Cấm rượu: Trăm điều lợi...

(PLO) - “Phi tửu bất thành lễ” – không rượu lễ không nên – có lẽ nếu truy nguyên nguồn gốc của rượu thì câu nói ấy là phát tích cho rượu bia trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay?

Cấm rượu: Trăm điều lợi...
Chưa có nhà nghiên cứu nào trả lời được câu hỏi trên, chỉ có điều thực tế đã có nhiều “phiên bản” khác nhau để thanh minh cho những cuộc thù tạc rượu bia mà sau đó, điều tốt đẹp thì ít mà tiêu cực, khốn nạn, thậm chí cả tội phạm lại quá nhiều…
Không biết các cụ xưa uống rượu tao nhã đến thế nào, con cháu ngày nay không được tận mắt chứng kiến, chứ bây giờ nhìn vào các bàn rượu thì hiếm cuộc nào có thể “bén gót” được hai chữ “tao nhã” đắt đỏ kia! Nào là “nam vô tửu như kỳ vô phong” - trai không rượu như cờ không gió; nào là “tửu bất khả ép, ép… bất khả từ” – rượu không thể ép, nhưng đã ép thì…không thể chối từ! Và càng ngày, việc sử dụng rượu bia lại càng trở nên quá đà, thậm chí, còn trên mức mà các bác sĩ vẫn dùng là “lạm dụng”, thực sự trở thành vấn đề nóng ở mức cần báo động.
Chết “như quân Nguyên”…
Ở tầm mức toàn cầu, một thống kê đưa ra hồi trung tuần tháng 5 vừa qua bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, rượu – hay nói rộng ra là thức uống có cồn – cướp đi sinh mạng của khoảng 3,3 triệu người trong năm 2012; trung bình, cứ 10 giây lại có một người “về nơi chín suối” sau một chầu nhậu, chiếm gần 6% tổng số ca tử vong trên toàn cầu, vượt trên rất xa số ca tử vong do AIDS. Đó là mới nói số tử vong, còn chưa kể đến hơn 200 căn bệnh từ tim mạch, tiểu đường, xơ gan đến ung thư… có cơ hội “chui” vào cơ thể mà hoành hành sau mỗi cuộc “trăm phần trăm”, đưa vố số người khác vào danh sách “quân dự bị của thần chết”.
Còn ở tầm mức quốc gia, số người Việt Nam chết vì rượu thật sự cho đến nay chưa có một số liệu chính xác, chỉ biết là rất, rất nhiều. Không kể những cái chết vì ngộ độc rượu hay mắc tật bệnh vì nghiện rượu – một con số không nhỏ - thì những cái chết vì uống quá chén mà chạy xe gây ra tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng, cưỡng hiếp dâm thậm chí giết người… hầu như ngày nào cũng tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tóm lại, những cái chết vì rượu là đến không xuể, có người vẫn quen miệng nói rằng “nhiều như quân Nguyên”, chưa kể những gánh nặng họ để lại cho người thân, gia đình và xã hội.
Tốn tiền, chết người… vẫn “zô”
Khác với người phương Tây, người châu Á mà đặc biệt là người Việt, khi ngồi vào cuộc nhậu rất thường sa đà, quá chén. Bên cạnh các kiểu “khích tướng” từ những câu nói “nhại” đã dẫn ở trên, người ta có thể có cả nghìn lý do để chạm chén và “trăm phần trăm” với nhau bất chấp sức khỏe thế nào: Vợ đẻ con trai (hoặc đã có con trai mà nay có con gái) - phải uống; được thăng chức – phải uống; bàn công việc – phải uống; giao lưu, làm quen (thậm chí, quên tên muốn nhắc lại cho nhớ) – phải uống v.v…Ghê gớm hơn, còn không ít cuộc trà đá, cà phê đã… kéo dài sang thành cuộc nhậu; ngồi buồn, trời mưa là rủ nhau gây cuộc nhậu; trời oi nóng í ới “làm vài vại bia cho bớt hỏa”; cuối tháng trước thì nhậu “giải xui” mà đầu tháng sau thì uống “nâng cao khí thế”; cuối tuần uống “thư giãn” để đầu tuần tới lại tụ tập nhậu “gặp nhau”…
Nhậu nhiều thế cho nên tính riêng năm 2013, theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, sản lượng tiêu thụ bia của cả nước đạt 2,9 tỷ lít, bình quân mỗi người Việt – bất kể người lớn, người già hay phụ nữ, trẻ em – uống khoảng 31 lít bia mỗi năm, tương đương 4 thùng bia lon hay 70 chai bia dung tích 450ml. Đương nhiên, không ai cho uống miễn phí hàng tỷ lít bia – chưa kể rượu, từ rượu ngoại cho đến “cuốc lủi” – như thế, tất cả đều phải mua bằng tiền. Và với nạn nhậu nhẹt tràn lan, ngày dài đêm thâu, quanh năm tròn tháng như thế thì làm sao đo đếm chính xác số tiền mà xã hội đã “xổ toẹt” đi sau những cốc bia, chai rượu? Vừa tốn tiền, vừa hại sức khỏe, vừa ảnh hưởng năng suất và chất lượng lao động, học tập, công tác lại đưa đến nguy cơ cao cho mất an ninh, trật tự an toàn xã hội thì rõ ràng, phải kiểm soát cho được việc dùng rượu bia trong người dân nếu không muốn xảy ra cảnh “một tiền gà ba tiền thóc”.
Đừng ngán ngụy biện “đập vỡ nồi cơm của dân”
Ngay khi thông tin Bộ Y tế dự thảo văn bản quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ đêm, đã xuất hiện nhiều tiếng nói không đồng tình trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Tiếng nói phản biện khi xây dựng pháp luật là không thể tránh khỏi và cũng là rất cần thiết, song điều đáng bàn là, trong số nhiều lời phản biện kia lại có không ít thực chất chỉ là… ngụy biện.
Trên một tờ báo, bên cạnh việc thông tin về việc làm của Bộ Y tế, đã dẫn vài ba ý kiến của chủ các nhà hàng karaoke, quán bar, quán bia hơi cho rằng cấm bán rượu bia sau 22 giờ đêm có thể “đập vỡ nồi cơm của dân” hay “thiếu tôn trọng quyền riêng tư của người làm khuya, chỉ có thể ăn nhậu sau 22 giờ” hoặc “buôn bán có giờ, thế thì còn gì lời lãi”…
Từ 22 giờ trở đi, cơ thể con người cần nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe cho ngày hôm sau; việc lạm dụng rượu bia sau giờ này khiến cơ thể tích độc, nguy hại về lâu dài cho sức khỏe, đó là cái lý đầu tiên mà ngành y tế lập luận và khách quan mà nói, đó là cái lý đúng đắn. Ngành y có trách nhiệm chăm lo sức khỏe cho dân, chữa bệnh luôn đi cùng phòng bệnh, lời khuyên bảo – do đó – cũng cần song hành với cấm đoán nếu thấy cần thiết. Đề nghị cấm bán rượu bia sau 22 giờ đêm là cấm đoán cần thiết, đảm bảo y tế dự phòng và về sâu xa là cách rất tốt giảm gánh nặng y tế cho từng người, từng gia đình và cả xã hội chứ sao?
Chủ quán bia rượu có lời lãi vài tiếng bán rượu bia đêm khuya, thêm đầy túi tiền riêng nhưng nhiều cá nhân có nguy cơ tổn hại sức khỏe, ngành y tế thêm quá tải, án mạng và tai nạn có thể xảy ra sau một cuộc nhậu… thì túi tiền riêng của các chủ quán có đóng góp gì cho việc giải quyết hậu quả?
Với 90 triệu dân – trong đó có khoảng 50 triệu người trong độ tuổi lao động – sức khỏe là ưu tiên số một nếu muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công. Một người - vì say rượu bia - nghỉ một ngày là mất một ngày công lao động; thử hỏi, mỗi ngày Việt Nam có tính được đã lãng phí bao nhiêu ngày công do người lao động hôm trước quá chén, hôm sau nằm bẹp hay lơ mơ “như ở trên mây”?
