống phụ, phòng khi cầu chính bị bom đánh sập. Công nhân đơn vị phần lớn là người của ba tỉnh Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng nên đều được về quê ăn Tết ba ngày.
Hoàn cảnh tôi, nhà con độc nhất nên không phải nhập ngũ, tuy nhiên vẫn xung phong đi công nhân bảo đảm giao thông cầu đường. Tết năm đó, cha đã mất, mẹ già một thân chiếc bóng. Cứ ngồi nghĩ vậy đã muốn chảy nước mắt nhưng biết làm sao.
Chỉ cách quê hơn 30 cây số, chiều 30 tết, A phó (người cùng huyện) của tôi đã về quê. Thế là cả lán gianh của tiểu đội chỉ còn một mình, vắng đến lạnh người. Tối Giao thừa, tất cả còn lại tập trung ở lán hội trường. Lãnh đạo đội phần đông là cán bộ miền Nam tập kết, tuy buồn lắm nhưng vẫn động viên chúng tôi. Nhìn mấy anh, tôi cũng đỡ buồn.
Chỉ qua sáng mùng Một, cái buồn mới hiển hiện. Tôi vùng dậy đi dọc mấy dãy lán, gió xuân xào xạc, trời không mưa nhưng cảnh tượng thật vắng lặng. Người nằm im trùm chăn kín đầu, người ngồi như phỗng, phía lán nữ có tiếng thút thít khóc. Gần trưa, anh Hiệp, Đội trưởng (người Long An) gọi mọi người tập trung. Tuy Tết thời chiến nhưng cũng đủ thứ, thịt, bánh, câu đối… có cả rượu…
Buổi chiều, tôi bó gối ngồi thẫn thờ, không biết giờ này anh Ánh (A phó) đã đến nhà tôi chưa? Tết một mình lủi thủi chắc mẹ tôi buồn lắm. Hai cột nhà hẳn thiếu đôi câu đối. Hoa huệ chắc mẹ vẫn mua nhưng không thể có hoa đào…
Đang tư lự, bùi ngùi, bỗng có tiếng gọi ngoài cửa: “Công ơi! Lên gặp chú Chăm ngay!”. Chú Chăm là Bí thư Chi bộ kiêm Đội phó, người Quảng Trị tập kết, vợ con ở cả trong quê. Vừa bước vừa nghĩ, ông gọi tôi lên trò chuyện cho khuây khoả. Ai ngờ, vừa giáp mặt, ông tươi cười: “Có muốn về với mẹ không?”. Tôi chưa biết phải trả lời sao đã thấy ông đưa tay lên xem đồng hồ: “Giờ là hai rưỡi, đây về Thường Tín độ 30 cây, cháu về ngay kẻo tối”, vừa cười chỉ vào chiếc xe đạp Liên Xô tiêu chuẩn của lãnh đạo. Đường xấu, gió rét nhưng chỉ hơn 5h chiều, tôi đã về đến đầu làng.
Về nhà trong sự bất ngờ, mẹ tôi lặng đi: “Con về đấy à”? Rửa mặt mũi xong, tôi bước vào thắp nhang. Thật ngạc nhiên, ở hai cây cột nhà, mẹ tôi đã dán hai mảnh giấy điều thay câu đối mọi năm (dù không có chữ). Hai mảnh giấy điều làm cảnh nhà bớt phần hiu quạnh. Có người bạn nghe tin, chạy đến “truy”: “Đào ngũ hả, giấy phép đâu?”. Tôi chỉ vào chiếc xe đạp: “Lãnh đạo cấp phép bằng miệng, được đi xe công đàng hoàng”.
Sau này, tôi sống xa quê. Hàng chục năm gắn bó vùng đất mới, nhưng sao vẫn nhớ nhung lạ thường mỗi khi Tết đến. Đã có những năm gần đây, tôi định đánh bài liều, bỏ về quê ăn Tết một lần. Nhưng rồi, cân đi nhắc lại: vợ lo, con mong, cháu nhớ, hàng xóm xì xào… Tết cả nhà sẽ mất vui. Rồi nữa, quê vẫn đấy nhưng cảnh xưa, người cũ đâu còn. Bạn cũ mỗi người một nơi, kẻ còn người mất… Nếu có về quê ăn Tết, chắc chỉ thêm phần nhớ cảnh cũ, người xưa…