“Cháu có muốn ở với vợ chồng bác không?”
Đó là câu chuyện “cổ tích giữa đời thường về vợ chồng ông Nguyễn Năng Cậy (73 tuổi, ngụ khối 2, phường Hồng Sơn, TP.Vinh).
Kể về cuộc đời mình, ông cho biết dù là con liệt sỹ nhưng năm 1963, ông vẫn tình nguyện đi bộ đội bảo vệ đất nước. Năm 1975, khi đất nước hòa bình, ông xuất ngũ chuyển sang làm trong ngành bưu điện, rồi lập gia đình và có ba người con.
Đồng lương ba cọc ba đồng của công chức có khi chưa đủ trang trải cho cuộc sống, nhưng vợ chồng ông Cậy luôn hết lòng giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. “Tuy gia đình tôi không khá giả gì nhưng tôi có lương, còn hơn những người dân khác không có”, ông chia sẻ.
Ông lý giải thêm, từ nhỏ đã chứng kiến việc bố mẹ cưu mang giúp đỡ những số phận bất hạnh nên ông thấm thía lời dạy “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”.
Nhà ở gần chợ Vinh, hằng ngày chứng kiến nhiều đứa trẻ gầy gò lang thang xin ăn đầu đường xó chợ, ông động lòng thương cảm, không ngần ngại đưa về nhà nuôi nấng.
Gần 25 năm qua, vợ chồng ông bà đã cưu mang hàng chục đứa trẻ lang thang. Sau khi chăm sóc chúng khỏe mạnh, hai ông bà tìm lại gia đình cho các em. Chỉ có hai trường hợp bị gia đình bỏ rơi thì ông nhận làm con nuôi, chăm sóc cho đến khi trưởng thành.
Kể về trường hợp nhận nuôi đứa con đầu tiên của mình, ông Cậy nhớ lại rạng sáng một ngày cuối năm 1989, bà Lê Thị Hồng (vợ ông) dậy sớm để cho lợn ăn.
Đang lúi húi làm việc thì bà phát hiện một đứa trẻ gầy gò đen đủi, cởi trần, mặc độc một chiếc quần rách tả tơi. Bé ôm một chiếc nón cũ nát, ngồi nhặt những chiếc xương quanh chuồng lợn chấm muối cho vào mồm ăn ngon lành.
Thấy vậy, bà Hồng liền chạy vào nhà gọi chồng ra. Nhìn cảnh đó, vợ chồng ông bà rơi nước mắt. Ông Cậy liền đến gần hỏi, cậu bé cho biết tên là Thạch Quang Công (10 tuổi), quê ở huyện Nghi Lộc. Bé kể, gia đình có ba chị em, bố nghiện rượu suốt ngày đánh đập mẹ. Mẹ không chịu được đã đi lấy người khác.
Lúc bố mẹ li hôn, cậu bé mới được 2 tuổi. Bố suốt ngày uống rượu không chăm lo cho con trai nên cậu thường xuyên phải nhịn đói. Cậu lớn lên nhờ những người hàng xóm tốt bụng cưu mang. Tuy nhiên, hàng xóm láng giềng cũng nghèo khó, không thể nuôi em được lâu.
Từ đó, Công phải sống những tháng ngày bấp bênh, nhiều khi em muốn tìm về ở với mẹ, nhưng người bố không đồng ý và đánh em dã man. Để sống qua ngày, Công lang thang khắp nơi xin ăn. Ai cho gì ăn nấy, nhiều hôm không xin được, cậu bé đành nhịn đói.
Trong quá trình đi lang thang, Công bị nhiều đứa trẻ bụi đời lôi kéo đi ăn trộm. Nhưng với bản tính thật thà lương thiện, cậu cương quyết không chịu. Vì không chịu đi làm việc xấu với những đứa trẻ bụi đời khác nên Công bị bọn chúng xa lánh.
