Cầm ‘phiếu’ đi chợ, người nôn nao nhớ kỷ niệm, người lạ lẫm trải nghiệm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều người lớn tuổi ở Hà Nội nhận được "phiếu" đi chợ thì kỷ niệm cũ ùa về, còn người trẻ có những trải nghiệm thú vị.
Người dân đi mua thực phẩm thiết yếu trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố. Ảnh: Ngọc Nga
Người dân đi mua thực phẩm thiết yếu trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố. Ảnh: Ngọc Nga

Thời xưa chỉ mua hàng theo chỉ tiêu

Bắt đầu từ ngày 27/7, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) đã triển khai kế hoạch phát thẻ đi chợ cho người dân trên địa bàn để phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Đây là lần đầu tiên Hà Nội triển khai kế hoạch phát thẻ đi chợ để giảm mật độ người dân tập trung đông đúc. Ngay sau khi phường Nhật Tân triển khai kế hoạch trên, các phường khác trên địa bàn TP Hà Nội cũng đã triển khai theo kế hoạch này.

Chia sẻ cảm xúc khi cầm trên thay chiếc ‘phiếu’ đi chợ, bà Nguyễn Thị Hòa, 74 tuổi, trú tại phường Cống Vị, quận Ba Đình chia sẻ: “Ngày xưa 16 tuổi tôi đã bắt đầu đi chợ bằng ‘tem, phiếu’. Xếp hàng đi chợ bằng gạch, bằng nón… từ 5h sáng nhưng mà rất thoải mái. Bây giờ tình hình dịch bệnh nên triển khai đi chợ bằng ‘tem, phiếu’ tôi cũng được gợi lại nhiều kỷ niệm cũ”.

Chiếc 'phiếu' đi chợ thời nay khiến nhiều bạn trẻ thấy lạ lẫm và tò mò. Ảnh: Lê Thông

Chiếc 'phiếu' đi chợ thời nay khiến nhiều bạn trẻ thấy lạ lẫm và tò mò. Ảnh: Lê Thông

Kể thêm về kỷ niệm đi chợ trong thời bao cấp cũ, bà Hòa cho hay: “Ngày xưa, xếp hàng đi chợ từ 5h sáng vì sợ chợ đông, mà nếu đi muộn thì hết đồ ngon. Còn bây giờ, dù đi chợ bằng ‘tem, phiếu’ nhưng thực phẩm nhiều hơn, mọi người được mua thoải mái hơn và cũng công bằng hơn”.

Dù cùng đi mua hàng bằng 'tem, phiếu' nhưng thời nay ở các điểm bán đều phải đảm bảo giãn cách để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Nga
Dù cùng đi mua hàng bằng 'tem, phiếu' nhưng thời nay ở các điểm bán đều phải đảm bảo giãn cách để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Nga

Với bà Hòa, nhớ nhất trong thời đi chợ bằng "tem, phiếu" cũ có lẽ là việc xếp hàng bằng cả gạch, nón… Còn với cô Trần Hồng Hạnh, 50 tuổi, ở khu Tập thể Ủy ban KHXH, kỷ niệm nhớ nhất có lẽ là: “Ngày xưa, ngày nào đi chợ cũng được, còn bây giờ dịch bệnh nên đi chợ mua thực phẩm theo quy định”.

Cô Hạnh kể: “Cá nhân tôi khi nhận lá ‘phiếu’ đi chợ thì thấy rất xúc động, vì như được trở lại thời ngày xưa đi chợ. Ngày xưa, mỗi người đi chợ mua hàng theo chỉ tiêu và được rất ít đồ, ví dụ mỗi người chỉ được 1 lít nước mắm hoặc 1 lạng thịt. Còn bây giờ, vì tình hình dịch bệnh mà nhân dân phải đi chợ luân phiên, nhưng mà làm thế này tôi thấy rất hợp lý vì đảm bảo được giãn cách theo khuyến cáo. Đặc biệt là đi chợ bây giờ thì mua bao nhiêu đồ cũng được, hàng hóa đầy đủ không cần phải theo chỉ tiêu như ngày xưa”.

Thời nay, có lẽ hiếm cảnh phải xếp hàng từ 5h chỉ để chọn được thực phẩm ngon như trước. Ảnh: Ngọc Nga

Thời nay, có lẽ hiếm cảnh phải xếp hàng từ 5h chỉ để chọn được thực phẩm ngon như trước. Ảnh: Ngọc Nga

Thời nay mua nhiều để tích trữ

Khác với các bà, các cô khi được cầm ‘phiếu’ đi chợ trong tay như gợi lại kỷ niệm xưa cũ thì với một số bạn trẻ lại cảm thấy an tâm và thú vị.

Anh Lê Thông, trú tại Mỗ Lao, Hà Đông cho biết: “Với đặc thù công việc là một phát thanh viên, những ngày dịch COVID-19 này tôi vẫn đi làm bình thường tuy nhiên giảm về tần suất. Mặc dù ở một mình nhưng tôi vẫn duy trì việc nấu ăn rất đầy đủ, khoa học. Việc mua thực phẩm hằng ngày để ăn uống của tôi không gặp khó khăn gì nhiều. Tủ lạnh vẫn luôn có sẵn những thực phẩm cần thiết như thịt, cá, rau, trứng, hoa quả. Dịch bệnh nên mình cũng làm bánh tại nhà để mang đi ăn sáng tại cơ quan, do công việc của tôi bắt đầu khá sớm, 6-7h sáng”.

Đi chợ thời nay mọi người có thể thoải mái lựa chọn nhiều thực phẩm mà không cần lo lắng theo chỉ tiêu như trước.

Đi chợ thời nay mọi người có thể thoải mái lựa chọn nhiều thực phẩm mà không cần lo lắng theo chỉ tiêu như trước.

Thông chia sẻ cảm nhận khi nhận "phiếu" đi chợ: “Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách, việc triển khai nhiều mô hình chống dịch sáng tạo như phát ‘phiếu’ đi chợ khiến tôi khá tò mò. Sau phường Tứ Liên, Tây Hồ thì ở Mỗ Lao, Hà Đông, phiếu đi chợ cũng được phát tận nhà cho người dân, kể cả những người đang thuê nhà như tôi. Mỗi hộ được phát 4 phiếu theo các ngày chẵn, lẻ khác nhau theo kiểm soát và hướng dẫn trên phiếu rất rõ ràng”.

Lê Thông cho biết, lần đầu tiên cầm trên tay tấm phiếu đi chợ, anh cảm thấy rất an tâm. "Thứ nhất, việc phân luồng người dân đi chợ và phiếu chỉ dùng cho 1 người nên chắc chắn giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm nếu có trường hợp xấu xảy ra. Thứ hai, người đi chợ có cảm giác được bảo vệ", anh nói. "Đây là điều nên làm và nên tuân thủ. Tôi đã thấy nhiều người tới chợ quên phiếu đã bị lực lượng chức năng yêu cầu quay xe và họ cũng vui vẻ ra về. Thứ ba, mình cảm thấy trách nhiệm của công dân trong tấm phiếu này. Nếu chúng ta tuân thủ hướng dẫn trên phiếu, không lợi dụng phiếu để rẽ ngang rẽ dọc thì chúng ta đang yêu nước rồi!”.

Một lần đi chợ thời nay, hầu hết các gia đình đều mua rất nhiều thực phẩm, đủ dùng cho cả gia đình trong khoảng 3-4 ngày để hạn chế ra ngoài, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Lê Hậu.

Một lần đi chợ thời nay, hầu hết các gia đình đều mua rất nhiều thực phẩm, đủ dùng cho cả gia đình trong khoảng 3-4 ngày để hạn chế ra ngoài, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Lê Hậu.

Thông từng thấy trên mạng chia sẻ nhiều tấm phiếu cũ của thời bao cấp như: Phiếu đi đường, phiếu mua gạo, phiếu mua dầu, bánh mì... Theo anh, ngày ấy, mua sắm theo chỉ tiêu được cho phép. Còn ngày nay, cầm phiếu đi chợ, mọi người mua thoải mái nhưng phải tuân thủ ngày giờ quy định.

“Thú vị! Có lẽ là từ tôi dùng để mô tả cảm xúc khi đặt sự so sánh này với nhau. Tôi đã từng nghe bà ngoại kể: Bà là cán bộ xã thời ấy, quy định một tháng mua 1kg thịt, 5 cái bánh mỳ… Giờ thì tôi hiểu điểm chung rồi, đó là dùng phiếu thì mua nhiều để tích trữ, hạn chế đi lại, bảo vệ mình. Còn ngày xưa, bà tôi kể mua nhiều trong khả năng thôi chứ cũng chẳng có mà mua dư, mỗi nhà mua đủ với số lượng thành viên trong gia đình thôi”, Lê Thông chia sẻ.

Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách toàn thành phố đến ngày 23/8, vì vậy việc đi chợ mua thực phẩm bằng "tem, phiếu" có lẽ vẫn còn được duy trì tại nhiều phường trên địa bàn.

Trước tình hình dịch vẫn có những diễn biến phức tạp, Lê Thông nhắn nhủ: “Tôi mong mọi người luôn tuân thủ nguyên tắc 5K, đăng ký tiêm vaccine và chấp hành nghiêm Chỉ thị của Chính phủ và TP Hà Nội để giúp Việt Nam vượt qua đại dịch mọi người nhé!”.

Đọc thêm