Các cơ quan tư pháp không thể tính trung bình mỗi ngày xảy ra bao nhiêu án mạng, bao nhiêu vụ tai nạn giao thông vì rượu bia nhưng ai cũng có thể hình dung thế này: Một ông bố say xỉn, gây tai nạn cho một ông bố khác, thế là có ít nhất 2 bà vợ với 4 đứa con khốn khổ, hai đơn vị phải tìm người thay thế, bệnh viện phải thêm người cứu chữa còn bảo hiểm thêm gánh nặng chi trả. Một ví dụ nhỏ mang tính đại khái thôi song đủ sức “chỉ thẳng” ra rằng, lãi lời do kinh doanh bia rượu chả thấm gì so với những sự tai hại từ nó mang lại.
Ngành y tế đang nhằm đến ích lợi chung, đến sự phát triển lành mạnh của nòi giống, của dân tộc; cho nên, những lời ngụy biện quanh chuyện rượu bia thiết nghĩ nên nghe chứ chớ nên sợ là vì những lẽ trên.
Cấm pháo còn được, khó gì cấm bán rượu bia sau 22h
Cấm tuyệt đối bia rượu là điều không thể, nhưng khuyến cáo không lạm dụng rượu bia và dần dần hạn chế tối đa rượu bia thì hoàn toàn là việc trong tầm tay của ngành y tế với sự đồng thuận của đa số người dân.
Điều gì cũng vậy, khi đã thành phong trào thì thật khó thay đổi thói quen hành vi. Tuy vậy, nếu lấy tiêu chí chung là sức khỏe toàn xã hội, an ninh trật tự cả đất nước thì bên cạnh giải thích, thuyết phục cũng rất cần cưỡng chế, xử lý nghiêm khắc. Hơn chục năm về trước, Chính phủ quyết định cấm đốt pháo trên phạm vi toàn quốc, đụng đến một thói quen có tính truyền thống của dân tộc và nhiều đời người từ xưa đến nay. Vì ích lợi chung, vì sức khỏe và an ninh cộng đồng, chúng ta đã thành công trong việc từ bỏ pháo nổ, cứu vớt không biết bao nhiêu sinh mạng có thể không còn được sống đến ngày nay nếu vẫn còn đốt pháo.
Dịp Tết cổ truyền trọng đại, thiêng liêng với mỗi người mỗi nhà như thế mà còn chấm dứt được việc dùng pháo nổ, thì cấm bán rượu bia sau 22 giờ càng không thể là việc khó và không khả thi như một số ít người quan ngại. Quản lý một cửa hàng bán bia rượu ở Việt Nam hiện có nhiều lực lượng, từ Công an, Quản lý thị trường, Thuế, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự đô thị v.v… Hoàn toàn có thể ra lệnh đóng cửa một quán bia hơi nếu vẫn đón khách sau 22 giờ đêm. Hoàn toàn có thể tước giấy phép kinh doanh của một quán bar nếu vi phạm lệnh cấm bán rượu sau giờ quy định. Hoàn toàn có thể mở những chiến dịch truyền thông, cổ vũ cho việc không lạm dụng và hạn chế sử dụng rượu bia, có thể vận động từ các tổ dân phố, các chi bộ đảng, các đoàn thể quần chúng khác…để hình thành một phong trào sinh hoạt lành mạnh, có chừng mực, có kiểm soát trong đó có kiểm soát rượu bia.
Ai nói gì thì nói, từ bình diện tổng thể mà xét, đề xuất của Bộ Y tế về cấm bán rượu bia sau 22 giờ đêm là đúng đắn, đặt những bước đi đầu tiên cơ bản nhất chống lạm dụng và dần dần đi đến hạn chế sử dụng bia rượu. Việc này vừa ích nước vừa lợi nhà, tốt cho mỗi người mà đẹp cho cả xã hội, trăm điều lợi mà chả lo có gì hại.  
Việc gì có lợi cho dân cho nước thì dù nhỏ đến mấy, dù khó đến đâu cũng nên hết sức để làm cho được. Bộ Y tế nên vững vàng, kiên định và kiên trì mà thuyết phục người dân, và khi người dân “nghe ra rồi đấy” thì việc khó mấy cũng xong!
 

Đọc thêm