Thấy cậu bé nghèo khổ tội nghiệp, nhưng lại biết nghĩ, vợ chồng ông Cậy liền chạy vào nhà lấy cơm cho ăn. Quá đói, cậu bé ăn ngấu nghiến một mạch liền mấy bát cơm. Lúc đó ông Cậy liền hỏi: “Cháu có muốn ở với vợ chồng bác không?”. Cậu bé vô cùng ngạc nhiên, đôi mắt rưng rưng nước mắt vì xúc động, cậu liền nghẹn ngào trả lời: “Nếu hai bác thương thì cho cháu ở”.
Đứa bé ăn xong, ông Cậy liền đưa đi tắm rửa. Ông còn nhớ như in lần đầu tiên tắm rửa cho Công, thấy từ đầu đến chân chằng chịt những vết sẹo, rất thương tâm. Ông liền hỏi: “Vì sao cháu lại bị nhiều vết sẹo như vậy?”. Cậu bé òa khóc cho biết: “Đó là do cha cháu mỗi lần say rượu đánh”.
“Thấy đứa trẻ mới 10 tuổi đầu mà phải chịu nhiều bất hạnh, tôi rất đau xót, ngay lập tức đi làm giấy tờ thủ tục nhận cậu bé ăn xin làm con nuôi. Tôi thương yêu cháu như con đẻ trong nhà từ đó”, ông bộc bạch.
Đi gánh nước thuê lấy tiền nuôi trẻ lang thang
Vợ chồng ông Cậy hết mực yêu thương đứa con nuôi. Cậu bé không có trường nào nhận vào học, vợ chồng ông phải thay nhau dạy chữ. Ông Cậy tâm sự: “Thằng bé rất thông minh, tôi chỉ cần nói một lần là nó nhớ được rất lâu. Chỉ một thời gian ngắn các chữ cái hay các phép tính đơn giản nó đều có thể viết và làm thành thạo”.
Vợ ông Cậy bên một người con nuôi (Hình chụp lại từ hình chụp năm 1998) |
Chỉ học tại nhà, Công đã hoàn thành chương trình học của cấp 1. Sau đó em xin được vào học cùng chúng bạn đồng lứa. Bằng khả năng của mình, Công thi đỗ vào một trường cao đẳng.
Đến tuổi trưởng thành, vợ chồng ông bà xin công ăn việc làm ổn định cho Công. Cậu bé gầy gò ốm yếu ngày nào giờ đã trở thành giáo viên Trường Cao đẳng lái xe Quân khu 4, TP.Vinh.
Sau kỉ niệm trên, ông bà còn nhận thêm em Nguyễn Năng Thanh (SN 1990) làm con nuôi.
Ngoài hai người con nuôi, hai vợ chồng từng nuôi gần 20 đứa trẻ khác. Đó là những người đủ mọi hoàn cảnh khác nhau, từ lang thang cơ nhỡ, thất lạc bố mẹ đến những đứa trẻ bị bỏ rơi ở chợ Vinh.
Mặc dù ngày ấy còn nhiều vất vả, thiếu thốn, ông Cậy công tác trong ngành bưu điện còn bà Hồng làm công nhân xưởng chè, đồng lương ba cọc ba đồng, nhưng hai ông bà không ngần ngại gian khổ.
Để có tiền lo cho gia đình và nuôi trẻ em lang thang, hàng ngày ngoài giờ làm việc ở cơ quan, ông thường ra chợ Vinh gánh nước thuê cho các cửa hàng kiếm thêm tiền. Tuy số tiền không được bao nhiêu nhưng đã góp phần nuôi được các em nhỏ qua ngày.
Những quãng thời gian rảnh rỗi, vợ chồng ông Cậy còn đi tìm lại địa chỉ người thân cho các cháu. Đa số các em đều tìm lại được gia đình của mình. Cứ mỗi lần có dịp, những đứa bé ngày xưa lại về thăm sức khỏe ông bà. Năm đứa con của ông bà (3 con đẻ, 2 con nuôi) cũng đều đã lớn khôn, thành đạt. Đối với ông bà thì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời.